Tàu cá nguy cơ nằm bờ
Hàng nghìn ngư dân tại huyện Cần Giờ, TP.HCM choáng váng với thông tin tăng giá xăng dầu. Ông Trương Hoàng Tài - chủ một tàu đánh bắt xa bờ ở xã Thạnh An nói: “Với giá dầu diesel ở mức 21.400 đồng/lít, tàu đánh bắt xa bờ phải tăng thêm chi phí gần 15 triệu đồng cho một chuyến đi. Hồi giá dầu chưa tăng, mỗi chuyến ra khơi cũng chỉ đủ chi trả chi phí, thậm chí chủ tàu đã phải chịu lỗ. Tình hình này, tôi chắc phải cho tàu nằm bờ rồi mới tính tiếp”.
|
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên hốt hoảng vì xăng dầu tăng giá. |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, Cần Giờ hiện còn khoảng 1.000 tàu với tổng công suất 56.723 CV, đều đang trong tình trạng khó khăn do thiếu vốn, thiếu công nghệ, kỹ thuật cao khi ra khơi. Giá xăng, dầu tăng càng khiến cho đội tàu như gặp trận bão mạnh...
Việc tăng giá xăng dầu cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản của nông dân tại các tỉnh ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ nhiệm HTX Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), nông dân nuôi tôm hằng ngày phải dùng dầu diesel chạy máy sục khí trong hồ nuôi tôm. Hàng trăm hộ đang lao đao vì dịch bệnh, vốn quay vòng đã không còn mà giờ thêm tăng giá xăng dầu, chỉ có nước cho tôm nghỉ thở.
Còn theo các chủ vựa trái cây tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), do tăng giá xăng, chi phí chuyên chở, đi lại tăng thêm ít nhất 50.000 đồng/ngày, cánh thương lái sẽ phải giảm giá thu mua nông sản của nông dân để bù lỗ. Nông dân thì không thể giữ trái cây lâu khi đã tới ngày thu hoạch nên với giá nào cũng sẽ phải bán, thiệt trăm đường nông dân đều phải gánh.
Người trồng cà phê lạy trời mưa xuống
Tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng đến nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Tính toán sơ bộ, chi phí tưới cà phê ở Tây Nguyên tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng so với đầu năm 2011.
Bà Nguyễn Thị Hồng (xã Đăk Lao, huyện Đăk Mil, Đăk Nông) bức xúc: “Mỗi lần xăng dầu rục rịch tăng giá, khổ nhất là nông dân chúng tôi. Suốt mấy ngày vừa rồi, chạy lòng vòng qua 7 - 8 cây xăng khắp cả huyện, chỗ nào cũng kêu hết dầu. Vậy mà sau khi được tăng giá, họ đưa ra bán ào ào. Bây giờ mua được rồi, nhưng với giá này thì chẳng khác nào đang ngồi trên lửa”.
Ngày 8.3, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, mức giá xăng dầu điều chỉnh ngày 7.3 là hợp lý và được tính toán kỹ. Tổ điều hành liên bộ cũng đã tính toán và dự báo: Tác động của giá xăng dầu tăng lên CPI cả năm là 0,85%.
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk, Đăk Lăk) tính toán chi tiết: “Mỗi hécta cà phê cần 400 lít dầu chống hạn trong một năm, với mức tăng 1.000 đồng/lít kể từ hôm qua, chi phí tưới cà phê đã tăng thêm 400.000 đồng/ha rồi. Nhưng đó chỉ là lần tăng này, chứ tôi nhớ không nhầm thì từ đầu năm ngoái tới giờ giá dầu tăng 3 lần rồi, từ 14.750 đồng/lít lên 21.400 đồng/lít, tức mỗi lít dầu đã tăng thêm 6.650 đồng. Gia đình tôi có 2ha cà phê, nếu như năm ngoái hết 11.800.000 đồng tiền dầu thì bây giờ lên tới 17.300.000 đồng, hỏi sao không lo lắng?”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa - cán bộ Phòng NNPTNT huyện Ea Kar, Đăk Lăk cho biết: “Với nông dân vùng cà phê năng suất thấp như Ea Kar, MĐrăk thì đợt tăng giá xăng dầu lần này là chồng chất khó khăn”.
Theo thống kê từ ngành công thương các tỉnh Tây Nguyên, với 400.000ha cà phê, nhu cầu dầu diesel chống hạn của nông dân toàn vùng lên tới nửa triệu mét khối mỗi năm. Chỉ riêng lần tăng giá này đã làm tăng thêm chi phí gần 500 tỷ đồng, còn so với thời điểm đầu năm 2011 thì nông dân Tây Nguyên đã mất thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp như ngồi trên “lửa”
Tại các doanh nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu nông sản, tình trạng lo lắng vì giá xăng dầu tăng cũng xuất hiện. Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN lo lắng: Giá xăng tăng mạnh sẽ kéo theo một loạt các chi phí đầu vào, rồi giá nhân công, vận tải tăng... trong khi đó, ngành gỗ chúng tôi năm nay xuất khẩu khó khăn, không thể tăng giá bán. Còn theo ông Phan Văn Đông - Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang, giá dầu tăng thì chi phí sản xuất tăng lên là đương nhiên. Doanh nghiệp đang phải gồng mình chống đỡ trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá dầu tăng thì doanh nghiệp sẽ còn khó nữa.
Lĩnh vực chế biến thủy hải sản cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Hùng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), cho biết giá xăng dầu tăng khiến ông tốn thêm mấy trăm triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho hay, dù chưa tính được ngay lúc này nhưng chắc chắn một điều là giá thành sản phẩm thủy sản sẽ tăng lên sau đợt tăng giá xăng này.
“Chi phí tăng thì phải tăng giá bán, tuy nhiên, trong tình hình xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay, tăng giá bán ra không phải là chuyện dễ” - ông Ký phân tích.
Chuyển sang dùng điện!
Ở ĐBSCL, mỗi vụ lúa nông dân sẽ bơm tát khoảng 8 - 10 lần, mỗi lần cần khoảng 5 - 6 lít dầu/ha. Nếu giá dầu tăng thêm 1.000 đồng/ lít thì mỗi vụ lúa chi phí sẽ tăng thêm tối đa 60.000 đồng/ha. Với việc giá xăng dầu tăng, nhiều nông dân vùng này đang tính chuyển sang sử dụng điện vì giá thấp hơn rất nhiều.
Theo tính toán của nông dân Đồng Tháp Mười, mỗi vụ lúa ngoài tiền nhiên liệu bơm tát khoảng 1 triệu đồng/ha thì nông dân còn tốn thêm tiền "đường nước" (công máy bơm) khoảng 1 triệu đồng, nâng tổng chi phí bơm tát lên 2 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, nếu gần đường dây điện, nông dân chỉ tốn chưa tới 1 triệu đồng/ha cho các tổ bơm điện.
Ở Long An, ngành nông nghiệp từ lâu đã chuyển dần sang dùng điện để sản xuất chứ không đợi đến khi xăng dầu tăng giá mới nghĩ tới chuyện này. "Những nơi chưa có điện, chúng tôi đang đàm phán với ngành điện để họ kéo dây vào nhằm phục vụ sản xuất. Sử dụng điện tiết kiệm hơn rất nhiều so với xăng dầu" - ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An khẳng định.
Hữu Danh
Mai Hương - Đông Nguyễn - Đình Thức - Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.