Doanh nghiệp "chiếm" phần lợi
Ngày 24.6, lần đầu tiên Tổng cục thống kê đã “hé lộ” thông tin chỉ số giá mặt hàng xăng dầu nhập khẩu trong quý II/2015 giảm “khủng” tới 37,84%. Trong khi đó, cũng trong quý II, giá xăng dầu trong nước lại liên tục được điều chỉnh tăng tới 3 lần, từ hơn 16.000 đồng/lít lên gần 21.000 đồng/lít xăng RON 92.
Cụ thể: Giá xăng được điều chỉnh tăng 1.950 đồng/lít hôm 5.5. Tới ngày 20.5, giá xăng tiếp tục tăng 1.200 đồng/lít. Ngày 19.6, giá xăng lại tăng thêm 275 đồng/lít. Riêng ngày điều chỉnh 4.6, giá xăng được giữ nguyên. Trước đó, ngày 11.3, giá xăng cũng đã được điều chỉnh tăng một lần là 1.600 đồng/lít.
Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục thống kê) cho biết, giá xăng dầu nhập khẩu, xuất khẩu đều giảm rất mạnh nhưng từ tháng 3 trở lại đây, giá xăng dầu trong nước lại tăng lên rất mạnh, tổng cộng 4 lần (1 lần tháng 3, 3 lần trong quý II).
Theo bà Ngọc, nguyên nhân là do giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (hình thành bởi bình quân 15 ngày giá nhập khẩu, thuế, phí…) tăng lên. “Giá cơ sở xăng dầu trong nước ngoài giá nhập khẩu còn bao gồm các loại thuế phí, do đó nếu cộng tất cả vào thì giá cơ sở mặt hàng xăng dầu lại tăng cao, do vậy, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá cơ sở cũng buộc phải tăng lên” - bà Ngọc phân tích.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, những công bố và lý giải của Tổng cục thống kê cho thấy, người tiêu dùng đang quá bị thiệt thòi khi không được hưởng giá xăng dầu trong nước thấp theo giá thế giới. Tất cả là bởi thuế phí và lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu “chiếm” hết.
>> XEM THÊM: Nếu có 67.000 công nhân đi ghi công tơ thì giá điện sao có thể rẻ?!
Đừng “bịt mắt, bịt tai” người tiêu dùng mãi!
Thực tế, thuế nhập khẩu xăng dầu đã có lúc tăng lên tới 35% và mới chỉ giảm xuống 20% gần đây do phải thực thi hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA). Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cũng tăng lên tới 300% từ 1.5… Đây là những yếu tố điển hình nhất khiến giá xăng dầu không giảm được theo diễn biến giảm của giá xăng dầu thế giới; thậm chí còn làm giá xăng dầu trong nước liên tục bị tăng lên suốt từ tháng 3 đến nay.
Theo thông tin chính thức từ ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, với giá dầu thô và giá xăng dầu xuất khẩu giảm như hiện nay, ngân sách Nhà nước năm nay sẽ giảm thu tới 20.000-30.000 tỉ đồng. Như vậy, để bù đắp cho khoản giảm thu này, các loại thuế phí khác với xăng dầu phải được sử dụng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thu vào ngân sách thì thu từ xăng dầu vẫn là dễ nhất. Nhưng có thực tế là cơ quan Nhà nước cứ mập mờ “đổ” cho giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng, làm giá cơ sở tăng rồi tăng giá xăng dầu trong nước lên, trong khi giá thế giới có diễn biến ngược lại, làm người tiêu dùng bức xúc.
Về phía các doanh nghiệp xăng dầu cũng luôn kêu lỗ và đòi tăng giá. Thậm chí mới đây doanh nghiệp xăng dầu còn kiến nghị tăng tiếp chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Nhưng đằng sau đó họ lại công bố những khoản lợi nhuận khổng lồ. Công bố mới đây của Petrolimex (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) là một ví dụ. Chỉ trong quý I/2015 con số lợi nhuận của tập đoàn này tăng vọt so với cùng kỳ, lãi công ty mẹ lẫn tập đoàn lần lượt là 90 tỷ và 461 tỷ đồng. Và cũng chính tập đoàn này cho biết, đó là nhờ quy chế điều hành.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải thốt lên trên diễn đàn Quốc hội rằng, “lợi nhuận doanh nghiệp xăng dầu quá lớn”, trong khi người dân phải gánh nhiều loại chi phí trong mỗi lít xăng. Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến thì mạnh mẽ hơn khi phát biểu rằng, xăng dầu đang chịu quá nhiều chi phí từ chi phí định mức, lợi nhuận định mức…
“Nếu chi phí định mức xin được, chỉ cần tăng thêm 100 đồng một lít thì người tiêu dùng đã gánh thêm 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi nếu lợi nhuận được mặc định 300 đồng một lít, người tiêu dùng phải trả lãi 4.800 tỷ đồng. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng. Chính điều đó khiến dư luận cứ "ngã ngửa" mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận” - ông Hiến nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cơ chế chính sách với mặt hàng xăng dầu để minh bạch hơn, công bằng hơn và hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Chúng ta đừng bịt mắt, bịt tai người tiêu dùng mãi với điệp khúc do giá thế giới tăng nên giá trong nước phải tăng trong khi các số liệu thống kê chính thức sau đó lại đi ngược lại” - ông Thắng nhận định.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để người tiêu dùng được hưởng giá xăng dầu thấp khi giá thế giới giảm thì cần phải tính toán lại các mức thuế phí cho phù hợp. “Trong nền kinh tế thị trường, không có ngành nào có lợi nhuận định mức. Nhưng giá xăng hiện đang gánh 300 đồng/lít lợi nhuận định mức. Đây là điều bất hợp lý” - ông Long phân tích.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đã là giá xăng dầu theo thị trường thì cứ giá thế giới lên mình lên, thế giới xuống mình xuống, phải căn cứ vào đó chứ sử dụng giá cơ sở là không hợp lý, bởi giá cơ sở còn gồm nhiều thuế, phí…
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại diễn đàn Quốc hội cũng đã thừa nhận: Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu mới thực hiện được 6 tháng, bên cạnh những kết quả tích cực thì còn những mặt cần tiếp tục phải nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có cả vấn đề xác định giá cơ sở, bao gồm chi phí định mức và lợi nhuận định mức.
>> XEM THÊM: Nếu có 67.000 công nhân đi ghi công tơ thì giá điện sao có thể rẻ?!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.