Giá xăng lên gần 30.000 đồng/lít, chủ cây xăng vẫn "càng bán càng lỗ" và những nghịch lý

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 12/03/2022 17:01 PM (GMT+7)
Hiện tại, giá xăng đã lên cao tiệm cận mức 30.000 đồng/lít, tuy nhiên, giới kinh doanh xăng dầu cho rằng họ không được hưởng lợi. Thậm chí, trong bối cảnh hiện tại giá xăng càng cao sẽ càng lỗ.
Bình luận 0

Cây xăng "dở khóc, dở mếu" vì giá bán càng cao thì càng lỗ

Trong kỳ điều chỉnh ngày hôm qua (11/3), giá bán các mặt hàng xăng dầu tiếp tục tăng ở mức trên dưới 3.000 đồng/lít. Theo đó, xăng E5RON92 hiện có giá không cao hơn 28.985 đồng/lít và xăng RON95-III không cao hơn 29.824 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng có mức giá trên 20.000 đồng/lít.

Cũng trong thời gian qua, giá xăng dầu tăng liên tục, theo chia sẻ của ông N.V.T, chủ một cây xăng tại Khoái Châu, Hưng Yên, nhìn giá cao tưởng người kinh doanh đang ăn nên làm ra. Tuy nhiên, hiện tại, các cây xăng "dở khóc, dở mếu" vì tình trạng giá bán càng cao thì càng lỗ. Cụ thể, theo ông T cho biết, giá bán nói trên do Nhà nước quy định, vì vậy, việc kiếm lời chỉ dựa trên mức chiết khấu mà nhà phân phối đưa ra.

“Càng bán càng lỗ”, chủ cây xăng mong muốn giá về lại 15.000 đồng/lít - Ảnh 1.

Giá xăng cao nhưng mức chiết khấu thấp đang "làm khổ" chủ đơn vị kinh doanh. (Ảnh: Thanh Phong)

Trong bối cảnh hiện tại, các đơn vị kinh doanh đang phải nhập nhiên liệu đầu vào với mức chiết khấu về gần 0 đồng. Do đó, nếu tính thêm các chi phí vận hành như điện, nước, nhân viên, mặt bằng,… mỗi lít xăng có thể bị lỗ 1.000 – 2.000 đồng.

"Tôi mong giá giảm về lại như thời gian chỉ loanh quanh 15.000 – 16.000 nghìn đồng/lít, khi đó mức chiết khấu ổn định, trừ tất cả chi phí đi còn có chút lời. Hiện giá càng lên cao, chúng tôi nhập vào đã lỗ, chưa kể nhiều yếu tố khác như thiếu nguồn cung. Giá cao người dân sẽ hạn chế sử dụng, doanh số chắc chắn sẽ giảm", ông T. chia sẻ.

Không chỉ các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ than khó, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cũng rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Theo đó, các doanh nghiệp này được giao nhiệm vụ tăng sản lượng xăng dầu nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối chia sẻ, hiện mỗi tàu xăng dầu nhập về, họ đã lỗ 30 - 40 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành công ty và nhiều rủi ro khác.

"Trong công thức tính giá cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện được hưởng chi phí và lợi nhuận định mức là 1.300 đồng/lít. Tuy nhiên giá cơ sở, bao gồm giá xăng thành phẩm thế giới, thuế, phí... đã vượt giá bán lẻ trong nước khoảng 3.800 - 4.000 đồng/lít, còn dầu gần 5.000 đồng/lít, chưa kể vẫn phải trích hoa hồng cho các đại lý", đại diện doanh nghiệp xăng dầu cho hay.

Sớm giảm thuế phí với xăng dầu

Nói thêm về giá xăng, PGS. TS Ngô Trí Long cho biết thêm, cơ cấu thuế phí hiện tại với xăng dầu sẽ khó có mức giá thấp. Cụ thể, trong 1 lít xăng hiện có 4 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng - VAT (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng) và thuế Bảo vệ môi trường.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, việc Quốc hội quyết định giảm thuế VAT 2% cho một số nhóm hàng hóa từ 10% xuống 8% nhưng trong đó lại không có mặt hàng xăng dầu.

"Nhóm hàng hóa chịu thuế VAT 10% mà đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không được miễn. Bởi thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế đánh vào các nhóm hàng hóa xa xỉ, nhóm hàng độc hại… mà nhà nước không khuyến khích như rượu bia, hay ảnh hưởng tới môi trường như xăng dầu", chuyên gia Ngô Trí Long lý giải.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên giảm thuế suất của sắc thuế này hay không. Tuy nhiên, theo PGS. TS Ngô Trí Long, liên quan tới chính sách thuế không phải Chính phủ ban hành mà do Quốc hội ban hành nên không phải muốn sửa là sửa ngay được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, muốn chặn đà tăng của thị trường xăng dầu trong nước chỉ có cách giảm thuế phí đối với mặt hàng này. Theo bà Lan, Chính phủ cần nhanh chóng tính toán giảm thuế, phí trong xăng dầu để ổn định giá và thị trường xăng dầu trong nước, động thái của nhà nước cần phải nhanh hơn nữa, không thể chậm như hiện nay. 

Thực tế, nguồn cung xăng dầu của Việt Nam, ngoài nhập khẩu, thì phần lớn do hai nhà máy lọc dầu hàng đầu là Nghi Sơn và Bình Sơn (đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) đảm trách. Dù Bình Sơn đã tăng công suất, nhưng cũng khó bù đắp lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn Thanh Hóa giảm công suất.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tiếp tục tăng, khó kìm đà tăng của thị trường. Chưa kể do Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu, vì thế giá xăng dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào giá dầu thế giới. Kế hoạch thực hiện của Nghi Sơn dự kiến tháng 3/2022 này cũng chỉ giao được 540.000 m3 xăng dầu (đạt 80%). Khi nhà máy Nghi Sơn giảm công suất, nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên thêm 5%, song công suất tăng thêm chỉ tương đương 28.000 m3, cũng chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.

Giá xăng đã tăng lên 30.000 đồng/lít, thậm chí tới đây có thể còn tăng hơn thế thì nhiều hoạt động kinh tế như vận tải, sản xuất rất có thể bị đình trệ, người dân sẽ chịu gánh nặng lớn từ các mặt hàng tiêu dùng vùn vụt tăng giá.

Trước đó, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua dễ dẫn đến hiện tượng “té nước theo mưa”, khiến nhiều mặt hàng tăng giá, gây áp lực lạm phát rất lớn, tác động chỉ số CPI. Cụ thể, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu.

Điểm đáng nói, dù các Bộ ngành đã linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng quỹ này cũng không còn nhiều, cho nên, hầu hết ý kiến vẫn chờ đợi nhà nước giảm thuế. Việc bình ổn giá xăng dầu lúc này thật sự góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2022.

Đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, khi giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch trong bối cảnh quỹ bình ổn giá có hạn, cần thiết sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Trước sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trong nước và giá xăng đã lên tới gần 30.000 đồng/lít xăng, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có phương án tăng lượng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem