Lịch học bị "biến động" theo dịch Covid-19, có nơi cho sinh viên học trực tiếp, có nơi cho học online, giữa thời buổi "bão giá xăng", sinh viên cũng phải tìm cách thích nghi, xoay xở.
Trên các diễn đàn sinh viên, có thể thấy cảnh sinh viên "than thở" khắp nơi, la liệt chia sẻ thông tin xăng tăng giá.
Đang chuẩn bị được chị gái nhượng lại chiếc xe học cũ để đi cho tiện thì nghe xăng tăng giá "cao ngất", Võ Thị Minh Đăng sinh viên năm 3, Đại học Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM đành ngậm ngùi gác xe lại.
"Em học ở quận 9 mà đang ở tận quận 2, giá xăng tăng với cung đường đi học cả đi và về là 18km em chỉ dám đi xe buýt thôi. Còn chiếc xe máy em chưa dám lấy đi", Đăng cho biết.
Năm nay, lịch học dày đặc và cũng một phần do dịch bệnh, nữ sinh quê Đắk Lắk không đi làm thêm nên ngoài số tiền bố mẹ cho, cô không có thêm khoản nào.
"Hiện tại em đang học offline, em tính kỳ này có xe nên xin thêm ba mẹ 500.000 đồng tiền sinh hoạt phí, trong đó có đổ xăng nữa. Ba mẹ cho em 2 triệu/tháng nhưng dịch bệnh lại phát sinh khoản mua khẩu trang và kit test Covid-19 rất tốn kém. Thường em chỉ ăn trưa còn sáng nhịn ăn, do trường ở xa địa điểm trọ, học cả ngày, em không quay về chỗ thuê trọ", Đăng nói với Dân Việt.
Ngoài các khoản "cứng" liên quan đến sinh hoạt phí hàng ngày, Đăng cho hay, cô cũng "bấm bụng" cắt khoản chi liên quan đến quần áo, mỹ phẩm... – những món đồ mà con gái rất yêu thích.
Giống như Đăng, Thu Hương (Nam Định) sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho hay, cô phải "tằn tiện" chi tiêu khi giá xăng tăng, giá cả các mặt hàng ăn, uống "leo thang" theo. Thu Hương hiện đang ở chung với một bạn gái trong căn phòng thuê giá 2 triệu đồng ở khu vực Nhổn.
"Ở trọ gần thì tiền phòng quá đắt nên bọn em tìm phòng xa địa điểm trường hơn một chút, thế nhưng xăng tăng giá chóng mặt quá, hôm trước hôm sau đã chênh nhau tới gần 4.000 đồng/lít. Hiện tại em đang đi học trực tiếp ở trường, với tình hình này không biết bình xăng vừa đổ đầy với giá 130.000 đồng của em có "cầm cự" nổi một tuần hay không", Thu Hương tâm sự và nói thêm, cô đang tính chuyển sang đi xe buýt vì cũng tiện chuyến, tuy nhiên lại khá bị động.
Ngọc Anh, sinh viên ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia thì chia sẻ, dù gia đình ở Hà Nội và không phải thuê trọ nhưng để tiết kiệm chi tiêu khoản đổ xăng, những ngày tới, cô mượn anh trai chiếc xe đạp đi học hoặc đi bằng xe buýt.
"Em thiên về ý tưởng đi xe đạp hơn, bởi trong thời kỳ dịch Covid-19, xe buýt là phương tiện công cộng, có nhiều người cùng đi nên dễ lây bệnh", Ngọc Anh cho hay.
Về quê, đi làm thêm để thêm thu nhập
Mai Thu Huyền, sinh viên năm cuối của Học viện Ngân hàng (Hà Nội) cho biết, hiện tại trường cô đang cho học online. Việc tăng giá xăng không tác động quá nhiều tới Huyền bởi nữ sinh đang ở quê nhà tại Quảng Ninh.
"Bạn cùng phòng với em hiện ở Hà Nội đang học online cũng phải hạn chế đi chơi vì giá xăng tăng. Việc giá xăng tăng ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên, nếu gia đình bạn nào khá giả thì sẽ chi tiêu thoải mái hơn. Còn đối với các bạn bố mẹ chỉ cho một khoản nhất định mỗi tháng thì buộc phải tiết chế chi tiêu. Tuy nhiên, tâm lý sinh viên là phần lớn các bạn ngại xin nhiều tiền hơn so với tháng trước", Huyền cho hay.
Huyền lo ngại cho việc sắp tới đi thực tập trong bối cảnh giá xăng tăng: "Sinh viên đi làm thêm hay thực tập thì thực ra không được bao nhiêu cả nên tiền lương bù vào tiền xăng là cũng hết, chưa kể có những bạn đi thực tập không lương".
Còn Vũ Văn Ngọc (Vĩnh Phúc) sinh viên khóa 38 của Học viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội) cho hay, nam sinh đã về quê từ vài tuần trước sau khi nhà trường thông báo chưa học trực tiếp. Sắp tới, khi xuống Hà Nội, Ngọc sẽ tìm cách để tiết kiệm chi tiêu, đồng thời tính đi làm thêm để "bù" vào tiền xăng xe.
Ngọc bày tỏ: "Em ở trọ xa, chạy chiếc xe máy cũ của bố nên khá hao xăng. Dự định của em là kiếm công việc làm thêm online những lúc rảnh rỗi, nếu không cả tiền nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt phí cộng vào sẽ phụ trội theo giá xăng rất nhiều".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.