Giấc mơ... cán bộ (!)

Thứ bảy, ngày 28/05/2011 16:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày trước bà con ta hay đọc câu ca: “Tháng năm ta có lúa chiêm/Tháng mười ta lại có thêm lúa mùa/Nếu ăn không hết còn thừa/Bán đi mua vải là vừa ấm no”. Cuộc sống nhà nông thật là đơn giản và bình yên. Ấy thế mà bước sang thế kỷ 21, ở miền Bắc, miền Trung, nhiều vùng nông dân lại có ca từ mới: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”.
Bình luận 0

Có người về huyện Nho Quan, huyện chiêm trũng nghèo nhất tỉnh Ninh Bình, đã thấy một nghịch lý: Có xã như Gia Tường chỉ còn 7,3% hộ nghèo, nhà cửa nhìn bề ngoài có vẻ khang trang, nhưng có đến 70% dân xã cấy hái xong kéo nhau ra thành phố làm thuê.

Làm thuê rõ ràng là nhiều tiền hơn làm ruộng. Có nơi ở vùng này, mỗi tháng làm ruộng bà con chỉ kiếm được 30-40 nghìn đồng. Ra thành phố kiếm 100.000 đồng/ngày hoàn toàn không khó. Đánh hơn chục đôi giày là có một trăm ngàn. Lau nhà, nấu ăn thì tháng thừa sức 3-4 triệu đồng. Thợ xây, thợ vận chuyển (xà bẩn, đổ bậy) nếu phòng thuế có đến bắt nộp thuế thu nhập cá nhân cũng không oan.

Vì thế nhà nào có nhiều người ra phố sẽ xây được nhà 2 tầng, dù chỉ như hai chiếc container chồng lên nhau, sắm được “con uây Tàu” 3 triệu, chạy phành phạch quanh làng, trông đã thấy nể. Vì thế, xã có nhã ý xếp diện hộ nghèo cũng không dám nhận.

Thoát nghèo bằng làm thuê hoàn toàn không phải là “phát triển bền vững”. Cũng như hàng vạn chị em “xuất cảnh lấy chồng” cũng không phải là con đường hạnh phúc. Thực ra nông dân không bao giờ mơ ước hai con đường đó. Vì cái nghèo đeo đẳng mà phải ly nông...

Vậy bà con ta mơ gì? Phải mạnh dạn tư duy để thừa nhận một thực tế, nông dân ta hiện nay chỉ có một giấc mơ, đó là “giấc mơ cán bộ”. Có bác đi bộ đội, chỉ đeo lon thiếu tá, về hưu lương 6-7 triệu đồng gì đó, đã được xếp vào hàng “đại gia làng”. Nhà nào có người làm cán bộ trên tỉnh, rồi theo đúng tinh thần đồng hương, người đi trước kéo người đi sau, cả nhà cả họ đông cán bộ, đảm bảo xây được nhà thờ họ to, giỗ tết con cháu xe cộ về quê nườm nượp.

Đó là mô hình thoát nghèo tạm bợ, hạ sách, khi mà chưa có cuộc cách mạng thực sự như công nghiệp hóa nông thôn mà Đảng ta đề ra. Cái “giàu nhà quê” là như thế. Có bác còn tìm ra công thức cái nghèo, đó là lười - nợ - nhậu. Không chịu làm, chỉ ăn là... “khố rách áo ôm”. Còn muốn giàu bằng nghề nông là cả một vấn đề xã hội lớn, một mặt trận lớn, cần có người chỉ huy tài năng.

Ở làng xã vẫn là mấy bác “quan xã” đứng đầu, các bác này nếu sáng tạo, năng động thì dân được nhờ. Chẳng may có khi vớ được ông “quan đần (thì) dân khổ”!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem