Giấc mơ của phụ nữ Châu Lăng

Thứ năm, ngày 27/02/2014 14:12 PM (GMT+7)
Năm 2013, Hội Phụ nữ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2013 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ VN và Quỹ Giải thưởng tài năng nữ VN trao tặng.
Bình luận 0
Đây là nguồn động viên to lớn cho chị em phụ nữ Khmer ở miền biên giới An Giang…

Nhắc lại chuyện đi nhận giải thưởng ở Hà Nội, chị Phạm Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Lăng (Tri Tôn) và chị Neáng Nhây, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phnôm Pi (Châu Lăng) vẫn còn run. Chị Nguyệt chia sẻ: “Mình ở xa xôi, lại là xã nghèo gần biên giới, ra lãnh thưởng ở hội trường lớn giữa thủ đô. Đại biểu trao giải thưởng là lãnh đạo cấp cao của Nhà nước nên run lắm. Hai chị em cứ nhắc nhau phải thật bình tĩnh, đi đứng vững vàng”.

Chị Neáng Nhây nhớ lại: “Lúc ấy mình thật sự rất hãnh diện vì được đi Hà Nội, vì được nhận bằng khen từ lãnh đạo và hơn hết là mình hãnh diện vì những cố gắng của chị em đã được nhìn nhận và đánh giá cao”. Để được xét trao thưởng, chị em trong xã đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong việc vươn lên thoát nghèo, xây dựng kinh tế gia đình. Trong đó, thành tích nổi trội nhất chính là việc Hội Phụ nữ xã đã xóa mù chữ cho hàng chục chị em ở Châu Lăng thành công.

Phụ nữ Khmer trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ Khmer trong trang phục truyền thống.

Có một câu chuyện vui của mấy chị phụ nữ xã Châu Lăng khi nói về chuyện xóa mù chữ. Đó là nhờ được xóa mù chữ mà chị Neáng Nhây (nhỏ) có thể đọc và nhắn tin cho người yêu. Nhờ nhắn tin qua lại, bây giờ, chị Neáng Nhây đã có gia đình hạnh phúc.

Chồng đi làm thuê, chị Neáng Nhây bán tạp hóa, bán nước uống cho bà con trong ấp cạnh nhà chị Neáng Nhây (lớn)- là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phnôm Pi. Bây giờ gặp lại, mọi người hay chọc chị Nhây là nếu không được xóa mù, Neáng Nhây đâu có được chồng, con như hôm nay. Nhưng hơn hết, nhờ biết chữ mà chị Neáng Nhây có thể mua bán, làm ăn thuận lợi hơn.

Chị Neáng Nhây, nói: “Nói thiệt với cô chứ biết chữ có lợi lắm vì mình có thể đọc giá các loại mà nhớ bán như thế nào có lời. Hay đơn giản chỉ là biết chữ để mà ký tên mình hoặc biết số để mà vay tiền Nhà nước coi người ta có ghi lộn của mình không”.

Theo chị Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lăng, nhờ nhiều chị em biết đọc, biết viết mà các kế hoạch thoát nghèo, các phong trào do xã triển khai xuống được chị em tiếp nhận và thực hiện dễ dàng hơn, giúp nhiều chị thoát nghèo bền vững.
Hà Thanh - Cửu Long (Hà Thanh - Cửu Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem