Điểm nhấn từ đường mai Tân Túc
Theo ông Trương Thái Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, đất nông nghiệp nơi đây vốn nhiễm phèn nặng. Trước đây, nông dân chủ yếu trồng mía, dứa nhưng thu nhập thấp và giá cả bấp bênh. Khi thành phố có chủ trương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân mạnh dạn lấy giống mai ghép rồi cấy giống trên đất ruộng.
Hoa mai Bình Lợi cần nâng cao hơn nữa giá trị và thương hiệu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết đã yêu cầu Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu mô hình mái che bằng bạt nhựa có thể kéo vào, kéo ra để ngăn trời mưa trời làm ảnh hưởng đến hoa mai. Đồng thời hỗ trợ làng nghề này xây dựng website và logo để phát triển thương hiệu. |
“Cây mai phát triển tốt, nhiều người đã giàu lên cũng do từ bỏ cây mía để trồng mai vàng. Cũng từ nơi đây, mai giống được phân phối đến vườn trồng trong thành phố và các tỉnh để làm cây phôi sản xuất mai ghép, bonsai” - ông Ngọc nói.
Anh Lê Hữu Thiện - nông dân sản xuất giỏi ở xã Bình Lợi kể, anh cũng mới bắt đầu trồng mai vàng từ năm 2014. Nhờ tiêp cận được nguồn vốn theo chính sách hỗ trợ của thành phố, anh Thiện vay gần 1 tỷ đồng để đầu tư mở rộng diện tích vườn lên 3,5ha, gồm cả mai đất và mai chậu.
Tết Nguyên đán năm 2018, năm đầu tiên bán mai, anh Thiện bán được 800 gốc, thu về hơn 800 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, anh còn lời khoảng 350 triệu đồng. Nhờ có tuyến đường hoa mai vàng trên đường Tân Túc do UBND huyện Bình Chánh tổ chức dịp tết 2018, anh đem 150 chậu mai tham gia đường hoa này và bán hết 140 chậu (giá mỗi chậu khoảng 1,5 triệu đồng).
“Đây là điểm trưng bày mới mẻ và rất có ích. Tôi mong UBND huyện nên tiếp tục duy trì đường mai vàng để có nơi cho nông dân trong vùng mua bán thuận lợi, đồng thời người dân thành phố và các tỉnh cũng biết đến thương hiệu mai vàng Bình Chánh” - anh Thiện chia sẻ.
Nâng cao giá trị cho mai vàng
Anh Phan Tiến Đạt - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi xã Bình Lợi cho biết, câu lạc bộ hiện có 10 thành viên chuyên nuôi cá cảnh và làm hoa mai. Mùa tết vừa qua, dù bị nhuận 1 tháng và thời tiết không thuận lợi nhưng nông dân trồng mai vẫn được mùa.
Theo anh Đạt, khi cây mía và lúa đang khó khăn về sản xuất và tiêu thụ, diện tích mai hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa. Làng mai Bình Lợi đang trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng mai có tiếng ở khu vực phía Nam. Chủ vườn ở hầu khắp các quận huyện trong thành phố và các tỉnh thành miền Tây đều kéo về đây mua cây nguyên liệu. “Thậm chí sau tết, nhu cầu bán mai nguyên liệu còn được giá hơn. Làng mai cũng đang tuyển chọn lại các loại giống mai tốt của thành phố để phát triển nhân rộng” - anh Đạt kể.
Theo ông Võ Ngọc Đẹp - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, diện tích trồng mai ở huyện Bình Chánh hiện đã lên gần 300ha. Đơn vị này cũng đã đưa nông dân đi tham quan làng mai ở Bình Định, nơi nổi tiếng làm mai bonsai.
Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông cũng đang đầu tư mô hình tạo dáng mai để tăng thêm giá trị cho cây. “Vì chỉ có cách tạo dáng mới có thể tăng thêm giá trị cho cây mai chứ không thể chỉ chờ nhổ dưới đất lên bán như hiện nay” - ông Đẹp nhấn mạnh.
Tính toán sơ bộ, hiện có đến 60% giống mai Bình Lợi đang được bán xuống các tỉnh miền Tây, phần còn lại bán cho các địa phương khác trong đó có TP.HCM. Ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh kể, ngày trước vùng trồng mai ở Bình Lợi thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Sau khi hoàn thành tuyến đê bao ở khu B xã Bình Lợi, vấn đề ngập úng chỉ còn mang tính cục bộ, người dân hoàn toàn yên tâm trồng hoa và nuôi cá.
Thành quả của làng nghề Bình Lợi ngày nay gắn liền chặc chẽ với nỗ lực xây dựng nông thôn mới của huyện. “Đây là động lực để tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng mai vàng Bình Lợi thành một làng hoa có tên tuổi. Thời gian tới, làng nghề phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm của mình như mai chậu, mai bonsai để nâng cao giá trị thay vì mai đất còn phổ biến như hiện nay” - ông Phụng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.