Mặc dù thời tiết nắng nóng oi bức, thế nhưng hội trường của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa) - nơi tổ chức Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” - với sức chứa 300 chỗ ngồi đã không còn một ghế trống. Bởi lẽ, Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” lần này có sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, như PGS-TS Phạm Ngọc Thạch – giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS-TS Ngô Vĩnh Viễn – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật; PGS-TS Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản; ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và đặc biệt có sự tham gia của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam, một người có cách nói chuyện rất cuốn hút đối với bà con nông dân.
Tại đây, bà con nông dân được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia nông nghiệp về các vấn đề gặp phải trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp, như: Trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản và đặc biệt là cách lựa chọn, sử dụng các loại phân bón cho phù hợp với từng loại cây trồng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, bà con được các chuyên gia tư vấn về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, như: Bệnh sâu đục thân, sâu cuốn lá trên cây lúa; bệnh rệp sáp trên cây vú sữa; cách chăm sóc cây quất sao cho không bị sâu bệnh và ra quả đúng thời vụ… Trong lĩnh vực chăn nuôi -thú y, bà con được tư vấn cách bảo quản và sử dụng vaccine; nguyên tắc, quy trình vệ sinh, sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi. Các chuyên gia cũng giới thiệu cho người chăn nuôi một số loại thuốc tiêu biểu để phòng và chữa bệnh cho lợn, gà, trâu, bò…
Các chuyên gia nông nghiệp tư vấn cho bà con nông dân tại chương trình. Ảnh: Thế Lượng
Đối với các câu hỏi thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các chuyên gia nhấn mạnh công tác cải tạo môi trường ao hồ trước khi thả nuôi; những lưu ý trong công tác vệ sinh môi trường, xử lý môi trường trong quá trình nuôi. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn tư vấn cho bà con tìm mua, đọc một số cuốn tài liệu, sổ tay cần thiết cho người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Bà con nông dân đã được ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tư vấn về cách phân biệt phân bón thật, giả; cách sử dụng phân bón đúng cách cho cây trồng. Tại buổi tư vấn này, nhiều người dân đã mạnh dạn hỏi kỹ về lĩnh vực phân bón, đặc biệt là về các loại phân bón Lâm Thao.
Người dân muốn được tư vấn thường xuyên hơn
Sau khi được nghe tư vấn của ông Vũ Xuân Hồng, bà Hoàng Thị Hải (50 tuổi), ở phường Quảng Thắng, TP. Thanh Hóa, phấn khởi cho hay: “Buổi tư vấn của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp mà chúng tôi vừa được tiếp cận là rất bổ ích. Các kiến thức trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi… đều được tôi ghi chép cẩn thận. Còn về phần tư vấn cách lựa chọn, sử dụng phân bón cho phù hợp với các loại cây trồng, tôi rất tâm đắc các nội dung tư vấn của ông Hồng, vì ông ấy đã chỉ cho chúng tôi cặn kẽ cách sử dụng phân bón Lâm Thao. Ông ấy còn chỉ cho chúng tôi cách nhận biết, phát hiện các loại phân bón thật và phân bón giả”.
Quan điểm
Đây là một chương trình bổ ích, mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Công ty chúng tôi xác định, luôn luôn sát cánh với người nông dân trên cả nước. Vì vậy, hàng năm, chúng tôi phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông thôn (thuộc Bộ NNPTNT) và Hội Nông dân các tỉnh, thành trong cả nước để tổ chức những buổi tư vấn cho bà con nông dân.
Còn ông Nguyễn Trọng Côi (54 tuổi), ở khu phố Minh Trại, phường Quảng Thành, TP.Thanh Hóa tâm sự: “Qua buổi tư vấn của các chuyên gia nông nghiệp, cũng như cách tư vấn của ông Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, tôi thấy phấn chấn và tự tin hẳn lên. Gia đình tôi có 2 sào (1.000m2) đất trồng rau màu và 2 sào đất trồng lúa. Từ trước đến nay, tôi chỉ dùng phân lân Lâm Thao và đạm Phú Mỹ để bón cho cây trồng. Bởi theo kinh nghiệm của tôi, bón phân lân Lâm Thao cho các loại cây, như: Xà lách, hành hoa, cà xanh, bí xanh, mướp hương… giúp cho cây trồng có độ bền, xanh dai hơn so với các loại phân bón khác, trong khi đó giá bán phân lân Lâm Thao lại rẻ hơn. Còn đối với cây lúa, tôi thường xuyên dùng phân lân Lâm Thao để bón thúc. Theo kinh nghiệm của tôi, khi mua phân lân Lâm Thao về, trước khi bón cho rau màu thì phải trộn lẫn một phần phân hai phần đất màu rồi ủ lại vài ngày...”.
Ông Côi cũng mong muốn được nhà sản xuất phân bón tổ chức những buổi tư vấn cho nhà nông thường xuyên hơn, để bà con có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật và cách thức sử dụng phân bón có hiệu quả. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất phân bón - trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cần có chính sách hỗ trợ nông dân và khuyến cáo cho người dân cách sử dụng phân bón có hiệu quả. Từ trước tới nay, bà con nông dân ở địa phương sử dụng phân bón cho cây trồng chủ yếu là bằng kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Hồng cho biết: “Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa lần này đã mang lại hiệu quả và bổ ích cho người nông dân. Tại buổi tư vấn đã có hàng chục câu hỏi của bà con liên quan đến kiến thức nuôi, trồng và cách lựa chọn, sử dụng phân bón cho cây trồng. Theo đánh giá của các đại biểu, đây là một chương trình bổ ích, mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Công ty chúng tôi xác định luôn luôn sát cánh với người nông dân trên cả nước. Vì vậy, hàng năm, chúng tôi phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông thôn (Bộ NNPTNT) và Hội Nông dân các tỉnh, thành trong cả nước để tổ chức những buổi tư vấn cho bà con nông dân”.
Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” là một diễn đàn sinh động và hữu ích, gắn kết nông dân với nhà khoa học và doanh nghiệp. Đây cũng là nơi giúp nông dân được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.