Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
LTS: Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP.HCM năm 2023 vào cuối tháng 2 vừa qua (ngày 28/2), hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều tập trung phản ánh việc khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, thủ tục còn nhiều khó khăn, sự chênh lệch lãi suất lớn giữa các doanh nghiệp đi vay, việc định giá tài sản của doanh nghiệp ngành nông nghiệp hay doanh nghiệp công nghệ còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng gặp không ít thiệt thòi… Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng lãi suất ngân hàng quá cao như hiện nay khiến các doanh nghiệp kinh doanh hầu như "chỉ đủ để trả lãi cho ngân hàng".
Sau tròn một tháng gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, phía các ngân hàng và cả chính quyền TP.HCM đã có những động thái quyết liệt hơn. Thế nhưng, thực tế vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ, để người dân và doanh nghiệp không còn than phiền "muốn vay vốn giá rẻ thì lên… tivi mà vay".
"Có thời điểm tôi đã nghĩ đến việc đóng cửa nhà máy vì cạn vốn, nhưng nhìn những công nhân gắn bó với mình thời gian dài vừa qua, nhất là trong đại dịch Covid-19, tôi quyết định tiếp tục xoay xở, giữ mạch sản xuất. Bởi, phía sau họ còn có gia đình, không thể thất nghiệp lúc này được", lời chia sẻ gan ruột của ông Nguyễn Trọng Phát - Giám đốc Công ty NPFood Việt Nam (huyện Củ Chi, TP.HCM) khiến chúng tôi nhói lòng.
Là DN sản xuất kim chi mang thương hiệu MR LEE cho hàng loạt siêu thị, ông Nguyễn Trọng Phát nhận định, sau dịch bệnh Covid-19, các DN quy mô nhỏ và vừa như NPFood Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Ông Phát tâm sự, trước đây ông vay ngân hàng 10 tỷ đồng (lãi suất 13%/năm) để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và phải thế chấp nhà cửa mới được vay. Nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, nhà xưởng thì ngân hàng không chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Vì vậy, để tiếp tục hoạt động, ông tìm đến các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
"Tôi chấp nhận mức lãi suất 15-16%/năm vì họ không yêu cầu bắt buộc người vay phải có tài sản thế chấp. Đơn vị cho vay chỉ duyệt hồ sơ thông qua các báo cáo tài chính, các khoản báo cáo thuế, doanh thu hằng năm… và được duyệt vay rất nhanh", ông Phát nói.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ mật ong thiên nhiên - cũng cho biết, DN đang có nhu cầu vay 50 tỷ đồng để đầu tư thêm thiết bị máy móc, thanh toán chi phí cho nông dân cung cấp nguyên liệu… nhưng khi đi gõ cửa rất nhiều ngân hàng, ông Vũ chỉ nhận được những cái lắc đầu.
"Công ty có tài sản đảm bảo là đất nông nghiệp nhưng ngân hàng không chấp nhận tài sản này", ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, vay với tư cách DN thì lãi suất chỉ 8,2%/năm nhưng do không được ngân hàng chấp nhận nên ông đành bấm bụng vay với tư cách cá nhân, chịu lãi suất 11-13%/năm để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Việc vay lãi suất cao khiến Công ty Xuân Nguyên không thể đầu tư thêm máy móc mở rộng quy mô. Đến mùa thu hoạch, DN cũng không có kinh phí trữ hàng, bao tiêu 100% nông dân như trước mà chỉ ưu tiên những nông hộ đã cung cấp lâu năm. Nói thật, nhìn đầu ra sản phẩm của nhiều hộ nông dân không tiêu thụ được, chúng tôi rất xót nhưng lực bất tòng tâm", ông Vũ bày tỏ.
Trên đây chỉ là số ít trong hàng trăm, hàng nghìn DN nhỏ và vừa đang "đói vốn" mà không thể tiếp cận được nguồn tín dụng vì rất nhiều lý do. Vì vậy, để duy trì sản xuất, nhiều DN đã quyết định vay ngoài, vay các tổ chức phi tài chính với lãi suất cao hơn gấp đôi.
"Các DN thuộc nhiều lĩnh vực như dệt may, chế biến gỗ… đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã khiến nhiều DN thiếu hụt vốn để tiếp tục đầu tư, tái sản xuất và mở rộng thị trường, kéo theo hệ lụy là không đủ tài sản để thế chấp vay vốn. Càng nghịch lý hơn, ngay cả khi tiếp cận được vốn, DN cũng không dám vay vì lãi suất đang tăng cao".
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nói.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM chia sẻ, hiện có không ít DN trong hội đang khóc ròng vì lãi suất thực tế cho vay quá cao so với lãi suất "đàm phán miệng".
Cụ thể, ông Tống dẫn chứng, có trường hợp ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay với biên độ 2,5% so với lãi suất huy động, nhưng trong hợp đồng để ký không nêu lãi suất cụ thể, ngân hàng nói đã có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nói lại. Nhưng thực tế đến nay, biên độ đã lên đến 4-5%.
Theo Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, những ngày gần đây, một số DN chia sẻ rằng lãi suất của hợp đồng vay mới có giảm nhẹ so với trước. Song lãi suất vay của các hợp đồng vay vốn hiện hữu thì chưa nhận được thông báo giảm lãi suất và đang phải chịu mức lãi suất cho vay rất cao, lên đến trên 13%/năm.
"Số lượng đơn hàng mới đã giảm 30-50% so với đầu năm ngoái, trong khi chi phí đầu vào tăng 10-20%. Nói chung, dòng tiền của DN giờ đây cạn kiệt nên rất cần các giải pháp tín dụng cấp bách", ông Tống nói thêm.
Anh Nguyễn Quang (quận 12, TP.HCM), chủ một DN cơ khí cho biết, hồi đầu năm 2022, anh vay 4 tỷ đồng với lãi suất 7,5%/năm để mở rộng nhà xưởng. Hàng tháng, DN trả 25 triệu tiền lãi. Đây là mức vay ưu đãi của ngân hàng trong nhóm BIG 4 dành cho DN.
Sau đó, để phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng, anh Quang mua thêm xe nhưng vay theo hình thức cá nhân bằng tài sản thế chấp ở một ngân hàng thương mại, khoản vay 1,5 tỷ đồng với lãi suất là 9%. Như vậy, bình quân thêm mỗi tháng anh phải trả thêm khoảng 11,2 triệu đồng tiền lãi.
Tuy nhiên, mới hồi đầu năm 2023, khi đáo hạn khoản vay này thì lãi suất đã tăng lên 17%. Điều này đồng nghĩa từ 11,2 triệu đồng tiền lãi hàng tháng, anh Quang phải trả 21,3 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng tiền lãi trả mà anh này đang phải "gánh" hàng tháng là khoảng 46,3 triệu đồng/tháng, chưa tính đến nợ gốc.
"Lãi suất tăng cao thế này nói thật là chúng tôi làm ăn kinh doanh chỉ đủ để trả lãi ngân hàng", anh Quang nói.
Đây cũng là thực tế mà các DN, nhất là DN nhỏ và vừa đang phải gánh thời gian qua khi mặt bằng lãi suất tăng cao.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho hay, các DN ngành lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn do vừa phải duy trì ổn định sản xuất vừa phải tái đầu tư công nghệ nhằm đáp ứng những rào cản kỹ thuật mới mà các thị trường xuất khẩu đang áp dụng.
"Với mức lãi suất cao trên 10% như hiện nay, rất khó cho DN nếu muốn gia tăng hoặc tái đầu tư. Chưa kể, hàng loạt các chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên vật liệu… đang gây áp lực rất lớn lên các DN", bà Kim Chi nói.
Còn ông Văn Công Thật, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Cần Giờ thì nhấn mạnh, nếu cứ mãi duy trì mức lãi suất cao như hiện nay, nền kinh tế sẽ co cụm vì người có tiền sẽ đem gửi ngân hàng để hưởng lãi cao chứ không ai bung ra làm ăn, còn DN không dám vay vì làm ra bao nhiêu nộp lãi cho ngân hàng bấy nhiêu.
"Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần sớm có giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để DN có thể phục hồi sản xuất kinh doanh", ông Thật kiến nghị và nhấn mạnh rằng, cần phải có trần lãi suất huy động để làm sao lãi suất cho vay khoảng 5-6%/năm, biên độ từ 2-3% thì DN mới hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận.
Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình sản xuất và kinh doanh của các DN trên địa bàn mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, qua thực hiện khảo sát hơn 100 DN về hoạt động sản xuất kinh doanh (đến tháng 2/2023), kết quả cho thấy 83% DN đang gặp khó khăn. Các DN cho biết, các yếu tố khó khăn như thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%)... Bên cạnh đó, một số DN lớn cũng đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. "Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước", HUBA nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.