Doanh nghiệp lương thực thực phẩm tất bật xuất khẩu đầu năm
Doanh nghiệp lương thực thực phẩm tất bật xuất khẩu đầu năm
Hồng Phúc
Thứ tư, ngày 09/02/2022 15:35 PM (GMT+7)
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho biết ngay đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã tất bật xuất khẩu hàng chục tấn hàng sang thị trường các nước. Bà cho hay các doanh nghiệp đều tự tin sớm lấy lại đà tăng trưởng trong năm mới.
Sau Tết Nguyên đán, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp lương thực thực phẩm tại TP.HCM đã khôi phục trở lại. Thậm chí, có doanh nghiệp còn hoạt động xuyên Tết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.
Trao đổi với Dân Việt, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, nhận định thời điểm này, các doanh nghiệp đang tất bật và "tự tin sớm lấy lại đà tăng trưởng" ngay trong năm 2022.
Tất bật xuất khẩu đầu năm
Ngành lương thực thực phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và đã phục hồi ở giai đoạn quý IV/2021. Bà đánh giá thế nào về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần?
Tại TP.HCM, nhịp sống đã trở lại và các hoạt động kinh tế đã được khôi phục từ đầu tháng 10/2021 khi TP ban hành Chỉ thị 18, chấm dứt việc giãn cách xã hội sau một thời gian dài thực hiện. Ngay lập tức, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm chuyển sang hoạt động bình thường trở lại, mặc dù công suất những ngày đầu chỉ đạt từ 70-90% so với thời điểm bình thường.
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi thì đã có những tín hiệu tích cực và đầy khả quan.
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2022, bên cạnh nhịp mua sắm của người dân thành phố đã trở nên tấp nập thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM đã tất bật xuất khẩu hàng chục tấn hàng hóa sang các thị trường.
Liệu các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm có sớm lấy lại được phong độ trong năm 2022?
Phải nói rằng, đây là một điểm sáng rất tích cực, tạo niềm tin rất lớn vào khả năng phục hồi và sẽ là cơ hội để ngành lương thực thực phẩm tự tin sớm lấy lại đà tăng trưởng, nhất là khi thời điểm dịch bệnh Covid-19 được từng bước kiểm soát trùng với mùa mua sắm lễ tết cuối năm.
Hiện mọi sinh hoạt của người dân dần trở lại một cách đầy đủ nhất và thị trường đang rất cần nguồn cung, từ nội địa đến xuất khẩu.
Dự báo, năm 2022 bức tranh ngành lương thực cũng như các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm sẽ vượt qua khó khăn, lấy lại được đà tăng trưởng tốt, tiếp tục là ngành nghề trọng điểm, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Bà kỳ vọng điều gì ở năm 2022 đối với ngành lương thực thực phẩm năm 2022?
Năm 2022 đang ở phía trước và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phấn đấu với sứ mệnh của riêng mình là nỗ lực phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt, tiến tới hỗ trợ cộng đồng và xây dựng đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng.
Cần những gói hỗ trợ để phục hồi nhanh
Theo bà, các doanh nghiệp lương thực thực phẩm đang cần điều gì để sớm đạt được kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng?
Ngoài sự nỗ lực của từng doanh nghiệp thì cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm nói riêng, luôn mong mỏi Chính phủ sẽ sớm ban hành một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách được thiết kế khoa học, hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp.
Chương trình này phải có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi và phát triển năm 2022 và những năm tới.
Đồng thời sớm có những gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh ở các ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ... như hỗ trợ nguồn vốn vay ngắn hạn, giảm thêm lãi suất vay của các ngân hàng... để sớm tạo sức bật cho nền kinh tế.
Xuất khẩu là một điểm sáng của các doanh nghiệp lương thực thực phẩm trong năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh. Theo bà, các doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ những gì để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022?
Để hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu, theo tôi, các bộ ngành cần tăng cường công tác nghiên cứu, thông tin thị trường, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường có nhu cầu phù hợp.
Chính phủ phải chỉ đạo phối hợp giữa các bộ trong việc đưa nội dung tháo gỡ rào cản thị trường vào các phiên họp của các ủy ban liên chính phủ với các nước; chủ động nêu vấn đề về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tại các diễn đàn khu vực, như ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và diễn đàn đa phương (WTO).
Đồng thời, theo tôi, cũng cần đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện các thủ tục về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, như tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước đối tác có FTA; giảm bớt các thủ tục hải quan.
Cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn
Thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, bà là người nhiều lần nói lên khó khăn, đề xuất của các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp than khó về việc kết nối, thủ tục hành chính?
Theo tôi, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong phát triển ngành lương thực thực phẩm. Cần thiết phải có sự kết nối đa ngành và phối hợp liên ngành, từ tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.
Phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các chuỗi sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng xuất khẩu đủ mạnh, thích ứng, không bị đứt gãy.
Chính phủ cần lắng nghe những vấn đề bức xúc, gây khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực thi thủ tục hành chính và những kiến nghị nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính từ phía các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, đánh giá khách quan và có chỉ đạo, giám sát việc điều chỉnh, khắc phục từ các bộ ngành để việc cải cách phù hợp thực tế để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thêm không gian và môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hoạt động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.