Giải cứu lợn nhưng dân phải tự vận chuyển, thương lái "ăn" 850.000 đ/con

Thứ năm, ngày 11/05/2017 07:15 AM (GMT+7)
Lợi dụng giá lợn hơi xuống dốc, thương lái phân loại chất lượng lợn bằng cảm quan để xác định giá thu mua từ thấp lên cao không biết đâu mà lần...
Bình luận 0

Hộ chăn nuôi tự bơi

Chúng tôi về tỉnh Long An, nơi hầu hết là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với tổng đàn 270 ngàn con lợn cũng đang điêu đứng, cần phải “giải cứu” như ở tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, theo một đại diện của Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh, vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh có làm việc với Cty Vissan (TPHCM) đề nghị hỗ trợ người chăn nuôi địa phương tiêu thụ thịt lợn. Phía Vissan đồng ý với 3 điều kiện, đó là số lượng lợn phải nhiều; hai là, phải có HTX hoặc tổ chăn nuôi làm pháp nhân đại diện; cuối cùng là người dân phải gom lợn lại vận chuyển trực tiếp lên TP để cán bộ Vissan kiểm tra, đánh giá chất lượng lợn, sau đó mới báo giá cụ thể.

Trong đó, 2 điều kiện đầu cơ bản đáp ứng, còn điều kiện thứ 3 là người chăn nuôi không thể vận chuyển lợn lên thành phố mà không biết giá thu mua của Vissan bao nhiêu, nên phương án “giải cứu” này coi như bị phá sản. Thế nên, đến nay ở Long An, người chăn nuôi vẫn phải “tự bơi”, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.

img

Bà Nguyễn Ngọc Ngân giảm mạnh khẩu phần thức ăn nhằm làm chậm sự phát triển đàn lợn thịt

Tại huyện Cần Giuộc với đặc thù nghề nuôi tôm nhưng cạnh đó cũng có trên dưới 300 trăm hộ chăn nuôi lợn. Tại đây, không có các trang trại chăn nuôi lợn lớn mà hầu hết đều nhỏ lẻ với số lượng nuôi vài chục con/hộ. Điều đáng nói, có những hộ nuôi tôm lập đàn trong thời gian từ năm 2015, 2016 trở lại đây đều thiếu kinh nghiệm kỹ thuật trong cách phối giống và phòng ngừa điều trị bệnh cho lợn.

Ông Nguyễn Văn Đăng, Trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện cho hay, theo thống kê tổng đàn lợn năm 2015 toàn huyện có 4.800 con; năm 2016 tăng 7.800 con; đến tháng 5/2017 vượt lên 8.500 con. Tổng đàn lợn tiêu thụ chính ở 2 lò giết mỗ nằm ở 2 xã Trường Bình và Long Phụng, mỗi đêm giết mổ tổng cộng khoảng 100 con lợn.

“Lợn ở đây tiêu thụ trong huyện là chính, không có xuất khẩu qua Trung Quốc. Giá cả thu mua đều do thương lái quyết định. Các tiêu chí như lợn đẹp, lợn xấu, lợn hướng nạc, mỡ nhiều, mỡ ít là do họ tự đặt ra để phân loại chứ nhà nước không ai qui định như thế cả”, ông Đăng nói.

Vẫn theo ông Đăng, một con lợn từ lò giết mổ đến “thớt” (các điểm bán lẻ ngoài chợ) phải gánh chi phí 94.000 đồng/con. Cụ thể, 7.000 đồng cho phí kiểm soát giết mỗ thú y (trước đây là 8.000 đồng do có 1.000 đồng phí kiểm dịch-PV); 52.000 đồng cho trấu (nấu nước), điện nước, mặt bằng và 35.000 đồng cho công giết mổ, vận chuyển từ lò ra chợ. Ngoài ra, còn có cộng thêm phí chi phí vận chuyển từ hộ chăn nuôi đến lò giết mổ bình quân 50.000 đồng/con. Tổng cộng 144.000 đồng/con.

“Thương lái mua 2.600.000 đồng/con (100 kg/con) cộng thêm 144.000 đồng tức là 2.744.000 đồng/con, sau khi giết mổ còn lại khoảng 60 kg thịt bán buôn (dân gian còn gọi là thịt xí bính, không tính đầu lợn và nội tạng), giá bán ngoài chợ bình quân 60 ngàn đồng/kg, vị chi 3.600.000 đồng, tức chênh lệch 856.000 đồng. Số tiền lợi nhuận này chia 2 tầng trung gian là thương lái và tiểu thương”, ông Đăng phân tích. 

Lũng đoạn giá lợn?

Chúng tôi đến xã Phước Lại, tại đây người dân đang đắn đo thả tôm vụ 1 với diện tích 450 ha mặt nước, đồng thời cũng đang “đối phó” với giá lợn. Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng ban thú y xã cho biết, địa phương có 18 hộ nuôi lợn với tổng cộng trên 200 con lợn. Nếu qui mô chăn nuôi trang trại từ 100 con trở lên thì chỉ có 1-2 hộ gia đình thiệt hại, còn ở đây do chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên nhiều hộ thiệt hại, thậm chí trắng tay.

img

Hộ nuôi lợn sát cạnh hồ tôm.

Theo ông Bảo, thương lái hiện đưa ra 3 mức giá thu mua khác nhau: giá 30.000 đồng/kg với điều kiện lợn phải đẹp, nở mông, nở vai, mỏng da, bung đùi, hướng nạc; 28.000 đồng là lợn hướng mỡ, mỡ kha khá; cuối cùng là 26.000 đồng với lợn xấu đùi lép, cấn mỡ (nhiều mỡ), ít nạc..

Căn cứ tiêu chí nào mà họ lại xác định như vậy?, tôi hỏi. “Lúc giá lên thì họ mua sô, lợn cỡ nào cũng mua, nhưng hiện giá xuống thấp nên họ chọn lọc mua rất khó khăn, các tiêu chí đưa ra đều do họ tự đặt ra chứ các lò giết mổ không yêu cầu. Mặt khác, các hộ nuôi tôm mới lập đàn sau này, do thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên phần lớn lợn bệnh, lợn còi nên càng bị thiệt hại nặng hơn”, ông Bảo nói.

Hộ ông Nguyễn Trí, nuôi tôm 1.000 m2 là ví dụ. Do nuôi tôm nhiều năm, môi trường ô nhiễm, tôm thường bị bệnh gan tụy nên ông “treo” ao, cuối năm 2016 thấy giá lợn có ăn, ông chuyển qua nuôi với tổng đàn 2 nái, 18 con lợn thịt. Thế nhưng, do không có kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc nên lợn thường xuyên bị bệnh, tất cả đều phó thác vào dịch vụ thú y nên chi phí bên ngoài rất nhiều.

“Tui nản lắm, lợn xuất chuồng được rồi, kêu thương lái đến họ coi chê xấu bỏ đi. Nói thật, bây giờ tranh thủ ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, cán bộ nhà nước không đi kiểm tra, mấy anh em như tui gom lại 2-3 con đem giết mổ, sau đó tự mang ra chợ bán đổ đồng 3 kg = 100.000 đồng, may ra lấy lại chút vốn, còn bán thương lái coi như mất trắng”, ông Trí chia sẻ.

Còn hộ bà Nguyễn Ngọc Ngân, ấp Mương Chài, nuôi 21 con lợn thịt cân nặng khoảng 70 kg đang tìm cách làm chậm lại sự phát triển của đàn lợn bằng cách giảm mạnh khẩu phần thức ăn. Theo đó, so với trước, bà cho ăn bình quân 2 bao thức ăn (25 kg/bao), nay bà giảm còn đúng 1 bao. “Trước cho ăn 480.000 đồng, nay tui giảm còn 240.000 đồng/bao. Nên lợn ăn xong vẫn còn vét máng vì đói nhưng cũng đành chịu thôi”, bà Ngân nói.

Nhật Vy (NNVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem