Giải hạn đầu năm, phong tục độc đáo của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn

Chang Liễu Thứ năm, ngày 01/03/2018 14:25 PM (GMT+7)
Đầu năm mới, nhiều gia đình người dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn thường mời thầy then, thầy tào.. gọi chung là thầy về nhà hoặc đến nhà thầy làm lễ giải hạn với lòng tin để giảm bớt các rủi ro, vận hạn, bệnh tật, cầu mong an lành cho cả năm.
Bình luận 0

Với lòng tin thuần phác, người dân tộc Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Để tìm hiểu về lễ giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng tại Lạng Sơn, chúng tôi đã tìm đến một gia đình làm lễ giải hạn trong những ngày đầu năm Mậu Tuất để “mục sở thị” các nghi lễ giải hạn.

img

Thầy tào đang làm lễ cúng giải hạn những ngày đầu năm.

Tìm đến nhà ông La Văn Đảo ở thôn Phai Xả, xã Chu Túc, huyện Văn Quan vào một ngày đầu năm với chút mưa phùn lớt phớt đặc trưng của mùa xuân. Không khí gia đình đông vui, náo nhiệt nhưng mỗi người mỗi việc tất bật để chuẩn bị mâm lễ theo yêu cầu của thầy tào. Ông Đảo cho biết: "Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đều mời thầy về làm lễ cúng giải hạn đầu năm nhằm xua đuổi cái xấu, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi. Đây là một nét tín ngưỡng độc đáo của bà con ở đây. Các gia đình có thể lựa chọn thầy tào tiếng dân tộc gọi là lạo slay hay thầy then (theo tiếng dân tộc thì có then pò -  thầy then là con trai và then mè - thầy then là con gái) tùy vào quan niệm tâm linh của từng gia đình mà lựa chọn".

Qua tìm hiểu được biết muốn làm lễ giải hạn việc đầu tiên là phải tìm gặp thầy then, bà then, thầy tào để xem ngày lành tháng tốt, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ vật và đi đón thầy về nhà để làm lễ. Các đồ lễ để cúng tùy theo mỗi thầy có những yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình khi sắm lễ. Nhưng cơ bản một mâm lễ giải hạn thường có 3 con gà, bánh kẹo và một chiếc thủ lợn. Tùy vào điều điện của từng gia đình mà có thêm nhiều lễ vật khác. Mâm lễ cúng giải hạn được bày ở giữa nhà, dưới bàn thờ tôt tiên và gồm có 3 mâm: Mâm thánh, mâm cụ tổ gia tiên và mâm hung tin quan hạn. Mỗi mâm có một bát gạo sống đặt ở giữa, cắm hương và nhiều hình nhân cắt bằng giấy; một con gà chín có đủ lòng mề, tim, gan, tiết; hoa quả bánh kẹo. Ngoài ra còn có thêm một con gà sống.

Trong lễ cúng giải hạn, nếu giải hạn là thầy then thì vật dụng thầy dùng là cây đàn tính, còn với thầy tào thì có chiếc quạt và thẻ xóc. Thầy tào sẽ đội một cái mũ với nhiều màu sắc. Mỗi một màu tương ứng với một vị thần linh. Khi những làn điệu then cổ cất lên bằng tiếng dân tộc hòa với tiếng đàn tính, tiếng xóc thẻ của thầy tạo nên không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tâm linh, là tổng hòa của thiên - địa – nhân.

img

Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người Tày Nùng ở Lạng Sơn.

Theo ông Nông Văn Chiến - một thầy tào lâu năm ở huyện Văn Quan cho biết: “Những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình Tày, Nùng trong huyện và các huyện lân cận đều mời tôi đến nhà làm lễ cũng giải hạn với mong muốn sang năm mới nhiều may mắn, mùa màng thuận lợi. Một lễ cúng tùy thuộc vào cách cúng của từng thầy và ý nguyện của gia chủ mà có mà có các nghi lễ khác nhau. Nhưng trong một lễ giải hạn, nghi lễ chung nhất thường gồm các bước: gia chủ làm lễ dâng hương, thầy phũng trả (rót một lượt nước chè ở các mâm); tâu sớ để trình, báo cáo và mời tổ tiên về để con cháu trong gia đình dâng lễ vật; mời thánh phán (thầy dùng hai thẻ gỗ để xin quẻ, sau đó làm lễ sát gà (giết gà); làm lễ cúng diệt trừ tà ma, quét sạch những điều xui xẻo, cầu bình an, tài lộc. “Nếu gia chủ thành tâm và âm phần trong nhà tốt, việc xin quẻ cũng diễn ra thuận lợi, lễ cúng diễn ra được suôn sẻ” thầy Chiến cho biết thêm.

Thầy được mời về làm lễ giải hạn là người có khả năng thần giao cách cảm, có thể giao tiếp với thế giới tâm linh, những người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác thông qua nhãn quan của mình. Họ được các gia đình mời để làm lễ giải hạn, mừng nhà mới, cầu tự, cầu phúc lộc, thọ…Giải hạn là một nét tín ngưỡng độc đáo tồn tài lâu đời vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứ đựng những giá trị tâm linh đặc biệt. Đây là một nét đặc sắc của loại hình văn hóa tín ngưỡng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem