“Giải mã” các vụ buôn người

Minh Tiến/An ninh Thế giới Thứ năm, ngày 16/07/2015 10:08 AM (GMT+7)
Dù tuổi đời còn khá trẻ, thượng úy Phạm Hồng Quân - Phó Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45 Công an TP.Hà Nội) đã có một “bề dày” thành tích nổi bật. Cùng với các đồng đội thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), thượng úy Quân đã phá rất nhiều vụ án buôn bán phụ nữ, trẻ em, giải cứu được không ít thiếu nữ khỏi “động quỷ” bên kia biên giới…
Bình luận 0

1. Cuối năm 2013, một người đàn ông trung niên với khuôn mặt đầy đau khổ đến gõ cửa Phòng CSHS Công an TP.Hà Nội (số 7 phố Thiền Quang).

Người đàn ông tên là Nguyễn Văn P (trú tại quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) đến trình báo về việc hai cô con gái xinh đẹp của ông là Nguyễn Thị Kim N (SN 2000) và Nguyễn Thị Mỹ L (SN 1997) đã bị mất tích nhiều ngày. Ông P cũng cho biết, ngay đêm đầu tiên không thấy hai cô con gái về nhà, cả gia đình đã tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm, đồng thời báo lên công an phường, quận nhờ tìm giúp.

Cũng trong khoảng thời gian đó, điện thoại của hai cháu N và L vẫn thỉnh thoảng có tín hiệu. Nhưng đến ngày thứ ba thì hoàn toàn trong tình trạng "ngoài vùng phủ sóng".

Tiếp nhận thông tin trình báo từ ông P, các chiến sĩ thuộc Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em (Đội 12) đã lập tức tập trung các biện pháp, dò tìm tung tích hai chị em. Qua xác minh ban đầu, có cơ sở để khẳng định hai cháu L và N đã bị bán ra nước ngoài.

Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Phòng PC45, thượng úy Phạm Hồng Quân cùng nhiều trinh sát Đội 12 đã tiến hành phối hợp với Công an quận Tây Hồ và các tỉnh biên giới tổ chức thông báo nhân dạng về hai cháu gái bị mất tích, đồng thời phối hợp với công an Trung Quốc tiến hành giải cứu các cháu.

Thật may mắn, ngày 18.3.2014, được sự phối hợp với Công an tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), lực lượng điều tra Công an quận Tây Hồ và PC45 Công an TP.Hà Nội đã giải cứu thành công, đưa cháu Nguyễn Thị Mỹ L về Việt Nam an toàn trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên, thông tin về cháu N thì vẫn bặt tăm.

Cháu Mỹ L kể khoảng tháng 11.2013, cháu cùng em gái N được một đối tượng nữ tên Linh rủ lên Lạng Sơn buôn bán quần áo với thu nhập cao. Trước đó cháu N quen với Linh qua một game online. Hai chị em đi theo Linh, không ngờ đã bị đối tượng bán trao tay cho một đối tượng khác tên là Loan. Sau đó Loan đưa hai chị em thẳng sang Trung Quốc để bán tiếp cho một đối tượng tên Lan. Cuối cùng các cháu đã bị bán cho những người đàn ông bị ế vợ ở đó.

Cũng theo cháu Mỹ L, những ngày ở đất khách quê người cháu còn gặp không ít những cô gái trạc tuổi mình bị ép làm vợ của những gã đàn ông già khú đế mà không có cách nào để thoát ra được.

Cũng từ các thông tin của bị hại, một chuyên án đã được thành lập, nhằm lật tẩy đường dây buôn bán người nguy hiểm này. Tổ công tác do thượng úy Phạm Hồng Quân làm tổ trưởng nhận nhiệm vụ điều tra đối tượng Lan.

Theo mô tả của bị hại, cùng với nhiều thông tin chắp nối từ các sự việc, lực lượng điều tra khoanh vùng được đối tượng Lan ở khu vực huyện Yên Thế và TP.Bắc Giang. Tổ công tác liên tục có mặt ở Bắc Giang rà soát thông tin, phối hợp với Công an tỉnh nhằm phát hiện những di biến động của đối tượng.

Sự kiên trì của các trinh sát đã được đền đáp, sau rất nhiều lần có mặt tại Bắc Giang, tổ công tác đã phát hiện Lan xuất hiện ở thị tứ Bảo Sơn, huyện Lục Nam. Nguồn tin từ người dân cho biết có thể Lan đang lẩn trốn tại một quán karaoke do cô ruột của Lan làm chủ. Nhiều ngày sau đó, các trinh sát phải đóng vai là những thanh niên ham chơi, tối nào cũng mò đến quán karaoke này hát hò nhằm nhận dạng đối tượng Lan, song thị dường như có cái mũi thứ hai đánh hơi được nên không thấy xuất hiện nữa?

Hy vọng tìm được đầu mối duy nhất của vụ án sắp tắt, thì tổ công tác nhận được thông tin Lan cùng cô ruột đang di chuyển về khu vực xã Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang. Lập tức mẻ lưới được tung ra đón lõng đối tượng. Kẻ cầm đầu đường dây đã được làm rõ, là Ninh Thị Lan (SN 1985, quê ở thị trấn Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang).

Tiếp đó, đối tượng trung gian Hoàng Thị Loan (SN 1977, quê ở xã Yên Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang) cũng bị lộ sáng. Tuy nhiên Loan đã nhanh chân bỏ trốn. Sau đó hai ngày, tổ công tác thuộc Công an quận Tây Hồ cũng lật được bộ mặt thật của đối tượng Linh (tên thật Đặng Thị Hiền, SN 1994, quê ở xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) - kẻ chuyên dụ dỗ các cô gái trẻ đi làm rồi đem bán.

Hiền là đối tượng bỏ học sớm, lang thang lên khu vực quận Cầu Giấy, Hà Nội kiếm sống. Biết được nhu cầu "tuyển người" Loan và Lan, Hiền bàn với một đối tượng tên là Nguyễn Đức Thắng SN 1993, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - người cùng quê) đi tìm các cô gái trẻ ở khắp các tỉnh thành đưa sang Trung Quốc bán. Cô ta lập nickname trên game và mạng xã hội để làm quen, kết thân với các em gái rồi lân la tâm sự, hỏi về hoàn cảnh gia đình.

Khi biết "con mồi" khó khăn, cần có việc làm kiếm được nhiều tiền Hiền rủ các em lên Lạng Sơn buôn bán quần áo với mình, tiền công mỗi ngày 500 nghìn đồng, được ăn ngon, mặc đẹp. Khi kiếm được "hàng" Hiền sẽ liên lạc với Thắng, để đưa “hàng” sang biên giới. Mỗi món hàng trót lọt, Hiền được hưởng hàng ngàn nhân dân tệ.

img
Thượng úy Phạm Hồng Quân.

2. Là cử nhân kinh tế, song thượng úy Phạm Hồng Quân lại đột ngột "rẽ ngang" sang làm cảnh sát hình sự, kể cũng là một điểm thú vị về người lính trẻ này. Tuy nhiên, nhiều đồng đội cũng như cán bộ chỉ huy ở số 7 phố Thiền Quang mỗi lần chạm mặt vẫn thường hỏi đùa anh rằng: "Này, thằng Quân "con" đâu rồi?". Gắn với "sự tích" này của Thượng úy Quân là cả một vụ việc hy hữu.

Tháng 1.2010, các trinh sát Công an Hà Nội nhận được thông tin nghi vấn về một đường dây buôn bán trẻ sơ sinh ra Hà Nội. Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã bám theo một phụ nữ bế một cháu nhỏ  đi từ Bến xe miền Đông (TP.HCM) ra Hà Nội và bắt quả tang khi người này đang giao bé cho hai người ngồi trong một ôtô khác chờ sẵn tại Văn Điển (Hà Nội) rạng sáng 31.1.2010.

Tại cơ quan công an, người phụ nữ khai là Ngô Thị Sang (tức Sương, trú tại huyện K'Bang, Gia Lai). Còn hai người trên ôtô đang nhận bé Quân từ Sang là Nguyễn Văn Hải và vợ là Ngô Thị Thúy trú tại xã Thanh Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Hải khai "mua" bé Quân để bán sang Trung Quốc. Đầu mối thu mua trẻ sơ sinh của Hải tại phía Nam là Trần Thị Phương Loan (trú tại đường Huỳnh Văn Bánh, P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Hải cũng khai nhận ngoài bé Quân, đường dây này đã buôn bán trót lọt 5 trẻ sơ sinh nam sang Trung Quốc với giá 50-70 triệu đồng/bé.

Ngay lập tức hai đối tượng Ngô Thị Sang và Nguyễn Văn Hải đã bị bắt giữ. Tuy nhiên "vật chứng" của vụ án - cháu bé trai mới được khoảng một tuần tuổi - lại chưa được làm rõ nguồn gốc, tung tích và kể cả tên tuổi.

Khi "vật chứng" này được đưa về Phòng CSHS, mấy nữ trinh sát xoắn xuýt thay nhau chăm sóc thằng cu rất kháu khỉnh này, song vì cháu không có tên nên rất bất tiện trong việc chăm sóc cũng như đưa vào biên bản lời khai để điều tra vụ án. Cũng vì thế mà một trinh sát dày dạn đã nảy ra sáng kiến là lấy tên cậu thanh niên trẻ nhất đội, lại chưa vợ để đặt tên cho cậu bé. Và cu cậu được mang tên Phạm Hồng Quân từ đó.

Bé Quân sau đó được đưa đến Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương nhờ các bác sĩ, y tá ở đây chăm sóc. Bé lớn dần thì được chuyển vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội). Thượng úy Quân cũng vui mừng thông báo với chúng tôi, hiện tại bé Quân đã được một gia đình tại Hà Nội nhận về chăm sóc, nuôi nấng. Cháu đang chuẩn bị vào lớp 1.

img
Cháu bé mang tên Quân được giải cứu trong vụ buôn bán trẻ em của đối tượng Hải, Sang.

3. Cảm thông với gia đình có con em bị lừa bán, bắt cóc…, các trinh sát, điều tra viên Đội 12 luôn nỗ lực, chiến đấu hết mình để tìm bằng được bị hại đồng thời bóc gỡ toàn bộ đường dây của chúng. Có thể kể đến các chuyên án 130P phá ổ nhóm chuyên lừa các bé gái qua "chat" của hai thanh niên có biệt danh là "Tý" và "Hoàng"; hay như vụ giải cứu cháu bé sơ sinh bị bắt cóc ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bên cạnh đó, vụ phá ổ nhóm buôn người do đối tượng Vương (Bắc Kạn) cũng là một trong những chuyên án đặc biệt.

Tháng 3.2012, Phòng CSHS nhận được thông tin về một đường dây chuyên buôn bán phụ nữ ra nước ngoài. Chị Đào Thị H (SN 1994, trú tại Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) đã bị một đối tượng bán sang Trung Quốc làm gái.

Vài tháng sau khi bị bán, chị Đào Thị H trốn được ra ngoài và tìm cách gọi điện thoại về nhà. Từ số điện thoại liên lạc về Việt Nam của chị H, bằng các biện pháp nghiệp vụ các trinh sát đã giúp chị H xác định được địa chỉ để tiến hành giải cứu.

Được sự giúp đỡ từ phía Công an Trung Quốc, ban chuyên án đã phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn giải cứu thành công nạn nhân đưa về Việt Nam. Và bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh em trong tổ công tác xác định Vương là kẻ đã bán chị H sang Trung Quốc. Tuy nhiên, không dễ để tóm được đối tượng này.

Nhân thân, đặc điểm nhận dạng đối tượng đều chưa xác định được ngoài thông tin là Vương đã từng làm xây dựng ở Hà Đông. Từ thông tin này, ban chuyên án đã xác định Vương là người tỉnh Phú Thọ đã có vợ và một con, nhưng đã bỏ vợ và đang sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác tên là Nông Thị Lệ H ở Bắc Ninh. Lúc này, thông tin đó có thể là một nút thắt quan trọng của vụ án bởi nhiều khả năng Vương sẽ qua lại với người phụ nữ này.

Biết được Nông Thị Lệ H đang làm việc tại Công ty Điện tử Samsung, lực lượng điều tra tiến hành phân loại và thu hẹp đối tượng nghi vấn. Trong số 25.000 công nhân làm việc tại đây rút ra được 5 người có tên là H quê ở Bắc Kạn.

Qua đánh giá sàng lọc thì phát hiện có một công nhân tên H thuê nhà trọ tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Qua thông tin người dân cung cấp thì được biết tên Vương đang ở đây. Tuy nhiên, do biết mình đang bị lực lượng công an truy tìm nên y luôn cảnh giác, có "động" là tìm cách lẩn trốn, không bao giờ ở cố định một nơi.

Không nản chí, với tinh thần quyết tâm truy lùng tội phạm đến cùng, khai thác mối quan hệ của Vương, thì được biết đối tượng này có quan hệ rất phức tạp, có thông tin rằng y đã chuyển lên Bắc Kạn sinh sống và cưới một cô vợ tại đây.

 

img
Hai đối tượng Ninh Thị Lan và Nguyễn Đức Thắng.

Khai thác nguồn tin, đột phá sâu, Ban chuyên án nắm được thông tin vợ mới của Vương đang sống tại khu vực bến xe Bắc Kạn. Lập tức một tổ công ngay lập tức lên đường đến Bắc Kạn từ sáng sớm. Phối hợp với Công an thị xã Bắc Kạn tiến hành rà soát khu vực bến xe, nhưng lại không có ai tên Vương và vợ là người như thế.

Tưởng chừng thất vọng thì giây phút ấy lóe lên trong đầu thượng úy Phạm Hồng Quân rằng có thông tin trước đây trong khoảng thời gian đối tượng Vương rời khỏi Bắc Ninh có ở xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn làm gạch. Công an thị xã Bắc Kạn cho biết chỉ có khu vực xã Huyền Tụng là có nhiều lò gạch. Tiến hành tập trung rà soát khu vực này thì phát hiện có một đối tượng tên Vương mới lấy vợ, đang ở nhà vợ và làm gạch tại đây.

Niềm tin của các trinh sát chắc chắn là đây là tên Vương là đối tượng đang cần tìm. Lúc đó đã tầm 18 giờ tối, từ ủy ban xã vào tới nhà Vương ở trong rừng  cách xa cả chục kilômét. Trong cả quả đồi của một xã mênh mông chỉ có mấy nóc nhà ở, thượng úy Phạm Hồng Quân cùng các trinh sát triển khai quây kín khu vực nhà Vương. Xác định đối tượng đang ngồi ăn cơm trong nhà, lực lượng phục bên ngoài đã nhanh chóng bắt gọn Vương. Ngay trong đêm, các anh đã dẫn giải Vương về Hà Nội…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem