Tâm sự nhói lòng của sơn nữ hồn nhiên theo chân kẻ buôn người

Chủ nhật, ngày 18/01/2015 11:38 AM (GMT+7)
Vừa qua, Đồn biên phòng xã Tri Lễ, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quế Phong bắt quả tang 3 đối tượng có hành vi mua bán người sang Trung Quốc. Sau khi được giải cứu, trở về đoàn viên với gia đình, 3 nữ nạn nhân vẫn chưa hoàn hồn.
Bình luận 0
PV Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn độc quyền các nạn nhân khi họ vừa về lại mái nhà xưa. Những tâm sự rất thật của các sơn nữ đã gợi mở ra nhiều vấn đề cần bàn đằng sau vấn nạn nhức nhối này.

img

Hai trong ba nạn nhân của vụ buôn người vừa được giải cứu thành công đang kể lại vụ việc với PV.

Chuyên án đầu năm mới

Khoảng 20h ngày 6.1, tại khu vực bản Quin, xã Quang Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), Đồn biên phòng Tri Lễ (huyện Quế Phong) phối hợp với Phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An và Công an huyện Quế Phong bắt quả tang 3 đối tượng đang có hành vi đưa người sang Trung Quốc bán. Tại đây, lực lượng chức năng đã kịp thời giải cứu thành công 3 nạn nhân trú tại xã Tri Lễ.

Theo lời khai, các đối tượng gồm: Vi Thị Hiền (SN 1984), Vi Văn Trung (SN 1997, cùng trú tại bản Quin, xã Quang Phong, Quế Phong) và Sầm Văn Lâm (SN 1977, ở bản Páo, xã Quang Phong).

img

Các đối tượng Hiền, Lâm và Trung.

Danh tính các nạn nhân ban đầu được xác định là Lương Thị M (SN 1982), Ngân Thị D (SN 1983) và Lô Thị L (SN 1954, mẹ D, cùng trú tại bản Na Niếng, xã Tri Lễ).

Đồn biên phòng Tri Lễ đã khởi tố vụ án, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ, mở rộng điều tra. Hiện, các đối tượng và hồ sơ vụ việc đã được bàn giao cho BĐBP tỉnh Nghệ An xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả trên đánh dấu sự thành công của chuyên án 340L vừa được thiết lập.

Xuất phát từ TP.Vinh (Nghệ An), sau hành trình hơn 200km, chúng tôi đã có mặt tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Lẫn trong màn sương dày đặc, những ngôi nhà sàn nằm ẩm ướt, lạnh lẽo, mờ mờ, ảo ảo như một bản nhạc buồn giữa tiết trời âm u.

Đối với những con người nơi đây, câu chuyện về 3 phụ nữ của xã vừa được BĐBP Tri Lễ giải cứu cũng bình thường như bao câu chuyện khác, không có gì là lạ. Thế mới nói, ở đây, việc buôn bán phụ nữ qua Trung Quốc đang là một vấn nạn nhức nhối.

Theo chân của ông Lương Tuấn Nghĩa, Công an xã Tri Lễ, chúng tôi đã tìm về nhà của chị Lương Thị M, 1 trong 3 nạn nhân của vụ buôn bán người được đề cập trên.

Tâm sự của các nạn nhân vừa được giải cứu

Kể lại sự việc vừa xảy ra với mình, M run run cho biết: "Hôm đó, em đang đi bốc lúa thuê bên trụ sở UBND xã Tri Lễ thì nhận được điện thoại của D (tức Ngân Thị D) hỏi có đi làm không, công việc ổn định, lương cao, đi vài hôm mà không thích vẫn cho về và trả thêm 30 triệu đồng. Nghĩ có tiền để lo cho chồng và các con, Tết lại sắp đến nên em chẳng kịp suy nghĩ gì, tức tốc chạy về nhà dặn dò mấy đứa nhỏ, không kịp lấy quần áo, cứ thế theo D và bà L leo lên xe ô tô xuống xã Châu Thôn (Quế Phong).

Tại đây, chúng em gặp 3 người nữa, họ bảo bà L già rồi, đừng đi nữa, trở về nhà nghỉ ngơi đi, họ cho 1 triệu đồng. Còn em và D, họ cho mỗi người 2 triệu đồng, bảo gửi nhờ bà L mang về cho gia đình. Sau đó, em và D tiếp tục ngồi sau xe máy của 3 người này đi sang bản Căm Muộn (Quế Phong). Lúc mấy người này chuẩn bị chở bọn em đi tiếp thì các anh BĐBP xuất hiện, yêu cầu những người kia dừng xe làm việc.

Sau này, chúng em mới được các anh ấy cho biết, đây là nhóm buôn người qua biên giới. Họ chuẩn bị đưa 2 chị em qua Trung Quốc bán. Đến lúc này, chúng em mới biết mình bị lừa. Cũng may các anh ấy kịp thời có mặt để giải cứu em và D, chứ không thì chưa biết số phận 2 chị em dạt về mô (đâu)".

Cũng có mặt tại nhà M, Ngân Thị D xác nhận những thông tin M kể trên hoàn toàn đúng với diễn biến của sự việc. Nạn nhân này cho biết thêm: "Sáng hôm xảy ra sự việc, có người gọi điện cho mẹ em (tức bà Lô Thị L) bảo hiện đang cần tuyển vài người đi làm bên Trung Quốc. Sang đó thích làm gì thì làm, muốn lấy chồng thì lấy. Nếu sang vài ngày mà không hợp công việc, muốn về, họ vẫn cho về. Còn tiền thì 9 - 10 ngày sau, họ sẽ chuyển cho 30 triệu đồng. Tưởng thật, mẹ em liền gọi điện cho em đi. Vốn chơi thân với chị M, biết chị ấy hoàn cảnh cũng khó khăn nên em gọi điện rủ chị ấy đi cùng, kiếm thêm tiền để về lo cho gia đình. Ai ngờ...".

Hai nạn nhân thật thà cho biết, sau khi được giải cứu, 2 ngày 2 đêm liên tiếp họ không ăn không ngủ được, tâm trạng nơm nớp lo sợ, đến nay vẫn chưa hoàn hồn.

Khi được hỏi "từ trước tới nay trong bản có không biế bao nhiêu người bị bán sang Trung Quốc, mất tích không về, không sợ à?", thì M bật khóc: "Chúng em cũng vì khổ quá mà muốn đi tìm việc. Không ngờ lại rơi vào bẫy của họ, chứ mình có muốn rứa (thế) mô".

Một bài toán khó

Đã từng biết tới nhiều vụ buôn bán người, PV luôn tự hỏi, tại sao vấn nạn này vẫn có "đất sống" ở các huyện miền núi tây Nghệ An trong một thời gian dài đến vậy? Dù các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã vào cuộc vận động, tuyên truyền đến từng thôn bản; các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã từng thông tin về các vụ buôn bán người và những hệ lụy của nó thường xuyên. Thậm chí, TAND phối hợp với công an, tổ chức các vụ xét xử lưu động ngay tại bản để bà con đồng bào dân tộc thiểu số biết về tác hại của nó. Thế nhưng, dường như tiếng vang của hồi chuông báo động ấy không đủ lớn để cảnh tỉnh, nên hằng năm, vẫn liên tiếp xảy ra các vụ buôn bán người.

Trong câu chuyện bên bếp lửa mùa đông, tâm sự của 2 trong 3 nạn nhân vừa được giải cứu khiến tôi trăn trở về cách giải bài toán khó này.

M vốn là mẹ của 3 đứa con nhỏ, có chồng đang đi tù vì buôn ma túy. Không có công ăn việc làm ổn định, cả nhà bám vào mấy sào ruộng, không đủ ăn. Vì phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, lại nuôi thêm chồng trong trại, M làm đủ nghề để mưu sinh, ai thuê gì làm nấy. Ở miền núi này, công việc cũng không có nhiều như ở thành phố, kiếm được đồng tiền cũng không phải dễ.

Tuy chồng D là thợ xây, nhà có 2 đứa con, nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng này cũng không kém phần vất vả. Bình thường, kiếm được tiền trăm đã là to, giờ nghe người ta bảo có mấy ngày mà kiếm được 30 triệu đồng, D không cần suy nghĩ gì thêm, cứ thế mà rời bản đi.

Thiết nghĩ, nếu không có sự chuyển đổi rõ rệt và tích cực trong hình thức canh tác sản xuất địa phương, để tạo công ăn việc làm tại chỗ cho họ, rất khó để chặt đứt vấn nạn này. Chúng tôi mang suy nghĩ trên trao đổi với ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ. Ông Thu cho biết:

"Thực ra mấy năm qua, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc nhằm giảm thiểu những vụ việc liên quan đến buôn bán người qua biên giới. Các mô hình chống bạo lực gia đình, thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, rồi thường xuyên giao ban, vận động, tuyên truyền tới tận từng bản (trung bình mỗi năm thực hiện ở 4 - 5/33 bản - PV). Thế nhưng, do nhận thức của bà con mình chưa cao nên hiệu quả tuyên truyền không lớn. Số người đi vào Nam làm việc có thông báo, đăng ký hồ sơ qua xã thì chúng tôi nắm được. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp đi lén lút, không báo với chính quyền. Chỉ đến khi gặp chuyện, họ mới tới thông báo với chúng tôi. Hiện, xã đang triển khai mô hình trồng chanh leo tại địa bàn. Nếu thành công sẽ nhân rộng ra. Hy vọng, có thể tạo được công ăn việc làm cho bà con".

Khi đàn bà trở thành trụ cột gia đình

Có một thực trạng đáng bàn, tại xã Tri Lễ và các vùng lân cận, những người đàn ông trụ cột trong gia đình, đa số đều vướng vào vòng lao lý vì buôn ma túy, không ít trường hợp đã chết vì nghiện ma túy… để lại những người phụ nữ bươn trải mưu sinh. Bên cạnh đó, nhận thức của bà con nơi đây còn nhiều hạn chế. Những kẻ xấu đã lợi dụng các điểm yếu trên để dụ dỗ, rủ rê họ rời bản. Có những người vướng vào cạm bẫy do lười lao động, nhưng cũng có những chị, em vì thương chồng, thương con mà đi.
(Theo Loan Nguyễn-Thu Hải/ĐSPL)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem