Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Văn Anh.
Khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ, ông Trump đã dùng lời lẽ nặng nề phê phán Trung Quốc về bù trợ xuất khẩu và duy trì tỷ giá hối đoái tiền tệ thấp. Ông Trump đưa ra cam kết là nếu đắc cử sẽ đánh thuế 45% vào hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và cáo buộc Trung Quốc đã huỷ hoại nhiều công ăn việc làm ở Mỹ.
Sau khi đắc cử, ông Trump có cuộc điện đàm với người đứng đầu chính thể Đài Loan, bà Thái Anh Vân, bất chấp cái lệ từ năm 1949 đến nay ở nước Mỹ là tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng như đắc cử không có bất cứ hình thức tiếp xúc và trao đổi nào chính thức cũng như không chính thức với người đứng đầu chính thể ở Đài Loan. Điều đáng chú ý là sau khi Trung Quốc chính thức phản đối, ông Trump không những không biện bạch hay xua tan những nghi ngại của Trung Quốc mà còn như thể đổ thêm dầu vào lửa với những trách cứ mới và khiêu khích Trung Quốc thêm.
Câu hỏi được đặt ra ngay và cả thiên hạ chứ không chỉ có Trung Quốc muốn được trả lời là ông Trump đã chủ ý hay chỉ ngẫu hứng trong việc này. Trung Quốc rất mong là ông Trump đã chỉ ngẫu hứng bởi nếu không phải như thế thì nó báo hiệu sẽ có những điều chỉnh rất cơ bản trong chính sách của Mỹ tới đây đối với Trung Quốc, tức là từ sau khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ, mà lại còn thên cả ba phương diện bất lợi cho Trung Quốc là đối với chính Trung Quốc, đối với Đài Loan và đối với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khả năng ông Trump chỉ đã ngẫu hứng thật ra cũng không thể bị loại trừ trên lý thuyết. Ông Trump vốn không từng trải về chính trị đối nội cũng như đối ngoại, cả phát ngôn lẫn ứng xử đều không như những chính trị gia chuyên nghiệp và cũng hay thay đổi chứ không nhất quán. Tuy nhiên, trong vụ việc liên quan đến Trung Quốc và Đài Loan vừa rồi, khả năng ông Trump chủ ý có vẻ như thực tế hơn việc người này chỉ ngẫu hứng. Vì những lý do sau.
Thứ nhất, ông Trump có thể thiếu từng trải chính trường và hay thay đổi quan điểm ở đâu đó khác nhưng đối với Trung Quốc thì cho tới nay lại thấy ông Trump rất nhất quán. Những gì ông Trump đã nói ra và làm có liên quan đến Trung Quốc từ khi vận động tranh cử đến nay không hề mâu thuẫn lẫn nhau mà lại có hệ thống. Trong cương lĩnh tranh cử của ông Trump được Đảng Cộng hoà Mỹ thông qua ghi rõ ở trang 48 là "Với tư cách là người bạn trung thành của Mỹ, Đài Loan xứng đáng với sự hậu thuẫn manh mẽ của chúng ta".
Ở cùng trang ấy cũng còn cụ thể hoá hơn sự hậu thuẫn của Mỹ là dành cho quy chế tối huệ quốc, được cung cấp vũ khí, kể cả công nghệ cần thiết để chế tạo tầu ngầm chạy bằng diesel. Đài Loan sẽ được Mỹ giúp đỡ để trở thành "thành viên đầy đủ" của các tổ chức quốc tế. Trong cương lĩnh này không thấy có từ ngữ nào thân thiện với Trung Quốc trong khi nhấn mạnh sự tương đồng quan điểm giữa Mỹ và Đài Loan về "các giá trị dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường tự do và nhà nước pháp quyền".
Thứ hai, trong đội ngũ cộng sự hiện tại của ông Trump có nhiều nhân vật nổi tiếng là thân thiện với Đài Loan như người tới đây sẽ là Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ và hiện là một trong những ứng cử viên vào cương vị bộ trưởng ngoại giao của ông Trump.
Và thứ ba, sau phản ứng chính thức của Trung Quốc về cuộc điện đàm với bà Thái Anh Vân, ông Trump không những không xuống thang với Trung Quốc mà còn làm găng thêm.
Tất cả những biểu hiện đều cho thấy tất cả đều đã được ông Trump và cộng sự suy tính và chuẩn bị chu đáo từ trước đó trong sự ý thức đầy đủ về tác động và tác dụng, hậu quả và hệ luỵ. Không có chuyện ông Trump phát biểu và hành xử theo ngẫu hứng với đối tác như Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.