Giải mã nguyên nhân phi cơ quân sự đắt đỏ nhất lịch sử nhân loại mãi không thể cất cánh

Lê Xuân Thứ ba, ngày 28/02/2023 20:20 PM (GMT+7)
Được mệnh danh là “vũ khí đắt nhất trong lịch sử loài người”, nhưng máy bay chiến đấu phản lực F-35 của Mỹ lại gặp hàng loạt sự cố, dẫn đến việc bị “xếp xó” vô thời hạn. Nguyên nhân của sự việc này là gì?
Bình luận 0
Giải mã nguyên nhân phi cơ quân sự đắt đỏ nhất lịch sử nhân loại mãi không thể cất cánh - Ảnh 1.

F-35A của Không quân Mỹ trong một cuộc tập trận tại Căn cứ Không quân Hill ở Utah vào tháng 1 năm 2020. Tổng chi phí cho những chiếc máy bay F-35 này cực kỳ đắt đỏ. Ảnh: US Air Force/R. Nial Bradshaw.

 

Nhiệm vụ của F-35

Theo chia sẻ của học giả Michael P. Hughes với trang tin The Conversation: “F-35 được quảng cáo là máy bay chiến đấu có thể thực hiện hầu hết những nhiệm vụ mà quân đội Mỹ mong muốn".  Hệ thống vũ khí này được thiết kế để phục vụ Không quân, Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ, cũng như để bán cho các nước như Anh, Ý, Na Uy và Canada. 

Với những tiềm năng như không gây chú ý khi chiến đấu và giá cả phải chăng, F-35 được kỳ vọng sẽ thay thế các thế hệ máy bay chiến đấu trước đó như F-16 của Lực lượng Không quân và máy bay phản lực Harrier của Thủy quân lục chiến. Đây cũng được xem như bước vọt của Mỹ so với các đối thủ trong việc sản xuất máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, kết quả lại chẳng hề khả quan.

Các vấn đề của F-35

Ngay từ khi bắt đầu lên kế hoạch, tương lai F-35 đã chẳng hề tươi sáng. Vào năm 2013, nhà báo Adam Ciralzky cho hay, chương trình Joint Strike Fighter của Mỹ đã được khởi động từ năm 2001 với kế hoạch đưa toàn bộ hạm đội F-35 cất cánh vào năm 2010, tổng chi phí là 233 tỷ đô la. Tuy nhiên, kế hoạch đã "chậm tiến độ ít nhất bảy năm và bị ảnh hưởng bởi một chiến lược phát triển đầy rủi ro, quản lý kém cỏi, giám sát lỏng lẻo, vô số lỗi thiết kế và chi phí tăng vọt". 

 Cho đến thời điểm hiện tại, chi phí của chương trình đã tăng gấp đôi so với ước tính ban đầu. Theo CNN, cố Thượng nghị sĩ John McCain đã chỉ trích quá trình phát triển chiếc máy bay này là "một vụ bê bối, một vấn nạn về chi phí, lịch trình và hiệu suất." Trang Business Insider đưa tin rằng F-35 "vẫn chưa được phê duyệt để hoàn thiện toàn bộ khâu sản xuất”.

Hàng loạt sự cố của F-35 bao gồm "các vấn đề với lớp phủ tàng hình, khả năng bay siêu âm liên tục, màn hình chiếu gắn trên mũ bảo hiểm, pháo có độ rung quá lớn và dễ bị sét đánh". Việc xây dựng một mô hình giả lập để huấn luyện phi công cũng gặp nhiều khó khăn. Do các vấn đề với phần đuôi phi cơ, Lầu Năm Góc đã giới hạn thời gian bay ở tốc độ siêu thanh. Hạn chế này có thể khiến máy bay F-35C của Hải quân không thể thực hiện các cuộc đánh trận bằng siêu âm.

Động cơ của F-35 trị giá lên đến 12 triệu USD cũng gây nên khó khăn khi thiếu phụ tùng thay thế. Vào tháng 2/2022, The Drive đưa tin , "trong phi đội khoảng 450 chiếc F-35, có 36 chiếc không thể bay vì không có động cơ". Hồi tháng 8, Lầu Năm Góc tạm dừng chuyển giao mặt hàng vũ khí này vì phát hiện quá trình sản xuất có sử dụng một bộ phận có nguồn gốc Trung Quốc. Vào tháng 12, việc chuyển giao lại bị hoãn sau khi một chiếc F-35 rơi ở bang Texas.

Tổng thất từ F-35

Cơ quan giải trình trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) báo cáo vào tháng 4/2022 rằng F-35 "vẫn là chương trình hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ (DOD). Ước tính chi phí mua, vận hành và duy trì hơn 1,7 nghìn tỷ USD". Tính đến năm 2018, tờ New York Times đưa tin, "chi phí vận hành một chiếc F-35A trung bình khoảng 44.000 USD mỗi giờ – gần gấp đôi chi phí vận hành chiếc Boeing F/A-18E/F Super Hornet của Hải quân."

Nhưng điều này không phản ánh toàn bộ chi phí. Trong một báo cáo riêng vào tháng 12/2022, GAO chỉ ra rằng Lực lượng Không quân và Hải quân đều đã tăng ngân sách để tân trang các máy bay chiến đấu đã có tuổi đời hàng chục năm như F-16 và F-18 để giữ chân phi công. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng điều này có tác động đến khả năng sẵn sàng chiến đấu: "Tính chiến thuật trong hạm đội của DOD dựa trên số lượng lớn máy bay có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời gian bảo trì kho máy bay kéo dài và máy bay bị ngưng sử dụng."

Tại sao không hủy bỏ chương trình Joint Strike Fighter?

Đây là điều khó thực hiện cả về mặt quân sự, kinh tế và chính trị. Theo tiến sĩ Brent Eastwood, đây là "thời điểm không thích hợp" để xếp xó F-35 bởi Nga và Trung Quốc cũng đang trang bị các máy bay chiến đấu tàng hình. Việc hủy bỏ chương trình sẽ khiến Lockheed Martin (công ty sản xuất F-35) mất hàng nghìn nhân công, và khó đạt được mục tiêu về mặt chính trị. Khi Tổng thống Donald Trump nổi giận về chi phí vượt mức của F-35 vào năm 2016, "Thượng nghị sĩ John Cornyn và Ted Cruz cùng với Hạ nghị sĩ Marc Veasey và Kay Granger đã vận động hành lang để Nhà Trắng giữ nguyên kế hoạch F-35."

Trang Bloomberg cho hay F-35 phải đối mặt với "một cuộc mô phỏng chiến đấu quan trọng vào giữa năm nay" – việc đáng ra đã phải làm từ nhiều năm trước – để đánh giá tính hiệu quả của máy bay chiến đấu trong việc "chống lại các mối đe dọa “tiên tiến” nhất do máy bay và hệ thống phòng không của Trung Quốc và Nga gây ra." Tờ Navy Times đưa tin F-35 phải hoàn thành cuộc thử nghiệm trước khi "Văn phòng Chương trình chung F-35 (F-35 Joint Program Office) chính thức hoàn thiện sản xuất số lượng lớn hệ thống máy bay này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem