Giải mã nguyên nhân vàng rồng Thăng Long bán “đắt hơn” vàng miếng SJC

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 25/01/2019 16:30 PM (GMT+7)
Vàng miếng SJC được biết đến là 1 sản phẩm độc quyền của Nhà nước. Giá vàng miếng SJC thông thường sẽ cao hơn so với giá vàng 24k như vàng miếng, nhẫn tròn trơn… của các thương hiệu vàng trong nước như Bảo Tín Minh Châu, PNJ hay Phú Quý. Thế nhưng, tại thời điểm hiện nay, giá vàng rồng Thăng Long hay giá vàng miếng của PNJ đang bán “đắt hơn” so với SJC trên 100.000 đồng/lượng
Bình luận 0

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 25.01, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1280,5 đôla/ounce, giảm nhẹ hơn 3 đôla, tương đương mức giảm hơn 0,2% so với phiên giao dịch đầu giờ sáng qua (24.01) ở mức 1283,9 đôla/ounce.

Nguyên nhân giá vàng giảm nhẹ trở lại là do đà tăng giá trở lại của đồng đôla hơn 0,5% lên mức 96,56 điểm. Vàng vốn được định giá bởi đồng đôla, do đó khi đồng đôla tăng giá sẽ tác động tiêu cực đến quý kim vàng trong cùng một phiên giao dịch.

 “Bất thường” giá vàng rồng Thăng Long và PNJ bán “đắt hơn” giá SJC

Đối với thị trường vàng trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Hà Nội ở mức 36.450.000 đồng/lượng (mua vào) - 36.550.000 đồng/lượng (bán ra), giá bán ra giảm nhẹ 20 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày chiều hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng miếng PNJ, nhẫn trơn PNJ 1 chỉ, 2 chỉ, các đồng tiền vàng 24K Phúc, Lộc, Tài sáng nay được công ty PNJ niêm yết ở mức giá 3.615.000 đồng/chỉ (mua vào) - 3.665.000 đồng/chỉ (bán ra.

Sáng nay khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức 680 nghìn đồng/lượng, tính theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank sáng nay ở mức 23.245 đồng/đôla.

Với mức giá hiện tại, giá vàng 24k của PNJ đang giao dịch mua – bán cao hơn so với giá mua – bán của vàng miếng SJC là 115.000 đồng/lượng. Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp tình trạng giá vàng PNJ cao hơn so với giá vàng SJC giao dịch tại PNJ cũng như trên thị trường.

img 

Tương tự, tại 1 thương hiệu vàng lớn khác là Bảo Tín Minh Châu (BTMC), tính tới thời điểm 15h45 chiều ngày 25.1, vàng SJC được giao dịch tại 36,52– 36,59 triệu/lượng (MV – BR). Nếu so với thời điểm đầu giờ sáng nay, giá vàng SCJ của BTMC đã tăng thêm 70.000 đồng/lượng mua vào và 60.000 đồng/lượng bán ra

Với giá vàng miếng của BTMC, vàng nhẫn tròn trơn và vàng rồng Thăng Long, giá giao dịch tại 3.628.000 đồng/chỉ mua vào và bán ra tại 3.673.000 đồng (tăng12.000 đồng/chỉ mua vào và bán ra so với đầu giờ sáng nay). 10 phiên giao dịch liên tiếp giá vàng rồng Thăng Long bán ra ‘đắt hơn” so với giá thương hiệu vàng SJC.

img 

Trong khi PNJ và BTMC đang duy trì mức giá bán cao, tại công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, các sản phẩm vàng 24K của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục được duy trì sát với mức giá của thương hiệu vàng SJC và thấp hơn từ 5.000 đến 8.000 đồng mỗi lượng.

Cận thần tài, doanh nghiệp đẩy giá lên cao?

Kể từ khi nghị định 24 về quản lý thị trường vàng chính thức có hiệu lực, SJC được coi như 1 thương hiệu vàng quốc gia khi Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Cũng chính vì lẽ đó, giá vàng SJC luôn có những biến động theo sát với những biến động của thị trường vàng quốc tế. Và đây cũng là giá “tham chiếu” để các doanh nghiệp vàng trong nước nhìn vào để điều chỉnh giá mua – bán các sản phẩm vàng của từng doanh nghiệp trên thị trường. Thông thường giá vàng SJC luôn được niêm yết cao hơn so với các thương hiệu vàng như PNJ, BTMC hay Phú Quý.

img 

Cận thần tài, doanh nghiệp đẩy giá lên cao?

Nói về sự “bất thường” khi giá vàng bán ra tại 1 số thương hiệu vàng đang cao hơn so với giá bán ra của vàng miếng SJC, có ý kiến cho rằng, chiến lược định giá chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.

“Hiện tại, mỗi doanh nghiệp vàng đều có những chiến lược định giá khác nhau, nhiều khả năng những doanh nghiệp đang bán ra ‘đắt hơn” là do họ tự động định giá sản phẩm của doanh nghiệp cao hơn so với vàng SJC”, 1 nhà phân tích cho hay.

Vị này nhấn mạnh, “Không ai cấm 1 doanh nghiệp bán giá cao hơn SJC. Họ có quyền đẩy giá lên cao còn lại mua hay không lại là sự lựa chọn của khách hàng”

Cũng phải nói thêm rằng, hiện tại thời điểm cận Tết nguyên đán và ngày thần tài mùng mười tháng giêng (theo phong tục nếu mua vàng trong ngày thần tài chủ nhân sẽ gặp được may mắn cả năm). Chính vì vậy, nhu cầu của khách hàng với vàng 24k cũng đang có chiều hướng tăng lên. Trong khi đó, gần 2 năm trở lại đây vàng miếng SJC những loại 1 chỉ, 5 chỉ… đã không còn được bán ra trên thị trường.

“Miếng SJC trên thị trường hiện nay phải từ 1 cây trở lên. Nếu muốn mua 1 chỉ, 2 chỉ … khách hàng chỉ có thể lựa chọn các sản phẩm 24k của các doanh nghiệp vàng như PNJ, BTMC hay Phú Quý, Doji. Có lẽ vì lý do đấy nên các thương hiệu tự cho phép mình nâng giá cao hơn vàng SJC”, vị này khẳng định.

Trả lời Dân Việt về việc vì sao giá vàng rồng Thăng Long cao hơn so với giá bán ra của SJC, 1 đại diện công ty vàng bạc đá quý BTMC cho biết, việc giá vàng của BTMC như vàng miếng, vàng rồng Thăng Long có những lúc cao hơn so với giá vàng SJC là việc đã từng xảy ra trước đây.

“Giá vàng của Bảo Tín Minh Châu đang phản ánh theo thị trường. Bên nào có giao dịch thì giá bên đó sẽ như thế”, vị này cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem