Giải mã sức nóng của nhóm “cổ phiếu vua” thời gian gần đây
Giải mã sức nóng của nhóm “cổ phiếu vua” thời gian gần đây
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 20/02/2024 09:30 AM (GMT+7)
Tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận và định giá thấp vẫn là hai “chất xúc tác” quan trọng đối với sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán, vẫn còn những rủi ro không nhỏ với nhóm cổ phiếu ngành này.
Theo quan sát của Dân Việt, từ cuối năm 2023 đến nay, thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán đã tăng tích cực, trong đó nhiều mã tăng hơn 10% như BID (BIDV), VCB (Vietcombank), ACB (Ngân hàng Á Châu), CTG (Vietinbank), EIB (Eximbank), TCB (Techcombank), MBB (MB)… mang lại niềm vui cho giới đầu tư.
Tuy nhiên, một vài phiên gần đây, nhóm cổ phiếu này bắt đầu có dấu hiệu "ghì" thị trường khi áp lực chốt lời đã dần hiện hữu với một số mã cổ phiếu.
Chẳng hạn, trong phiên giao dịch sáng ngày hôm qua 19/2, tại rổ VN30, ngoài SHB và TCB, tất cả các mã ngân hàng còn lại trong rổ đều đồng loạt giảm điểm với mức độ từ 0,1%-1,8%. Tuy vậy, sang phiên chiều cùng ngày, nhóm ngân hàng đã lấy lại sắc xanh nhạt nhờ BID, TCB đều tăng hơn 1%, CTG, ACB, SHB tăng nhẹ trên dưới 0,5%, cổ phiếu tăng mạnh nhất vẫn là MSB đạt 2,63%. Trong đó, SHB có giao dịch sôi động nhất dòng bank với 24,13 triệu đơn vị khớp lệnh; MSB tiếp theo khi đạt 23,24 triệu đơn vị.
Giải mã sức hút của nhóm "cổ phiếu vua" thời gian qua
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây đang có một sự "hơi khác lạ" về đà tăng giá trong thời điểm cận Tết và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua.
"Tôi đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng là tốt, đáng quan tâm, đặc biệt là các ngân hàng có NIM tốt, có quản trị rủi ro tốt… thì đáng để đầu tư. Thế nhưng, thực tế cho thấy do nhóm cổ phiếu ngân hàng đều có lượng cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường rất lớn nên về lý thuyết thì mức giá sẽ rất khó tăng cao và tăng dài hạn được. Lý do là vì khi tăng lên, chắc chắn sẽ có lượng nhà đầu tư tuôn hàng ra bán, điều này đã diễn ra nhiều năm nay", ông Phương nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thời gian ngắn gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng liên tục và có tỷ suất tăng tốt.
"Có thể nói trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng có tỷ suất tăng tốt nhất so với các nhóm ngành khác. Theo quan điểm của cá nhân tôi, hiện nay có một số các tổ chức, quỹ đầu tư đang ngấm ngầm mua vào, dẫn đến cầu cổ phiếu ngành ngân hàng tăng liên tục. Thêm vào đó, có thể một số nhà đầu tư họ nhận ra vấn đề này và họ mua theo, dẫn đến cầu cổ phiếu ngân hàng tăng đột biến, trong khi cung chỉ ở mức trung bình vì thị trường không xấu đến mức để nhà đầu tư bán tống, bán tháo", ông Phương lý giải.
Thêm một nguyên nhân nữa, có những nhà đầu tư họ không nắm thông tin gì, nhưng quan sát thị trường hằng ngày thì thấy lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh so với những cổ phiếu khác thì theo "tâm lý bầy đàn" nên họ nhảy vào mua theo, dẫn đến cầu cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
"Tuy nhiên, diễn biến này khả năng sẽ sớm kết thúc bởi theo quan điểm cá nhân tôi, khi các tổ chức, quỹ đầu tư mua vào với thời điểm nào đó thì sẽ kết thúc và giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh thời gian qua, có những mã trung bình tăng từ 8%-15%, đã cho một tỷ suất lợi nhuận rất lớn và chắc chắn một số nhà đầu tư sẽ có khuynh hướng chốt lời, khi đó, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ điều chỉnh trở lại", Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam đúc kết.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường chứng khoán được xem là hàn thử biểu phản ảnh sức khỏe của nền kinh tế, vì vậy, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Do đó, nền kinh tế Việt Nam trong những tháng tới mà có dấu hiệu khởi sắc thì bây giờ thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng điểm, còn nếu không thì thị trường sẽ rất bấp bênh.
"Tại thời điểm này chưa thể kết luận gì về nền kinh tế của Việt Nam, bởi vì mới bước qua gần 2 tháng của năm 2024 nhưng trong thời gian ngắn vậy mà số doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động tăng lên rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khi đầu tư chứng khoán, chúng ta thấy giá tăng lên nhưng mà hãy cẩn thận", ông Hiếu khuyến nghị.
Nhóm "cổ phiếu vua" có còn sức hút thời gian tới?
Nhận định về dư địa của nhóm "cổ phiếu vua" thời gian tới, các chuyên gia phân tích của nhiều công ty chứng khoán cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ hút mạnh dòng tiền, qua đó tiếp tục đóng vai trò trụ cột để hỗ trợ đà tăng cho thị trường chứng khoán trong năm 2024.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán VPS nhận định rằng, giai đoạn nửa đầu năm 2024, nhóm ngân hàng sẽ có nhiều động lực tăng trưởng khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi dần.
Hiện, cổ phiếu nhóm ngân hàng được các chuyên gia VPS nhận định đang ở mức định giá hợp lý, P/B trung bình ngành điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm.
"Trải qua một năm nhiều khó khăn, mặt bằng giá cổ phiếu của ngành ngân hàng được đại diện bởi chỉ số P/B đã điều chỉnh xuống dưới mức bình quân 10 năm, về mức -1 độ lệch chuẩn và đang được giao dịch ở vùng 1.4x – gần với mức đáy 1.3x năm 2020 và 2022", chuyên gia VPS, nhận xét.
Theo BSC Equity Research, sẽ có sự phân hóa về mức độ phục hồi NIM giữa các ngân hàng trong năm 2024. Từ đó, các ngân hàng chịu ảnh hưởng nhất trong 2023 khi chi phí huy động tăng đột biến vào đầu năm được kỳ vọng sẽ có mức độ phục hồi NIM đáng kể nhất, điển hình như: Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng VPBank.
Trong khi, các ngân hàng có lợi thế về CASA ổn định như Ngân hàng MBBank, hay có danh mục cho vay đẩy mạnh mảng bán lẻ như các ngân hàng ACB, Sacombank, VIB, VietinBank, BIDV được kỳ vọng sẽ duy trì NIM ổn định và có xu hướng cải thiện nhẹ.
Trong kịch bản cơ sở với nền lãi suất huy động được duy trì thấp và tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, BSC Equity Research dự báo thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có thể tăng trưởng 19% trong năm 2024, giúp lãi ròng dự kiến tăng trưởng 20% so với năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng lạc quan, một số chuyên gia lưu ý, vẫn còn những rủi ro mà nhà đầu tư không nên bỏ qua. Đó là áp lực trái phiếu doanh nghiệp đang rất lớn, gây ra tình trạng rủi ro với một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng trái phiếu cao.
Chưa kể, việc tăng giá liên tục của nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn vừa qua cũng khiến sự thận trọng của nhà đầu tư gia tăng khi việc mua đuổi trở nên rủi ro hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.