Giải pháp hạn chế lạm dụng thuốc BVTV: Giúp nông dân thành chuyên gia

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ hai, ngày 19/01/2015 10:55 AM (GMT+7)
Theo ước tính của Bộ NNPTNT, hiện nông dân  Việt Nam vẫn lãng phí 40-50% lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mỗi năm. Ông Ngô Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NNPTNT cho rằng, cần đào tạo cho nông dân trở thành chuyên gia trong việc sử dụng thuốc BVTV.
Bình luận 0

Về tình trạng người dân lạm dụng thuốc BVTV, theo ông nguyên nhân là vì sao?

img
Ông Ngô Tiến Dũng  - Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NNPTNT
- Theo tôi, trước tiên là do hiểu biết về thuốc BVTV. Hiện nay luồng thông tin từ nhà quản lý, nhà khoa học, cách truyền đạt tới người nông dân…, tác động nhiều phía dẫn tới người nông dân hiểu biết không đúng về thuốc BVTV.

Người dân khi đi mua thuốc BVTV chỉ ra cửa hàng nói triệu chứng, cây trồng của tôi đang bị như thế này thế kia, căn cứ vào đó người bán thuốc BVTV sẽ bán loại nào, do đó hầu như người dân đều phụ thuộc vào người bán thuốc.

Việc này sẽ dẫn tới những hệ lụy gì?

img
Do thiếu hiểu biết nên nhiều nông dân vẫn lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV không đúng cách (ảnh minh họa, chụp tại huyện Việt Yên, Bắc Giang).    
- Hệ lụy của lạm dụng thuốc BVTV là rất lớn, ảnh hưởng tới môi trường, đất, nước. Thuốc BTVT đầu tiên ngấm xuống đất, làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Đất có một tầng sinh thái với rất nhiều loài vi sinh vật, các con côn trùng sinh sống theo một quy trình tuần hoàn, phân giải các xác hữu cơ làm cho đất tơi xốp. Nhưng cứ đưa thuốc BVTV xuống sẽ chết hết côn trùng.

Về lâu dài, đất sẽ mất dần, cộng nước biển dâng, hệ lụy sẽ rất lớn khi làm cho đất chai cứng. Còn ảnh hưởng trực tiếp nữa tới nông nghiệp, nông dân là làm cho dịch hại khác bùng phát. Ví dụ, phun thuốc diệt sâu cuốn lá nhỏ thì diệt hết con thiên địch của rầy nâu, từ đó bùng phát thành dịch rầy nâu. Ngoài ra, thuốc BVTV ngấm xuống đất sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.

Thuốc BVTV nếu dùng sai thì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng mà còn liên quan tới sức khỏe của cộng đồng. Dư lượng thuốc BVTV ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm, tới hiệu quả của sản phẩm khi phải tăng thêm chi phí cho đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Nhưng với việc lạm dụng thuốc BVTV như hiện này, có thể nói người dân hầu như rất ít quan tâm đến những mặt trái, hậu quả của nó?

- Đúng là hiện nay nhiều người nông dân không hiểu vấn đề này, họ chỉ biết có thông tin là thuốc BVTV sẽ bảo vệ cây lúa và tiêu diệt ngay những con sâu, các loại dịch bệnh sẽ khỏi. Còn vấn đề tác động nguy hại, mặt trái của sử dụng thuốc BVTV là cả một câu chuyện dài. Nếu họ biết mặt trái đó chắc chắn sẽ có những tác động tới hành vi ứng xử.

Ví dụ, khi bỏ tiền ra mua thuốc, trước mắt là họ nghĩ tới sức khỏe của họ, nghĩ tới môi trường nguồn đất, nước của họ… Mục tiêu này chúng ta chưa làm được. Chương trình IPM đã giải quyết được nhưng do Việt Nam còn quá ít kinh phí nên không phổ biến rộng rãi được.

Để hạn chế việc lạm dụng thuốc BVTV, theo ông vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện tốt chưa?

- Mặc dù cơ quan chức năng rất nỗ lực nhưng lại hạn chế về nguồn lực, ví dụ ở Việt Nam tính sơ sơ có khoảng 9 – 10 triệu người phun thuốc nhưng chỉ có khoảng 4.000 cán bộ BVTV, mỗi người phải kiểm tra giám sát cho 3.000 người phun thuốc trừ sâu là vượt quá khả năng. Vai trò của chính quyền địa phương gần như là đứng ngoài cuộc.

Hiện đã có quy định nhưng ở cấp xã họ xem công việc này như là việc của ngành BVTV chứ không phải nhiệm vụ của họ. Do yếu kém của quản lý cấp xã nên buôn bán lẻ thuốc BVTV ở địa bàn xã đang là vấn đề bức xúc nhất.

Hiện mỗi xã có 10-20 điểm bán lẻ, trên toàn quốc có khoảng 28.000 điểm bán thuốc BVTV, nhưng mỗi tình có khoảng 5 thanh tra thuốc BVTV thì rất khó để kiểm soát được ngay tức khắc tình trạng lạm dụng thuốc BVTV.

Theo ông, cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc BVTV?

- Năm 2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT có chủ trương quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại hiện nay. Thứ nhất nói về luật, năm 2013 Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, trong đó Điều 14 nói rõ về nguyên tắc đầu tiên là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); cuối cùng không còn biện pháp gì nữa mới dùng đến thuốc. Trong IPM có đề cập giống chống chịu, phân bón cân đối, thời vụ thích hợp, mật độ hợp lý… để tạo cho cây trồng khỏe; bảo tồn thiên địch; thăm bệnh thường xuyên; đào tạo nông dân trở thành chuyên gia. Đây cũng là 4 nguyên tắc của IPM. Không phải đào tạo cho nông dân giỏi như kỹ sư mà là giúp cho nông dân tự bắt bệnh cho cây trồng, để không phải phụ thuộc vào người bán thuốc nữa. IPM phải được xem như là một nguyên tắc cơ bản thì mới có thể hướng tới được nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Muốn vậy phải tính tới việc mỗi một thôn, mỗi ấp có một nhóm nòng cốt để tuyên truyền. IPM quan tâm tới vấn đề đào tạo con người hiểu biết thực sự về tự nhiên, xã hội để họ tuyên truyền và có trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng.

Ngoài ra, chủ trương của Bộ NNPTNT là hình thành và phát triển dịch vụ BVTV, nếu hoạt động được tổ dịch vụ này sẽ giảm được 90% lượng người sử dụng thuốc, từ đó sẽ đơn giản hơn cho quản lý, chắc chắn sẽ giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV xuống. Nếu làm tốt được IPM và dịch vụ BVTV sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề và đảm bảo sẽ giảm được 30-40% lượng sử dụng thuốc BVTV trên lúa hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Hiện mỗi xã có 10-20 điểm bán lẻ, trên toàn quốc có khoảng 28.000 điểm bán thuốc BVTV, nhưng mỗi tỉnh chỉ có khoảng 5 thanh tra thuốc BVTV thì rất khó để kiểm soát được ngay tức khắc tình trạng lạm dụng thuốc BVTV.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem