Giải pháp nào cho phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam?

Thứ năm, ngày 09/03/2023 14:23 PM (GMT+7)
Liên quan đến chính sách cho phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) và TS. Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có bài viết phân tích, đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Bình luận 0

Mô hình thành công của các nước Đông Bắc Á

Trong tổng số 196 quốc gia trên thế giới, tùy theo tiêu chí phân loại khác nhau, chỉ có khoảng 30-40 quốc gia đã đạt tới đích phát triển. Từ năm 1945 đến nay, chỉ có vài nền kinh tế là có thể vươn từ “Thế giới thứ ba” lên “Thế giới thứ nhất”, đa số tập trung tại vùng Đông Bắc Á. Sự thành công của các nước Đông Bắc Á được quyết định bởi ba nhóm chính sách sau của Nhà nước[1]:

Thứ nhất, thúc đẩy tối đa sản xuất nông nghiệp, hướng vào phát triển kinh tế trang trại (hộ có quy mô lớn) sử dụng nhiều nhân công nhằm phát huy lợi thế của nền kinh tế nông nghiệp và toàn dụng lao động sẵn có, tạo ngay ra thặng dư sản xuất ban đầu để kích cầu hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy công nghiệp phát triển ở giai đoạn sau.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa bằng các chính sách trợ cấp và bảo hộ đối với các doanh nghiệp trong nước dựa trên kỷ luật xuất khẩu[2], qua đó tạo áp lực để các doanh nghiệp không ngừng đầu tư nâng cao năng lực về công nghệquản trị để có thể cạnh tranh, giành thị phần trên thị trường thế giới. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các chính sách nhằm “loai bỏ kẻ thua cuộc” nhằm “thanh lọc thị trường”[3]. Thị trường trong nước được khai thác tối đa để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn đầu khi chúng học hỏi cách thức sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng[4] và các rào cản thương mại chỉ được hạ thấp hoặc gỡ bỏ khi các doanh nghiệp trong nước đã đạt được sự trưởng thành nhất định[5].

Thứ ba, hệ thống tài chính phải định hướng nguồn vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp và sản xuất công nghiệp. Đầu tư công phải thúc đẩy được các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng học tập công nghệ, nhắm đến thu lợi nhuận cao trong tương lai chứ không hỗ trợ cho các hoạt động thu lợi ngắn hạn và thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Trên thực tế, con đường phát triển của các nước Đông Bắc Á không phải là phát kiến của những quốc gia này mà là sự kế thừa một cách có chọn lọc, sáng tạo các kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Sự thành công của các nước Đông Bắc Á cung cấp những gợi ý quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng chính sách công nghiệp tiên phong[6] giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu 2030 và 2045 của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Giải pháp nào cho công nghiệp điện tử Việt Nam?

Trong lộ trình công nghiệp hóa của mình, các nước Đông Bắc Á đều tập trung vào và thành công trong phát triển những ngành công nghiệp có vai trò nền tảng của nền công nghiệp là công nghiệp điện tử, công nghiệp vi mạch bán dẫn[7]. Trong đó, phát triển công nghiệp điện tử phải song hành, đi trước một bước[8] nhằm tạo ra cầu, thúc đẩy ngành vi mạch bán dẫn phát triển. Thực tiễn phát triển các nước cho thấy không có nước nào công nghiệp hóa thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp điện tử mạnh, và cũng không có nước nào phát triển được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mạnh mà không sở hữu ngành công nghiệp điện tử mạnh.

Chiến lược nào cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam?

Trong bài viết “Phát triển công nghiệp điện tử: chiến lược nào cho Việt Nam?” đăng trên báo dangcongsan.vn ngày 30/01/2023, tác giả đã đề xuất Việt Nam trong giai đoạn đến cần đi theo “chiến lược đi từ trên xuống”, tức đi trực tiếp vào công đoạn nghiên cứu và phát triển có giá trị gia tăng cao thay vì bắt đầu bằng khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp (xem Hình 1) và phân tích các điều kiện, nguồn lực quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực mà Việt Nam có thể huy động để có thể thực hiện thành công chiến lược này, giúp Việt Nam nhanh chóng xây dựng được lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh trong các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, nhờ đó thoát ra khỏi tình trạng “phát triển phụ thuộc chủ yếu vào FDI[9]” và tránh được nguy cơ “phi công nghiệp hóa[10]” khi lợi thế về nhân công giá rẻ bị xói mòn[11]. “Chiến lược đi từ trên xuống” có trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp trong nước và việc thu hút doanh nghiệp FDI đóng vai trò là phương tiện, được thu hút một cách có chọn lọc, có chủ đích để phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.

Căn cứ trên kinh nghiệm của các nước Đông Bắc Á, mà điển hình là Hàn Quốc, để chuyển tiếp từ nền công nghiệp điện tử vốn chủ yếu phụ thuộc vào FDI sang nền công nghiệp điện tử với hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh có khả năng sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu cần một khoảng thời gian từ 9 đến 12 năm, tương ứng với khoảng thời gian cần thiết để các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất từ 3 đến 4 dòng sản phẩm điện tử trọng điểm[12]. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, trọng tâm của các doanh nghiệp Việt Nam là tập trung tiếp thu và nâng cấp trình độ công nghệ và năng lực quản trị và sự bảo hộ và hỗ trợ của nhà nước trong giai đoạn này có vai trò đặc biệt quan trọng.

Các “vấn đề chiến lược” gắn với “chiến lược đi từ trên xuống”

Để phát triển hệ thống các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới theo “chiến lược đi từ trên xuống”, Việt Nam đối diện với các vấn đề mang tính chiến lược sau:

Một là, các chính sách bảo hộ, đặc biệt là chính sách thuế bị xóa bỏ dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp thách thức là phải cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu thiết bị toàn bộ chỉ bằng hoặc thấp hơn thuế nhập khẩu linh kiện. Thách thức này là rất lớn đối với doanh nghiệp trong nước vì trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường với sản lượng thấp thì không thể cạnh tranh về giá một cách “sòng phẳng” với các sản phẩm nhập khẩu và các sản phẩm do các doanh nghiệp FDI trong nước cung cấp nếu không có những chính sách bảo hộ phù hợp của nhà nước.

Hai là, các doanh nghiệp trong nước có quy mô vốn nhỏ, năng lực công nghệ hạn chế.

Ba là, nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử cạnh tranh lớn, không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực có kinh nghiệm nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các sản phẩm điện tử phức tạp, có giá trị gia tăng cao, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.

Bốn là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thử và kiểm định các sản phẩm điện tử trong nước còn thiếu và yếu.

Năm là, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử trong nước yếu dẫn đến năng lực tự chủ của ngành yếu, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài.

Các chính sách để phát triển công nghiệp điện tử phục vụ “chiến lược đi từ trên xuống

Căn cứ trên nhận định nêu trên về các vấn đề chiến lược gặp phải khi đi theo “chiến lược từ trên xuống”, để có thể hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp trong nước cần triển khai:

Một là, để có thể cạnh tranh về giá trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, chính phủ cần thiết kế một hệ thống các chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế, ưu đãi giá mua trong khuôn khổ các dự án mua sắm công đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam (Áp dụng cả cho các sản phẩm được phân phối ra thị trường trong nước dựa trên thỏa thuận chuyển giao giải pháp chìa khóa trao tay (turnkey solution) từ đối tác nước ngoài. Các chính sách này có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép doanh nghiệp thực thi các chiến lược phát triển thị trường một cách khôn ngoan với trọng tâm là thử nghiệm thị trường ở giai đoạn đầu trước khi đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nội địa hóa các sản phẩm đã được thị trường chấp nhận), hỗ trợ xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chiến dịch như “Người Việt dùng sản phẩm Việt”.

Hai là, triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ thông qua các chương trình tài trợ nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ trường, viện cho các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực điện tử.

Ba là, có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại các quốc gia có nền công nghiệp điện tử phát triển về làm việc tại các doanh nghiệp, trường, viện trong nước; hỗ trợ các hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài để đẩy nhanh quá trình chuyển giao tri thức, kinh nghiệm vào trong nước.

Bốn là, có chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử nghiệm, kiểm thử và kiểm định trong lĩnh vực điện tử phục vụ các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử, kiểm thử và kiểm định các sản phẩm điện tử.

Năm là, có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp điện tử giúp đẩy nhanh việc khép kín chuỗi cung ứng trong nước, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng tự chủ và chống chịu của ngành công nghiệp điện tử trong nước.

Để các chính sách trên phát huy hiệu quả, phát huy lợi thế của người đi sau, cần thiết phải xác định các sản phẩm điện tử ưu tiên phát triển trong giai đoạn chuyển tiếp (từ 4 đến 5 sản phẩm chủ lực) và tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường trong nước ở giai đoạn đầu (từ 3 đến 5 năm tương ứng với vòng đời sản phẩm và vòng đời chuỗi cung ứng trung bình) và sau đó là hướng đến xuất khẩu ở giai đoạn sau. Sau giai đoạn này, các chính sách bảo hộ và hỗ trợ của chính phủ, gắn với sản phẩm cụ thể dựa trên “kỷ luật xuất khẩu” tương tự như các nước Đông Bắc Á đã thực hiện.

-------------------

[1] Joe Studwell, Châu Á vận hành như thế nào? Thành công và thất bại của khu vực năng động nhất thế giới (2013)

[2] Kỷ luật xuất khẩu là kim chỉ nam định hướng cho việc ban hành và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ và bảo hộ của Nhà nước, giúp gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp với các mục tiêu phát triển công nghiệp của quốc gia.

[3] Thay vì “lựa chọn người chiến thắng” mà các kinh tế gia theo trường phái thị trường tự do thường chỉ trích đối với các chính sách can thiệp của Nhà nước, Chính phủ các nước Đông Bắc A “loại bỏ người thua cuộc” dựa trên bộ lọc là kết quả xuất khẩu, là thông tin phản hồi tin cậy về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Nhà nước buộc doanh nghiệp không hiệu quả phải sáp nhập với một doanh nghiệp thành công hơn, rút vốn thông qua hệ thống tài chính do chính phủ định hướng, rút – hay đe dọa rút – giấy phép sản xuất, hay thậm chí là buộc phá sản.

[4] Thị trường nội địa có vai trò rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp (Lợi thế cạnh tranh quốc gia, Micheal Porter (1990)).

[5] Tự do hóa thương mại tại Trung Quốc, đánh dấu bằng việc Trung Quốc tham gia WTO năm 2001 đã tạo ra một sự cạnh tranh thường có lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước hơn là các tập đoàn đa quốc gia vì các công ty trong nước có sự hiểu biết tốt hơn thị trường trong nước (Những gã khổng lồ Trung Quốc, Edward Tse (2015)).     

[6] Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: đổi mới hoạch định chính sách công nghiệp ở Việt Nam, Kenichi Ohno (2010).

[7]  Vai trò nền tảng và tác động lan tỏa của các ngành này được nhân lên nhiều lần trong thời đại chuyển đổi số.

[8] Phải mất 17 năm sau khi thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử lần đầu tiên (1966), Hàn Quốc mới có thể khởi động ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với sản phẩm đầu tiên là 64K DRAM của Samsung.

[9] Tỷ trọng của ngành điện tử được tính bằng tỷ lệ giữa giá trị gia tăng của lĩnh vực sản xuất thiết bị điện và điện tử chia cho giá trị gia tăng của lĩnh vực sản xuất (hàng đầu) và GDP (hàng dưới) dựa trên số liệu của năm cuối của mỗi giai đoạn (Bank of Korea, GDP thực tế, giai đoạn 1970-2015 dựa trên mức giá năm 2010), trừ số liệu năm cuối của giai đoạn sơ khai (1965) được lấy từ số liệu của KIST (1968).

[10] “Xếp hạng thế giới” là xếp hạng toàn cầu của công nghiệp điện tử Hàn Quốc dựa trên số liệu năm cuối của mỗi giai đoạn (Reed Electronics Research, Yearbook of World Electronics Data, 1973-2015)

[11] The development of Korea’s electronics industry during its formative years (1966-1979), Ministry of Strategy and Finance (2016)

[12] Hệ quả tất yếu của chính sách công nghiệp dựa vào FDI mà Việt Nam đã và đang theo đuổi tương tự các nước Đông Nam Á khác nhờ có sự mở rộng thương mại và đầu tư, viện trợ cũng như các nguồn vốn nước ngoài khác (Đánh giá về cách thức nâng cao ngành công nghiệp và chính sách công nghiệp của Việt Nam để thiết lập quan hệ đối tác Monozukuri thực chất giữa Nhật Bản - Việt Nam, Kenichi Ohno (2015)).

PGS.TS Nguyễn Anh Thi - TS. Nguyễn Thiện Nghĩa (Theo Đảng Cộng Sản)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem