Giải pháp nào hạn chế lao động bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc?

Thứ hai, ngày 15/10/2012 17:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giải pháp nào để hạn chế lao động bỏ trốn và giữ thị trường lao động lớn này? NTNN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa.
Bình luận 0

57% số lao động (LĐ) Việt Nam đi theo Chương trình EPS bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc. Vì lý do này, phía bạn đã tạm dừng tuyển LĐ Việt Nam. Nếu phía bạn dừng hẳn việc tuyển dụng trong năm tới, hơn 12.000 LĐ đã có hồ sơ dự tuyển và nhiều LĐ khác sẽ khó có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc.

img
Lao động chuẩn bị xuất cảnh đi Hàn Quốc trước thời điểm tạm dừng tuyển lao động.

 Các gia đình phải vào cuộc

Năm 2011, trước nguy cơ phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển LĐ Việt Nam, Bộ LĐTBXH đã có hàng loạt biện pháp khẩn cấp để chống trốn và vận động LĐ bỏ trốn về nước, nhưng tỷ lệ LĐ bỏ trốn lại tăng từ 48% lên tới 57%. Hiện phía bạn đã chính thức dừng tuyển, Bộ có giải pháp quyết liệt nào để giảm tỷ lệ trên, thưa Thứ trưởng?

- Giữa năm 2011, Bộ LĐTBXH đã xây dựng “Đề án hạn chế tình trạng LĐ bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc” với 8 giải pháp như: Phối hợp với chính quyền và gia đình động viên LĐ về nước; xử phạt trường hợp cư trú bất hợp pháp; hạn chế tuyển chọn LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc từ các xã, phường có tỷ lệ người cư trú bất hợp pháp cao; đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp...

Ngay sau đó, Bộ đã yêu cầu các địa phương tạm dừng nhận hồ sơ dự tuyển của LĐ ở 23 xã có tỷ lệ bỏ trốn cao và tổ chức tọa đàm ở 12 tỉnh có số LĐ bỏ trốn nhiều nhất để bàn các giải pháp vận động LĐ về nước. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp hết sức quyết liệt, tỷ lệ LĐ bỏ trốn ở lại vẫn tăng cao. Bởi vậy, thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai các hoạt động mạnh hơn, như yêu cầu các địa phương dừng nhận hồ sơ dự tuyển của một số huyện có số lao động bỏ trốn cao, thậm chí có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm dừng ở một số tỉnh nếu tỷ lệ bỏ trốn ở các địa phương này không giảm.

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng sẽ tiếp tục phối hợp với một số đoàn thể để tổ chức tới tận nhà các gia đình có LĐ bỏ trốn để giúp gia đình hiểu người nhà họ về nước đúng hạn sẽ có cơ hội đi làm việc lại, đồng thời tạo cơ hội xuất cảnh cho các LĐ khác. Khi hiểu rồi, họ sẽ phải cam kết và vận động LĐ đang bỏ trốn về nước. Trước mắt, trong tháng 10.2012 này, Bộ sẽ làm việc với UBND tỉnh Hải Dương để triển khai các biện pháp trên.

Trước kia, khi LĐ bỏ trốn ở Nhật Bản nhiều, một số DN XKLĐ đã thẳng thừng đăng thông tin không tuyển LĐ ở một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh... Vì sao Bộ còn ngập ngừng như vậy trước việc dừng tuyển LĐ ở một số huyện, tỉnh?

- Các doanh nghiệp có thể làm như vậy, còn Nhà nước thì phải cân nhắc, cố gắng có thêm nhiều giải pháp khác để làm sao đảm bảo công bằng. Theo tôi đánh giá vấn đề này rất khó, dĩ nhiên, ở xã, huyện, tỉnh nào cũng có những LĐ đứng đắn, tử tế, tuân thủ pháp luật.

Nhưng trong bối cảnh chúng ta bắt buộc phải có sự kiểm soát, việc dừng tuyển trên một địa bàn rộng sẽ có tác dụng là lãnh đạo địa phương cũng phải vào cuộc kiểm soát LĐ bỏ trốn, cộng đồng cũng phải có tiếng nói để các gia đình có LĐ bỏ trốn phải vận động người nhà họ về nước. Tuy nhiên, để thành chính sách chung thì cần có sự đồng thuận và đi kèm với đó là tuyên truyền để người dân hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Nhiều LĐ cho rằng họ bỏ trốn vì chi phí xuất cảnh cao, phải ở lại làm thêm để có tiền trả nợ và tích lũy. Thứ trưởng đánh giá thế nào về nguyên nhân này, làm thế nào để kiểm soát?

- Theo quy định của Chương trình EPS, khi nhận được thông báo tuyển chọn hồ sơ xuất cảnh sang Hàn Quốc, LĐ chỉ phải nộp khoản tiền 630 USD (mua vé máy bay, làm visa, tuyển chọn, xử lý hồ sơ của người LĐ…), 17 USD lệ phí kiểm tra tiếng Hàn, và mang theo khoảng 500USD để mua bảo hiểm.

Bộ LĐTBXH đã tuyên truyền rất kỹ các khoản tiền này, nhưng dường như LĐ không tin. Có nhiều LĐ thậm chí phải bỏ tiền để lấy kết quả thi tiếng Hàn, kết quả tuyển chọn trên mạng mà không biết rằng chỉ cần tìm thông tin trên mạng hoặc hỏi Trung tâm Lao động ngoài nước là có.

Tăng kiểm soát và hỗ trợ

Sở dĩ LĐ bỏ trốn cũng do phía bạn có những chủ sử dụng LĐ nhận hình thức LĐ này. Vậy, Bộ LĐTBXH có đề xuất gì về phía Hàn Quốc để giải quyết?

- Phía Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp phạt chủ sử dụng LĐ cố ý sử dụng LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp, phạt 18.000-20.000USD với một trường hợp vi phạm. Hiện, Bộ cũng đề nghị phía bạn tiếp tục tăng cường xử lý chủ sử dụng LĐ bất hợp pháp. Số này giảm thì đương nhiên số LĐ bất hợp pháp sẽ giảm.

Theo Trung tâm LĐ ngoài nước, tính đến nay tổng số lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 22.708 người, trong đó lao động đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) là 11.347 người. Nếu không kiểm soát chặt, số LĐ bỏ trốn sẽ tiếp tục tăng vì có 17.000 LĐ hết hạn hợp đồng trong năm nay và năm tới.

Về phía LĐ thì sao, thưa ông?

- Hiện phía bạn cũng siết chặt các quy định cư trú. LĐ cư trú bất hợp pháp sẽ bị phạt tối đa 40 triệu won hoặc bị phạt tù tối đa 12 tháng. Trường hợp không nộp phạt sẽ bị buộc phải cải tạo LĐ để đủ tiền nộp phạt. Những người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc. Đồng thời, Hàn Quốc cũng sẽ tổ chức các đợt truy quét để trục xuất LĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp về nước.

Về phía Việt Nam, Bộ LĐTBXH cũng sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tư pháp để có các hình thức xử lý về mặt hành chính làm sao cho khả thi, hiệu quả... Chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền mạnh hơn về quyền lợi của LĐ về nước đúng hạn là sẽ được nhận lại khoản tiền bảo hiểm hồi hương, được nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển để tiếp tục làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, được đào tạo nghề...

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem