Cán bộ còn vô cảm, bàng quan
Có rất nhiều nguyên nhân được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra để phân tích cho tình trạng khiếu nại, tố cáo (KNTC) kéo dài, vượt cấp, đông người liên quan tới lĩnh vực đất đai. ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chỉ thẳng: Tác động lợi ích nhóm đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt trong quản lý đất đai. “Lợi ích nhóm chính là phần chìm của tảng băng nhưng việc nhận diện lợi ích nhóm không phải dễ, những giao dịch ngầm trong đất đai là thể hiện rõ nhất của lợi ích nhóm”- ông Hồng phân tích.
|
Nhiều ĐBQH cho rằng, để hạn chế khiếu kiện về đất đai, người đứng đầu địa phương cần tăng đối thoại với người dân. |
Còn ĐB Hồ Thị Thủy cũng đồng tình khi cho rằng “nhiều địa phương quản lý đất đai còn lỏng lẻo, vi phạm nhưng không phát hiện, xử lý kịp thời hoặc cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm”… ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói thẳng: Đằng sau việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) có uẩn khúc gì, tổ chức, cá nhân nào sẽ được hưởng lợi, nếu như vụ việc không bị công luận phanh phui? Ông Sinh cũng đặt dấu hỏi: “Liệu việc khởi tố, bắt giam nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng đã đúng người, đúng tội hay chưa?”.
20 phút giải quyết được vụ khiếu kiện 20 năm
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhiều ĐB đồng tình với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết trực tiếp KNTC của người dân liên quan tới đất đai, có như vậy sẽ không nảy sinh khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đưa ra một dẫn chứng sinh động và thuyết phục: Hôm qua đọc báo, có thấy nói việc Bí thư Thành ủy TP.HCM trực tiếp tiếp xúc với dân để giải quyết 2 vụ khiếu kiện. Sau khi gặp Bí thư Thành ủy, công dân Nguyễn Tấn Lực đã phát biểu chỉ mất 20 phút cho gần 20 năm đi lại khiếu kiện và ông hứa sẽ rút lại đơn khiếu kiện đã gửi đến tòa án.
Bộ trưởng TNMT Nguyễn Minh Quang: Để khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo, đầu tiên phải sửa Luật Đất đai. Tuy luật có những đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu. Sắp tới sẽ phải hướng tới hoàn thiện dữ liệu để việc quản lý đến từng mảnh đất”. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương khi thực hiện các dự án phải có trách nhiệm với người dân và “phải làm tốt từ dưới chứ không phải để dân kêu lên trên rồi mới giải quyết ngược từ trên xuống”.
Từ ví dụ này, ĐB Học đề nghị: “Chính phủ cần ban hành quy định cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền có nghĩa vụ chủ động tiếp xúc đối thoại với dân, xem đây là một trong những yêu cầu đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức”. Một vị ĐB khác cũng đề nghị các lãnh đạo địa phương hãy tăng cường tiếp xúc với người dân hơn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ giống như một vị Bí thư Thành ủy khác là ông Nguyễn Bá Thanh.
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) phân tích: Có quá nửa số vụ tố cáo đúng và đúng một phần, như vậy là có bấy nhiêu vụ việc đã bị làm sai. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người, bao nhiêu cán bộ bị xem xét trách nhiệm? Và bà đề nghị: “Phải có chế tài xử lý đối với người giải quyết đơn thư không hết trách nhiệm, để lộ thông tin, không giải quyết đơn thư”.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng yêu cầu: “Phải có quy định những cán bộ nào làm công dân mất thời gian khiếu kiện thì phải đền bù và bị xử lý”. ĐB này cũng không đồng tình với cách xử lý của Chính phủ: “Khi có một số đối tượng ở các tỉnh về Hà Nội và bị lôi kéo, gia nhập với một số nhóm khiếu kiện, Chính phủ lại yêu cầu các tỉnh phải ra để đưa các đối tượng này về”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Đề nghị lập Uỷ ban giám sát khiếu kiện đất đai
Ngoài giám sát tối cao như lần này, tôi đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thường xuyên có giám sát về việc giải quyết khiếu kiện đất đai hoặc lập một ủy ban giám sát thường xuyên về vấn đề này để giải quyết khiếu nại hiệu quả hơn. Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết, trong đó có cả những giải pháp chung và cụ thể như trách nhiệm về vấn đề chuyển đơn lòng vòng; trách nhiệm của người đứng đầu ngành, địa phương trong việc giải quyết khiếu nại đất đai...
Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương hoà bình: Nâng chất xét xử vụ án về đất đai
Để giảm khiếu kiện về đất đai, biện pháp quan trọng là phải nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính liên quan tới đất đai, giảm thiểu khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Sắp tới sẽ xây dựng mô hình tòa án 4 cấp. Mô hình này sẽ không phân theo cấp hành chính mà theo cấp xét xử, trong đó tòa sơ thẩm khu vực sẽ xét xử các vụ án hành chính, không còn gắn với chính quyền địa phương. Như vậy tính độc lập của tòa sẽ được nâng cao. Tới đây cũng có thể sửa luật bằng cách thiết kế một hệ thống tòa án hành chính độc lập. Đây là giải pháp cơ bản nhất. Còn về trước mắt, với những vụ án hành chính liên quan đến đất đai phức tạp, tòa án cấp tỉnh sẽ lấy lên để xử sơ thẩm và sẽ xử phúc thẩm ở tòa tối cao, như vậy có thể sẽ khắc phục được những vi phạm xét xử thời gian qua.
Hải Phong (ghi)
Lê Huyền - Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.