Giải tỏa oan khuất, tháo gỡ nút thắt cho người dân

Lê Chiên Thứ bảy, ngày 20/06/2015 12:00 PM (GMT+7)
Có người suýt bị vào tù ra tội, có người chỉ vì mảnh đất mà anh em đánh lộn nhau, hoặc vì một quyết định sai lầm của chính quyền mà mất tài sản... Họ đã đến Báo NTNN tìm sự cứu giúp. Nhờ có sự lên tiếng của NTNN mà nỗi oan khuất được giải tỏa, quyền lợi hợp pháp đã được trả lại cho người dân...
Bình luận 0

Thoát vòng lao lý trong gang tấc

Thương binh Đặng Hồng Bính (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), chỉ vì muốn tìm cha cho cháu ngoại mà bị TAND huyện Phúc Thọ kết án “tội vu khống”. Con gái ông Bính mắc bệnh tâm thần, bị một kẻ nào đó làm cho có thai, sinh một bé trai. Khi ông Bính hỏi, nó ú ớ bảo “Tám Tâm”. Hàng xóm ông Bính có người tên Tám, vợ là Tâm. Vì nghi ngờ ông Tám, nên ông Bính đã làm đơn gửi cơ quan chức năng, đề nghị giám định gen để tìm cha cho cháu bé. Qua 2 lần giám định, cơ quan pháp y đều khẳng định, cháu bé không phải là con ông Tám. Vì thế ông Bính đã bị TAND huyện Phúc Thọ kết án về “tội vu khống”.

img
Vợ chồng ông Đặng Hồng Bính và đứa con tâm thần tội nghiệp. (Ảnh: L.C)

Nhìn gia cảnh của người thương binh nghèo và cô con gái tâm thần bị nhốt trong song sắt, chúng tôi rơi nước mắt. Tìm hiểu những người hàng xóm, “chất vấn” trực tiếp ông Bính, vợ con ông và hàng xóm cho thấy ông Bính nghe con nói rồi nghi ngờ mà làm đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ, chứ ông Bính không bịa đặt, loan tin… (dấu hiệu bắt buộc của “tội vu khống”). Chúng tôi nghi vấn ông Bính bị oan. Bài báo “Tìm cha cho cháu ngoại, lại bị kết án vì tội vu khống” ra ngày 25.8.2014 trên báo NTNN đã đến tay những người có trách nhiệm ở Tòa hình sự (TAND TP.Hà Nội). Tại phiên tòa phúc thẩm, vị thẩm phán chủ tọa khẳng định: Hành vi của ông Bính chưa đủ yếu tố để cấu thành “tội vu khống”, và đã tuyên hủy án sơ thẩm. Vừa nghe xong chủ tọa tuyên án, ông Bính và người nhà chạy ào đến, ôm chầm lấy tôi và nước mắt đã rơi trong niềm vui khôn xiết.

Còn câu chuyện của hai anh Phạm Văn Triệu và Đào Đăng Văn (Trưởng thôn Mai Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, Bắc Giang) thì thật là chua chát. Họ bị truy tố về tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo điểm b, khoản 2, Điều 282 Bộ luật Hình sự, phải đối mặt với mức án từ 5- 12 năm tù chỉ vì đã ký đấu thầu đất hoang hóa làm lò gạch để lấy tiền xây dựng đường và nhà văn hóa thôn. Báo NTNN đã đăng bài “Trưởng thôn bị truy tố, dân xin nhận tội thay”, với những phân tích về các yếu tố cấu thành tội phạm xung quanh tội danh này: Họ không vì vụ lợi cá nhân, bởi khoản tiền thu được đều đã chi vào việc xây dựng các công trình của thôn; mặt khác ngay sau khi bị khởi tố, khu đất mà họ cho đấu thầu đã được UBND huyện ra quyết định cho phép đấu đầu. Như vậy hành vi của họ không còn nguy hiểm cho xã hội nên có thể áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Có lẽ những phân tích đó đã tác động mạnh đến dư luận và tòa án, nên mấy lần đã phải hoãn phiên tòa (!?).

Gỡ “nút thắt” sau 17 năm chờ sổ đỏ

Bà Phạm Lan Anh (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) được bố mẹ cho vợ chồng bà căn nhà cấp 4 tại 151 đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ. Ngày 1.4.1998, vợ chồng bà làm đơn xin cấp sổ đỏ. Từ đó mỗi năm bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ một lần lại được cán bộ địa chính phường, quận hứa “sau 1 tháng sẽ có sổ đỏ”, nhưng chờ hoài mà vẫn “bặt vô âm tín”. Sau 17 năm chờ đợi, chỉ nhận được những lời hứa suông, quá bức xúc, bà Lan Anh đã gửi đơn đến Báo NTNN.

Chúng tôi làm việc với ông Hoàng Mạnh Khương – Chủ tịch UBND phường Yên Phụ và ông Lê Trung Đức - Chánh văn phòng HĐND - UBND quận Tây Hồ, họ đều thừa nhận, hồ sơ của bà Lan Anh không có vướng mắc gì, đủ điều kiện được cấp sổ đỏ. “Thế tại sao chưa cấp?”- tôi hỏi. Phòng TNMT đã thẩm định hồ sơ hoàn thiện để trình lãnh đạo UBND quận ký quyết định cấp sổ đỏ theo đúng quy định của Quyết định 24/2014 của UBND TP.Hà Nội – ông Đức giải thích. “Bao giờ được cấp?”. Cũng chỉ ít ngày nữa thôi- ông Đức cho biết.

Chưa yên tâm với cách giải thích này, chúng tôi đã yêu cầu làm việc với bộ phận chuyên môn, trực tiếp giải quyết xử lý hồ sơ của bà Lan Anh. Bà Nguyễn Thị Ngọc - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Tây Hồ thừa nhận, việc chậm trễ này cần phải rút kinh nghiệm… và gửi đến công dân một lời xin lỗi. Ngay sau buổi làm việc hôm đó, khi bài báo “Hành trình gần 17 năm đi làm sổ đỏ tại quận Tây Hồ, Hà Nội” chuẩn bị lên khuôn thì chúng tôi nhận được điện thoại của bà Lan Anh báo tin: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã điện thoại xin lỗi và mời bà lên nhận sổ đỏ.

Ngay sau buổi làm việc hôm đó, khi bài báo “Hành trình gần 17 năm đi làm sổ đỏ tại quận Tây Hồ, Hà Nội” chuẩn bị lên khuôn thì chúng tôi nhận được điện thoại của bà Lan Anh báo tin: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã điện thoại xin lỗi và mời bà lên nhận sổ đỏ.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem