Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cho ngoại thành Hà Nội

P.V Thứ ba, ngày 27/07/2021 18:48 PM (GMT+7)
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV, cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Bình luận 0

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, mà còn là nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đánh giá về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng đây là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đối với khu vực yếu thế và dễ bị tổn thương này.

Đồng tình với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra về sự cần thiết phải tiếp tục ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và trong các giai đoạn tiếp theo, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong 10 năm qua, chương trình nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả không thể phủ nhận được, đã làm thay đổi diện mạo và bộ mặt nông thôn trên cả nước, đã là một luồng gió mới làm biến chuyển nhận thức trên diện rộng về xây dựng nông thôn văn minh, nhiều xã, nhiều huyện có nhiều mô hình tốt, nhiều cách làm hay được nhân rộng. 

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cho ngoại thành Hà Nội - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XV về chương trình xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025. Ảnh: Q.H

Số lượng người lao động được đào tạo nghề, được tập huấn nâng cao, đời sống tinh thần và vật chất của cư dân nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.

"Chương trình nông thôn mới có khởi điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc mà chúng ta cần thường xuyên cập nhật điều chỉnh, tổng kết đánh giá để khắc phục những điểm còn tồn tại, kế thừa và làm phù hợp điều kiện thực tiễn, thách thức mới, bối cảnh mới nên cần phải ban hành chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn tiếp theo để kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua, đưa chương trình mục tiêu quốc gia và nông thông mới lên tầm cao mới, vị thế mới" - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, trong quá trình thực hiện chương trình, cần tăng cường phân cấp có giám sát, hậu kiểm tốt hơn. 

Cần điều chỉnh cách tổ chức xây dựng nông thôn mới, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp quy hoạch nông thôn, quy hoạch môi trường, quy hoạch chung. 

Đặc biệt cách tổ chức thực hiện nông thôn mới cần chú trọng vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, quan tâm chất lượng cuộc sống thực sự cho người dân chứ không chỉ chú trọng để tăng quy mô và sản lượng sản xuất nông nghiệp thuần túy.

Chính phủ cần bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương và có các giải pháp tích cực để huy động nguồn vốn đạt ít nhất 2,45 triệu tỷ như trong tờ trình.

 Chính phủ cần có các gói hỗ trợ tích cực cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn Covid để giúp người dân khôi phục, phát triển sản xuất.

"Cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn, để cán bộ địa phương, người dân có các chuẩn yêu cầu về kiến thức, kinh nghiệm, học đi đôi với hành, học bằng các mô hình cụ thể để triển khai nông thôn mới tốt hơn" - GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị.

Ngoài ra, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần có các cơ chế chính sách thực sự đổi mới như chính sách đất đai, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ quan nghiên cứu khoa học cùng các địa phương thúc đẩy xây dựng nông thông mới một cách hiệu quả.

Đối với các huyện ngoại thành Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đặc thù nông nghiệp ven đô thị cần có các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới đô thị để phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  

"Các huyện ngoại thành như Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa rất mong muốn để phát triển nông nghiệp và phát triển kinh  tế nông thôn, nhưng thực sự vẫn còn vướng mắc và khó về vấn đề chính sách tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng..." - GS.TS Nguyễn Thị Lan nêu một thực tế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem