Giám đốc Khu LHTTQG Nguyễn Trọng Hổ: "Sân Mỹ Đình tốt gấp tỷ lần sân SEA Games"

Chính Minh (thực hiện) Thứ sáu, ngày 10/09/2021 14:30 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt trưa nay (10/9), ông Nguyễn Trọng Hổ - Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia khẳng định mặt cỏ sân Mỹ Đình tốt hơn nhiều lần các mặt sân thi đấu ASIAD, SEA Games.
Bình luận 0

"Sân Mỹ Đình đẳng cấp hàng đầu châu Á"

Sau trận ĐT Việt Nam tiếp Australia 0-1 ở lượt trận thứ 2 bảng B vòng loại cuối cùng World Cup 2022, truyền thông Australia đã ví mặt sân Mỹ Đình xấu như… "bãi chăn bò".

Chia sẻ với Dân Việt, bình luận viên Trương Anh Ngọc cũng bày tỏ cảm nhận mặt cỏ sân Mỹ Đình không tốt, ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của cả hai đội.

Giám đốc Khu LHTTQG Nguyễn Trọng Hổ: "Sân Mỹ Đình đẳng cấp hàng đầu châu Á" - Ảnh 1.

Quang Hải đã bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn ngay phút thứ 7 trận tiếp Australia tối 7/9 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Việt Linh (Zing)

Cựu tuyển thủ Thạch Bảo Khanh thậm chí còn nhận định nếu mặt cỏ tốt thì cú dứt điểm của Quang Hải phút thứ 7 rất có thể sẽ thành bàn thắng đưa ĐT Việt Nam vượt lên.

Trước những bức xúc về mặt cỏ sân Mỹ Đình, trưa nay, Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ông Nguyễn Trọng Hổ - Giám đốc Khu liên hợp thể thao quôc gia (LHTTQG):

Giới truyền thông đã ghi nhận và phản ánh mặt sân Mỹ Đình trong trận ĐT Việt Nam thua Australia 0-1 rất xấu. Quan điểm của ông ra sao?

- Tôi muốn nhấn mạnh là Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã sang Việt Nam từ 2 tháng trước khi trận đấu diễn ra để kiểm định. Họ xem xét tỉ mỉ, chi tiết từng hạng mục từ hệ thống đèn phải đạt chuẩn quốc tế đến mặt cỏ, các phòng chức năng… Khi sân Mỹ Đình đáp ứng đầy đủ họ mới cho phép tổ chức trận đấu.

Mặt sân được AFC kiểm tra rất kỹ. Hôm ĐT Việt Nam tập 4/9 muốn mặt sân mềm nên chúng tôi để cỏ dài. Nhưng đến buổi tập chính thức làm quen sân của Australia tối 6/9, họ lại thích mặt sân cứng, cỏ ngắn đúng chuẩn. Khi đó, cổ chân cầu thủ sẽ tiếp xúc mặt sân thật hơn, phát huy tốc độ tốt hơn.

Giám đốc Khu LHTTQG Nguyễn Trọng Hổ: "Sân Mỹ Đình đẳng cấp hàng đầu châu Á" - Ảnh 2.

Giám đốc Khu LHTTQG Nguyễn Trọng Hổ khẳng định mặt cỏ sân Mỹ Đình sẽ đẹp hơn nhiều khi ĐT Việt Nam tiếp Nhật Bản vào ngày 11/11 tới. Ảnh: Nhật Linh (Báo Lao Động)

Và sáng 7/9 ngày diễn ra trận đấu, AFC đã yêu cầu chúng tôi cắt ngay, cỏ chỉ để dài khoảng 3cm. Cắt xong buổi sáng, họ lại đo cỏ, yêu cầu cắt tiếp cho chuẩn vào buổi trưa cùng ngày và tưới nước ngay ở thời điểm trước trận đấu 3 tiếng.

Sau đó, trước trận đấu 1 tiếng, 15 phút trước trận, khoảng nghỉ giữa 2 hiệp họ cũng yêu cầu tưới nước. Để chăm sóc mặt sân Mỹ Đình, dọn dẹp vệ sinh, bố trí các phòng chức năng, tôi đã phải huy động nửa quân số Khu LHTTQG đi làm, khoảng 60-70 người. Đang Covid-19 như này, có thuê được người làm đâu. Vậy nên cả những người làm những công việc khác, trưởng phó phòng, giám đốc như tôi và phó giám đốc cũng phải bắt tay voào làm cho hoàn thiện.

Nói thẳng, tôi từng đi dự nhiều kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic và có thể khẳng định: Sân Mỹ Đình đạt đẳng cấp châu Á, tốt gấp tỷ lần so với các sân ở khu vực Đông Nam Á phục vụ SEA Games.

Được biết, 10 năm rồi mặt cỏ sân Mỹ Đình chưa được thay mới. Điều đó có ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân?

- Tôi ví mặt sân như cái xe máy, ô tô chúng ta đi. Nếu người đi nhiều thì 2-3 năm đã hỏng, phải sửa chữa nhiều. Còn nếu ít sử dụng, có thể 10 năm chưa hỏng, tất nhiên việc thay dầu, sửa chữa những chi tiết nhỏ… thì vẫn phải làm thường xuyên rồi.

Sân Mỹ Đình cũng vậy, ít sử dụng nên mặt sân rất tốt. Lên báo chí, mặt sân xấu thế là do góc chụp, góc quay thôi.

Thực tế, sân Mỹ Đình vẫn được chăm sóc thường xuyên nhưng khi không có sự kiện thì không thể chăm sóc đặc biệt được, vừa tốn nhân lực, vừa tốn tiền.

Phải đến tháng 7 vừa qua, sau khi chúng ta được các cơ quan chức năng cho phép tổ chức các trận đấu trên sân Mỹ Đình, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT giao nhiệm vụ cho Khu LHTTQG thì chúng tôi mới chăm sóc sân đặc biệt.

Ngay sau hôm thi đấu, sáng 8/9 chúng tôi đã cắt lại cỏ còn khoảng 1-1,5cm để đến khi chúng ta tiếp Nhật Bản (11/11), Ả Rập Xê-út (16/11) cỏ mọc thêm 5-7cm, ta cắt đi còn 3cm là vừa. Chứ bây giờ nếu cắt còn 3cm thì đến tháng 11 cỏ mọc dài ra, ta cắt đi thì vẫn còn nguyên 3cm gốc, không có cỏ mới.

Khu LHTTQG Mỹ Đình có hẳn một kỹ sư nông nghiệp, phó phòng phụ trách chăm sóc mặt sân nên không có gì phải lo lắng cả. Chắc chắn tới tháng 11, mặt sân Mỹ Đình sẽ đẹp hơn nhiều so với trận tiếp Australia do chúng ta đã có thời gian khoảng 4 tháng chăm sóc mặt sân một cách đặc biệt.

Không chỉ mặt sân, các phòng chức năng sân Mỹ Đình cũng đã xuống cấp do đã sử dụng được gần 20 năm, kể từ khi hoàn thành năm 2003 để phục vụ SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam…

- Để duy tu, bảo dưỡng một sân vận động phải mất vài trăm tỷ đồng/năm. Cái dở là nếu ta duy tu, bảo dưỡng xong như vậy mà không dùng thì quá lãng phí.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, người người, nhà nhà đều khó khăn vì ảnh hưởng của Covid-19 và Khu LHTTQG cũng không ngoại lệ, lương của cán bộ công nhân viên chúng tôi cũng không được đảm bảo như trước nhưng không muốn kêu ca. Khó khăn chung và chúng ta phải biết tiết kiệm, để tiền làm những việc thật cần thiết như ủng hộ tuyến đầu chống dịch.

Ta so sân Mỹ Đình với tiêu chuẩn châu Âu thì so làm sao được? Đất nước còn nghèo!

Giám đốc Khu LHTTQG Nguyễn Trọng Hổ: "Sân Mỹ Đình đẳng cấp hàng đầu châu Á" - Ảnh 3.

Công nhân kéo xe sơn lại vạch vôi trên sân Mỹ Đình trước trận Việt Nam vs Australia. Ảnh: Khương Xuân (Báo Tuổi trẻ)

Còn hệ thống phòng chức năng của sân Mỹ Đình, tôi khẳng định phòng VIP còn tốt hơn nhiều lần phòng VIP tại ASIAD, SEA Games.

Chỉ có các phòng chức năng như phòng VAR không có, phải lấy phòng khác không được như ý. Rồi phòng test covid nhanh, cũng không có. AFC còn yêu cầu phòng nhặt bóng riêng, trước đây cùng 1 phòng với ban tổ chức.

Chúng ta làm sân cách đây gần 20 năm làm sao nghĩ được tới ngày vào tới vòng loại cuối cùng World Cup với các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới (?!).

Tôi cũng muốn nói thêm về phòng vệ sinh, hệ thống điện, điều hòa. Với nhân lực hạn chế, chúng tôi chỉ có thể dọn dẹp ở những khu trọng điểm, cần thiết. Các khu khác thì qua loa thôi bởi trận vừa rồi không đón khán giả.

Điều hòa sân Mỹ Đình là điều hòa tổng, nếu bật là bật hết, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng rất lãng phí nên cũng phải tiết kiệm.

Trong đề án sửa sân phục vụ SEA Games 31, tôi đã yêu cầu phải phân chia vùng chứ không thể áp dụng hệ thống điều hòa tổng như vậy.

Như vậy là Khu LHTTQG nói chung và sân Mỹ Đình nói riêng chỉ biết chờ kinh phí từ SEA Games để có thể tu sửa?

- Khi phí bảo dưỡng, sửa chữa Khu LHTTQG đã được Bộ VHTTDL duyệt rồi nhưng cũng rất khó có tiền để tập trung sửa sân.

Tôi nói riêng trang thiết bị điện tử cho môn điền kinh và bơi cũng vài trăm tỷ đồng rồi. Để làm lại một sân vận động rất tốn kém, nhưng rồi sử dụng như thế nào, như thế có lãng phí không (?!).

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này! 

Thời gian qua, trong đề án đăng cai và tổ chức SEA Games 31, Chính phủ đã đồng ý cấp kinh phí để sửa chữa và nâng cấp bốn công trình, trong đó có Khu LHTTQG. Riêng tiền sửa chữa, nâng cấp và mua mới trang thiết bị cho khu liên hợp sẽ vào khoảng 408 tỉ đồng. Một nửa trong số này được dùng để mua trang thiết bị thi đấu điền kinh, bơi lội. 200 tỉ đồng sẽ được dùng để sửa SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước.

Ông Nguyễn Trọng Hổ cho biết để chuẩn bị cho SEA Games 31, vào tháng 4/2022 sẽ có một số hạng mục được ưu tiên sửa chữa ở sân Mỹ Đình. Nếu mặt cỏ sân vẫn đảm bảo thi đấu thì sẽ không được thay mới trước khi SEA Games 31 diễn ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem