Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Không đặt nặng kiến thức trong 2 tuần thí điểm
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Không đặt nặng kiến thức trong 2 tuần thí điểm
Mỹ Quỳnh
Thứ hai, ngày 13/12/2021 10:41 AM (GMT+7)
Việc tổ chức dạy và học trong 2 tuần thí điểm đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12 không đặt nặng truyền tải kiến thức, mà chủ yếu là để vận hành hệ thống an toàn giúp phụ huynh yên tâm và học sinh có nề nếp đến trường trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp.
Sáng nay 13/12, khoảng 150.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM được đi học trực tiếp tại trường sau 7 tháng vừa nghỉ hè, vừa học trực tuyến vì dịch Covid-19.
Không đặt nặng truyền tải kiến thức
Có mặt tại Trường THCS Lý Phong và THPT Lê Hồng Phong (quận 5) để kiểm tra việc tổ chức đón học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trực tiếp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Sau thời gian kỹ lưỡng lên kế hoạch chuẩn bị cho học sinh đi học lại, hôm nay, học sinh khối 9, 12 tới trường.
Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh hai khối này đều đi học mà theo đánh giá từng khu vực, nếu ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP.Thủ Đức và các quận huyện đánh giá kế hoạch thực hiện của nhà trường đủ đảm bảo an toàn mới cho học sinh đi học.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, các trường đã chấp hành hướng dẫn của ngành y tế rất tốt. Tuy nhiên, có trường đang sử dụng bàn đôi nên học sinh ngồi khá gần, ngành giáo dục đã yêu cầu điều chỉnh để mỗi em ngồi một bàn đảm bảo giãn cách.
Ngoài ra, ông Hiếu cho biết, hai tuần dạy học trực tiếp chủ yếu là để các trường thích ứng với tình huống để xử lý nên không đặt nặng việc triển khai kiến thức.
"Việc thí điểm sẽ tập trung vào việc an toàn là chính, giống như diễn tập: thầy cô dạy trên lớp, quan sát và xử lý linh hoạt tình huống để tạo thành quy trình, không gây hoang mang, căng thẳng trong giờ học nếu có ca nghi nhiễm. Chính vì vậy, việc tổ chức dạy và học trong 2 tuần này không đặt nặng truyền tải kiến thức mà là vận hành hệ thống an toàn để phụ huynh yên tâm và học sinh có nề nếp đến trường lúc có dịch" - ông Hiếu nói.
Được biết, trong hai tuần thí điểm này, mỗi ngày, Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ thu nhận thông tin báo cáo từ các trường để tham mưu với UBND thành phố. Mỗi cuối tuần sẽ họp 2 Sở để báo cáo.
Về kế hoạch mở cửa trường học ở các bậc học còn lại, ông Hiếu cho biết, sau hai tuần thí điểm sẽ có kế hoạch mở dần các lớp học hoặc cho toàn bộ học sinh đi học lại còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế, sau hai tuần đánh giá sẽ có những đề xuất mới.
Cùng có mặt tại hai trường nêu trên, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của các trường để đón học sinh đến trường trở lại. Ông Thượng cho biết, ngành Y tế và ngành giáo dục đã có kịch bản cũng như các tình huống. Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành giáo dục cần chủ động tổ chức các buổi diễn tập. Khi phát hiện trẻ dương tính, các trường không nên quá lo lắng và nên bình tĩnh thực hiện theo quy trình.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong cho biết, trong hai tuần thí điểm nhà trường sẽ không tổ chức bán trú, không tổ chức căn tin. Học sinh sẽ tự mang theo thức ăn từ nhà và giờ ra chơi cũng không được tập trung ra sân, chỉ ở trong lớp học.
Về kế hoạch giảng dạy, mỗi ngày, học sinh sẽ học 4 tiết trong một buổi. Sau hai tuần học trực tiếp ổn định, trường sẽ có kế hoạch phụ đạo, củng cố các kiến thức trong thời gian học online. Đối với những học sinh yếu kém sẽ có kế hoạch dạy học giúp các em nắm được kiến thức cơ bản để làm bài thi lớp 10 tốt hơn.
Về phương án phòng chống Covid-19, nhà trường bố trí các lớp học cách nhau 1 phòng trống, khi có trường hợp phát sinh sẽ kịp thời xử lý.
Cụ thể, nếu có trường hợp học sinh biểu hiện sốt, ho…thì giáo viên sẽ báo nhân viên y tế trường, y tế báo cho hiệu trưởng để thực hiện các bước tiếp theo, đưa học sinh về phòng cách ly test nhanh. Nếu cho kết quả dương tính thì báo về y tế địa phương phối hợp xử lý.
Nếu trường hợp phát hiện học sinh trở thành F1 tại nhà thì khuyến khích phụ huynh nên cho các em nghỉ học ở nhà 1 tuần lễ để theo dõi, test âm tính thì trở lại trường học. Được biết, phụ huynh rất ủng hộ phương án này.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, TP.HCM có 285 trường THCS, hơn 88.000 học sinh lớp 9; 202 trường THPT, trên 68.000 học sinh lớp 12. Qua khảo sát, gần 80% phụ huynh các khối lớp đồng thuận cho con đi học trực tiếp.
Học sinh sẽ thi hết kỳ học kỳ 1 bằng hình thức trực tiếp. Thời gian thi học kỳ I được thực hiện từ ngày 10-22/1/2022. Những học sinh chưa đến trường được thì sẽ lùi qua học kỳ 2 để đánh giá việc học.
Đối với các trường ở địa bàn được xác định cấp độ 1, ngành giáo dục yêu cầu sẽ dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần, ưu tiên cho việc thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet.
Đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 2, sẽ dạy học trực tiếp không quá 24 tiết/tuần. Đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch ở cấp 3, dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần. Riêng các trường ở địa bàn được xác định ở cấp độ 4 chưa học trực tiếp.
Theo bản đồ cấp độ dịch ở TP.HCM, hiện nay quận 4 ở cấp độ 3 (vùng cam); 8 quận/huyện ở cấp độ 1 (vùng xanh) là: 6, 7, 8, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú; 13 quận/huyện/thành phố ở cấp độ 2 (vùng vàng), gồm: 1, 3, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Cần Giờ, Gò Vấp, Nhà Bè, Phú Nhuận, TP.Thủ Đức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.