|
Việc thay đổi giờ học, giờ làm là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu kỹ để khi áp dụng đạt được hiệu quả cao. Ảnh: Bảo An |
Sáng 25.10, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tổ chức họp với các sở, ngành của thành phố về phương án thay đổi giờ làm việc của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn để giảm ùn tắc giao thông.
Điều chỉnh giờ không phải “bài thuốc đặc hiệu”
Trên cơ sở sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa bảo đảm công việc, vừa không để ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, Bộ GTVT đã đề xuất thí điểm thay đổi thời gian làm việc và học tập.
Theo đó, công chức cơ quan TƯ sẽ bắt đầu ca sáng từ 9 giờ đến 12 giờ; ca chiều từ 13 giờ đến 18 giờ. Công chức Hà Nội bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 đến 12 giờ; ca chiều từ 13 giờ đến 17 giờ 30.
Học sinh bậc mầm non, tiểu học, THCS sẽ học bán trú từ 8 giờ đến 17 giờ 30. Học sinh THPT sẽ học ca sáng từ 7 giờ đến 11 giờ; ca chiều từ 12 giờ 30 đến 16 giờ 30.
Giờ học của sinh viên được thay đổi theo địa bàn: Sinh viên đại học quận Cầu Giấy học ca sáng từ 7 giờ đến 12 giờ và ca chiều từ 12 giờ 30 đến 17 giờ 30. Sinh viên quận Đống Đa học ca sáng từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 và ca chiều từ 12 giờ 45 đến 17 giờ 45.
Sinh viên quận Thanh Xuân học ca sáng từ 6 giờ 45 đến 11 giờ 45 và ca chiều từ 12 giờ 30 đến 17 giờ 30. Sinh viên quận Hai Bà Trưng học ca sáng từ 6 giờ 30 đến 11 giờ 30 và ca chiều 12 giờ 45 đến 17 giờ 45.
Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9 giờ 30 đến 23 giờ 30.
Ông Chu Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết: Cần có những giải pháp đồng bộ để việc điều chỉnh giờ có lợi cho vận tải công cộng và mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp điều chỉnh giờ, thậm chí còn sử dụng hàng rào kỹ thuật để điều chỉnh giao thông và đạt hiệu quả cao.
"Điều quan trọng là các ngành cần có sự phối hợp tốt, trong đó việc tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân cần được quan tâm để khi triển khai sẽ không gặp nhiều khó khăn", ông Hùng nói.
Ông Thân Văn Thanh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu ý kiến: “Điều chỉnh giờ không phải là chuyện mới, nhất là với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, điều chỉnh giờ chỉ là một yếu tố giảm ùn tắc chứ không phải là “bài thuốc đặc hiệu”.
Theo ông Thanh, "nên chia các đối tượng thành 4 nhóm là cán bộ, công chức tại các cơ quan T.Ư, cơ quan trực thuộc Hà Nội; khoảng 850.000 học sinh mầm non, học sinh bậc tiểu học; học sinh THCS, sinh viên đại học và cao đẳng; các trung tâm kinh doanh, thương mại để việc điều chỉnh phù hợp hơn".
Thời gian giãn cách phải phù hợp
Đồng tình về việc thay đổi giờ học, giờ làm nhưng các ý kiến cũng cho rằng, cần nghiên cứu kỹ để giảm thiểu khó khăn khi áp dụng, trong đó quan trọng nhất là điều chỉnh múi giờ cho hợp lý.
Ông Nguyễn Bá Lực - Phó trưởng phòng Chính sách- Lao động- Việc làm (Sở LĐTBXH TP Hà Nội) cho biết: “Trong khung giờ chiều từ 17 giờ 30 đến 18 giờ, nếu tất cả mọi người cùng đi trên đường thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề vì 30 phút là quá ngắn. Vì vậy, tôi đề xuất giờ tan học, tan sở cần có khoảng cách dài hơn. Tương tự, buổi sáng cũng cần có thời gian giãn cách phù hợp hơn.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Phó trưởng phòng Tiểu học (Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội) khẳng định: “Hiện chỉ có khoảng 12-13% học sinh ở nội thành học trái tuyến trong khi các huyện ngoại thành hầu như không có học sinh học trái tuyến.
Theo ông Dũng, "múi giờ cả buổi sáng và buổi chiều của các đối tượng nên chênh từ 1 giờ trở lên, nếu không, với khoảng cách 30 phút, tất cả có thể lại… gặp nhau ở ngoài đường và tình trạng ùn tắc không giảm".
Cũng đồng tình với quan điểm này, song ông Lê Đỗ Mười (Viện Chiến lược Giao thông vận tải- Bộ GTVT) cho biết thêm: “Cần có sự phản biện xã hội để đề xuất đi vào thực tế đạt hiệu quả cao”.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ việc thay đổi giờ học, giờ làm. Chung quy cũng do cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta quá kém, công tác phân bố chưa phù hợp trong khi tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh nên hệ quả là ùn tắc giao thông.
Thực tế, chỉ nơi nào phát triển kinh tế nhanh, mạnh, rộng khắp thì mới có ùn tắc giao thông. Việc điều chỉnh giờ là cần thiết nhưng cần thống nhất một cách khoa học dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán phù hợp cho đúng đối tượng để khi áp dụng sẽ phát huy hiệu quả ngay tức thì.
Đây là vấn đề liên quan đến cuộc sống, công việc của hàng triệu con người nên cần phải bàn thảo, nghiên cứu cẩn thận bởi dù điều chỉnh thế nào thì mọi việc cũng phải xuất phát từ quyền lợi của người dân”.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 350.000 học sinh mầm non, khoảng 500.000 học sinh bậc tiểu học, khoảng 320.000 học sinh trung học.
Số lượng sinh viên đại học và cao đẳng học tại các cơ sở đào tạo trong nội thành gần 478.900 sinh viên, trong đó nhiều nhất là quận Cầu Giấy và quận Đống Đa, mỗi quận có 13 trường, quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng, mỗi quận có 6 trường.
Có khoảng 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó các cơ quan Trung ương có khoảng 202.966 người, chiếm 57,1%; số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội khoảng 152.294 người, chiếm 42,9%.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.