Vòng luẩn quẩn “Nghèo, thoát nghèo rồi lại... nghèo”
Bản Lũng Hán (xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có 120 hộ, 100% là người Mông, trong đó hộ nghèo chiếm đến 78 hộ, còn lại là cận nghèo. Ông Lý Chìa Chư – Trưởng bản luôn đau đầu vì phân chia hỗ trợ của nhà nước.
“Nói là hộ nghèo và cận nghèo chứ không khác nhau là mấy. Trong nhà cũng có từng đấy thứ. Theo quy định, mỗi năm phải có vài hộ thoát nghèo nên các hộ phải “luân phiên” nhau thoát nghèo. Năm trước nghèo năm sau thoát nghèo rồi năm nữa lại… nghèo. Hộ nghèo đông, hỗ trợ có hạn nên chúng tôi rất khó khăn trong việc phân chia. Năm vừa rồi được nhà nước hỗ trợ 5 con bò. Cả bản họp nhau mãi mới chọn được hộ nghèo nào được nhận bò trước. Năm sau hộ đấy sẽ không được nhận nữa mà chuyển sang hộ khác. Thế mà đã vất vả lắm rồi vì nhà nào cũng nghèo như nhau, rồi tị nạnh nhau tại sao họ cũng nghèo như tôi mà lại được hỗ trợ trước. Năm nay chưa được hỗ trợ, nhưng nghe xã bảo cũng như năm ngoái, tôi lại đau đầu rồi” - ông Chư trần tình.
Phân bổ máy móc sản xuất nông nghiệp cho bà con bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng,
huyện Tam Đường, Lai Châu canh tác hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Ảnh: M.L
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được ngân sách nhà nước đầu tư với tổng mức vốn tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương chiếm 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương chiếm 4.712 tỷ đồng. Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện. Trước đó, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 ngân sách nhà nước cũng đã bố trí 29.507 tỷ đồng thực hiện chương trình này.
Nghị quyết 100/2015 của QH 13
|
Nỗi khổ này ông Lỳ Giống Dìa – Chủ tịch UBND xã Đoọc Mạy cũng rất thấm thía. Ông Dìa cho biết, xã có 100% là người Mông. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới hiện nay là 68% dân số, tăng 18% so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo tăng, ông Dìa càng “mất ăn mất ngủ hơn” vì chính sách hỗ trợ chưa có gì thay đổi.
“Hộ nghèo vẫn nhận được các hỗ trợ sản xuất từ chương trình 135, 30a, rồi các hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện, tiền vay vốn, hỗ trợ học nghề...” – ông Dìa điểm lại các chính sách mà người nghèo đang được hỗ trợ.
Chính sách vẫn thế, ngân sách cấp về địa phương cũng không đổi nên nhiều khi những cán bộ như ông Dìa phải rất “giằng xé”. Chẳng hạn về hỗ trợ sản xuất của 30a, trước đây bản được hỗ trợ chủ yếu là bò. Như năm ngoái, xã được huyện cấp cho 20 con bò. Tùy theo bản nhiều hộ nghèo hay ít hộ nghèo mà phân chia. Bản nhiều được 5 – 6 con, bản ít được 2 – 3 con.
“Mỗi khi đến đợt nhận bò là cán bộ xã như chúng tôi đau đầu lắm. Có bận họp dân đến 3-4 lần mà vẫn không quyết được giao bò cho ai nuôi trước, ai nuôi sau. Nguồn lực ít, số hộ nghèo nhiều như vậy, giảm nghèo thế nào được” – ông Dìa bộc bạch.
Cần những chính sách “sát sườn”
Tại Lai Châu, một tỉnh miền núi khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cũng chiếm đến hơn 36%. Việc giảm nghèo theo phương thức đa chiều cũng đang đứng trước những khó khăn lớn. Chị Lò Thị Tăng (xã Bản Giang, Tam Đường, Lai Châu) là hộ nghèo đã 3 năm nay tâm sự: “Gần đây các chính sách giảm nghèo đã giúp gia đình tôi rất nhiều trong việc thúc đẩy sản xuất, vươn lên trong cuộc sống”.
Để chứng minh cho lời mình nói, chị Tăng lôi ra cái máy cày: “Năm ngoái nhà tôi được hỗ trợ một cái máy cày. Từ ngày có máy cày, vợ chồng tôi không cần dùng cuốc. Đặc biệt, diện tích đất được đào xới nhờ thế tăng lên gấp cả chục lần so với dùng cuốc. Năng suất lao động tăng, ngô lúa cũng nhiều hơn”.
Gia đình chị Vừa Thị Trú ở xã Mường Nhà (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có 4 người con, trong đó, 3 người con lớn nhờ họ hàng nuôi hộ thuộc diện khó thoát được nghèo
trên địa bàn xã. Ảnh: M.L
Bà Phạm Thị Bảo Yến – công chức văn hóa xã hội xã Bản Giang (Tam Đường, Lai Châu), người trực tiếp rà soát hộ nghèo cho biết: Sau điều tra, số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã tăng lên so với giai đoạn trước đó. Trước năm 2015 con số hộ nghèo toàn xã là 150 hộ và 90 hộ cận nghèo thì nay có tới 233 hộ nghèo, 100 hộ cận nghèo, tính theo tiêu chí nghèo đa chiều mới.
Nói về những chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo tại địa phương, chị Yến thừa nhận: “Có không ít chính sách “sát sườn” thiết thực với người dân. Trong đó phải kể đến việc hỗ trợ tiền điện 102, các chế độ 705, ví dụ như đã cấp máy sản xuất nông nghiệp. Nhờ có máy móc mà năng suất lao động tăng hơn, bà con kiếm được nhiều tiền hơn, ấm no hơn”.
Mặc dù có khá nhiều chính sách hỗ trợ, thế nhưng không phải chính sách nào cũng phù hợp, dễ dàng áp dụng vào thực tế đời sống của các hộ nghèo như chị Yến liệt kê ở trên. Ông Nguyễn Văn Đỉnh – Trưởng phòng Lao động huyện Yên Minh (Hà Giang) cho hay, chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo vẫn chưa được tới nơi tới chốn. Bởi đa phần con em đồng bào dân tộc dù có được hỗ trợ đi học nhưng thường học giữa chừng thì nghỉ. Một bộ phận khác, dù có học lên cao (đại học) thì ở lại thành phố công tác chứ không quay về quê hương. “Đó là sự thật đáng buồn chưa có cách giải quyết. Trong khi mục tiêu của chính sách hỗ trợ là để con em đồng bào dân tộc sau khi học xong quay về xây dựng quê hương, thế nhưng chỉ có số ít làm được điều này” – ông Đỉnh chia sẻ.
Ông Đỉnh cho biết, sau đợt tổng rà soát cuối năm 2015, số hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng hơn 61% (tăng gấp 2,5 lần so với trước đó). Cá biệt có một số xã như xã Sủng Tráng (dân tộc Mông) có hơn 80% là hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo tăng gấp 2-3 lần, không rõ ngân sách có “tỷ lệ thuận” theo? “Lo lắng lớn nhất hiện nay chính là nguồn kinh phí hạn hẹp. Nguồn vốn trung ương phân bổ còn hạn chế. Do là huyện nghèo 30a nên huyện chủ yếu trông chờ vào nguồn lực từ chương trình giảm nghèo 30a và nguồn vốn xây dựng nông thôn mới”- ông Đỉnh nói. Ngoài việc duy trì, nâng cao những chính sách trợ giúp phát triển kinh tế, theo ông Đỉnh, cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho giáo dục, tiếp đến là y tế, nước sạch, thông tin.
Chính sách phải bám sát tình hình thực tế
Triệu Lăng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) là một xã ven biển, điều kiện kinh tế ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Ngư dân vùng biển thuộc diện hộ nghèo được nhận trợ cấp 300.000 đồng/tháng, được hỗ trợ tiền điện, đồng thời có thẻ bảo hiểm ý tế miễn phí… Tuy nhiên, trước tình hình cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung, nguồn cá khan hiếm, sản lượng đánh bắt của ngư dân ít đi rất nhiều so với trước đây. Chính quyền địa phương rất mong Nhà nước sẽ có những chính sách thiết thực, bám sát tình hình thực tế, giúp ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt. Ví như dạy nghề chăn nuôi, may mặc, tiểu thủ công nghiệp… Ngoài ra, bà con mong được hỗ trợ để được đi xuất khẩu lao động hợp pháp, nâng cao điều kiện kinh tế gia đình, ổn định đời sống”.
Ông Trần Mai Son - Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng,
huyện Triệu Phong (Quảng Trị)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.