Giảm nghèo đa chiều (Kỳ 1): Nơi sợ nghèo, nơi... thích nghèo!

Mỵ Lương-Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 08/08/2016 06:00 AM (GMT+7)
LTS: Số liệu điều tra hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều mới trên toàn quốc đang được hoàn thiện. Sơ bộ cho thấy, tỷ lệ nghèo, cận nghèo trong cả nước khá cao, khoảng 15% (gấp gần 3 lần mức chuẩn cũ). Trong khi đó, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, chưa hiệu quả, thậm chí khiến người dân ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Rà soát lại chính sách, tăng cường hiệu quả chính sách giảm nghèo cũng là nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đặt ra cho các ngành liên quan.
Bình luận 0

Có địa phương tỷ lệ hộ nghèo đến 98%, có nơi chỉ 0,02%. Cho dù chính sách giảm nghèo có rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ nhưng để “xoá nghèo” ở các địa phương có tỷ lệ nghèo “sâu”, nghèo “kiên cố” rất khó khăn.

Nghèo “kiên cố”

Căn nhà chừng 25m2 bề bộn, ngổn ngang đồ đạc được quây bằng tre, nứa trát bùn trộn rơm rạ nằm lọt thỏm trong bản Pá Bông (xã Núi Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là tổ ấm của 5 người trong gia đình anh Lò Văn Chơ (47 tuổi), người dân tộc Khơ Mú. Anh Lò Văn Hoan – công an viên bản Pá Bông cho biết: Gia đình anh Chơ là hộ nghèo “kiên cố”, chưa khi nào vươn lên thoát được nghèo. “Đến mảnh đất hiện tại của gia đình cũng là do anh em họ hàng cho mượn xây nhà. Gia đình thiếu thốn đủ thứ: Không nhà vệ sinh, không trâu bò hay phương tiện sản xuất, đương nhiên ti vi, điện thoại cũng không. Tài sản của gia đình chỉ là nương đồi để trồng lúa. Vì vậy, nhiều năm nay gia đình anh Chơ vẫn trong diện hộ nghèo” - anh Hoan lý giải.

img

Gia đình anh Lò Văn Chơ, người Khơ Mú, trú tại bản Pá Bông (xã Núi Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) chưa bao giờ thoát được nghèo. ảnh: M.L

Cách huyện Điện Biên không xa, nhưng tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều mới ở huyện Mường Nhé cao gần gấp 3 lần (chiếm 74,02%, trong khi huyện Điện Biên là hơn 29%). Đây cũng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Điện Biên.

Tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm vừa qua của Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh cần tích hợp các chương trình, giảm bớt số lượng văn bản của các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện chương trình. Nếu cần thiết có thể ban hành một văn bản sửa cho nhiều văn bản, thay đổi theo hướng phát huy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân.

Ông Trần Thanh Nghị - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Điện Biên cho biết. Đây là điều hoàn toàn bình thường khi thực hiện rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều mới trong toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát này, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 57.214 hộ, chiếm 48,14%, tăng hơn 15% so với giai đoạn trước. Tiêu chí thiếu hụt cơ bản nhất là nhà vệ sinh (chiếm 87% hộ nghèo). “Sự chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo xảy ra mạnh nhất ở các huyện miền núi với huyện đồng bằng trên địa bàn tỉnh. Nếu ở thành thị, tỷ lệ hộ nghèo chiếm chưa đến 2% dân số thì tại nông thôn tới hơn 98% dân số” – ông Nghị nói.

Theo bà Nguyễn Thu Hương – chuyên viên cấp cao chương trình quản trị nhà nước của Oxfam: “Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng miền, nông thôn – đô thị, miền núi – đồng bằng là do tỷ lệ phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Dù nói có nhiều thành tựu trong trong việc giảm nghèo nhưng một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 60-80% vẫn là một con số khó có khả năng chấp nhận được”.

Muốn nghèo mãi

Ông Nguyễn Phúc Phú – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2015 của tỉnh là 12,04% (46.574 hộ) và 8,50% hộ cận nghèo (32.848 hộ). Trong đó có một bộ phận hộ gia đình nghèo “bền vững” do già cả, neo đơn, ốm đau kéo dài, khuyết tật không có sức lao động, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, đông người “ăn theo”… Các đối tượng này dù có nhận hỗ trợ cũng mãi không thể thoát nghèo.

Tuy nhiên, có nhiều đối tượng không muốn thoát nghèo. Chồng chị Vàng Thị Tài (32 tuổi, ở xã Bản Giang, Tam Đường, Lai Châu) mất sớm, một mình chị nuôi 3 con ăn học nên vài năm trước gia đình chị là hộ nghèo. Gần đây chị mở rộng canh tác với diện tích 4.000m2 ruộng trồng lúa cộng với 1.000m2 trồng cây lâu năm. Mỗi năm chè cho thu 4 vụ, 2 tạ/vụ, mỗi năm cho thu hoạch vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình cũng thoát khỏi cảnh đói nghèo. Mặc dù rất vui vì thoát cảnh nghèo túng, nhưng chị Tài vẫn xuýt xoa: “Địa phương cho gia đình thoát nghèo nhanh quá. Giá kể để cho các cháu lớn thêm tý nữa thì hay biết mấy. Mình vẫn mong sẽ được hỗ trợ thêm ngô giống, lợn giống, bảo hiểm như trước đây…”.

Tương tự, chị Thiều Thị Minh, ở thôn 5, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng muốn được nghèo “dài dài” để có thêm hỗ trợ. “Ngoài mặt hỗ trợ về miễn giảm học phí cho con cái, giảm tiền điện, cho vay vốn, cấp giống sản xuất… mình còn được tham gia học nghề miễn phí. Mỗi năm mình nhận được vài đợt quà tặng vào ngày lễ tết, rồi dăm ba khóa học nghề” – chị Minh nói.

Chính sách chồng chéo

Thống kê trước đó của Bộ LĐTBXH cho thấy, trong vòng 10 năm từ 2005 tới 2014, Nhà nước đã ban hành khoảng hơn 70 văn bản chỉ đạo, định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Đó là chưa kể mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại có những chính sách, chế độ ưu đãi riêng đối với hộ nghèo. Ví dụ, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 134 và 167: Cùng đối tượng là hộ nghèo trên cùng một địa bàn, được hưởng cùng một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng các mức hỗ trợ khác nhau (do thuộc đối tượng từ các chương trình khác nhau như Chương trình 30a, Chương trình 135…). Hoặc cùng hỗ trợ dạy nghề nhưng có tới hơn chục đơn vị tổ chức dạy nghề hỗ trợ hộ nghèo như: Dạy nghề 1956, dạy nghề nông thôn mới, dạy nghề Chương trình 30a…

Để khắc phục tình trạng này, ông Nghị kiến nghị: “Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, khắc phục sự chồng chéo và tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như những giai đoạn trước”.

Theo TS Trần Văn Miều- chuyên gia về giảm nghèo:  “Mặc dù từ lâu Bộ LĐTBXH đã có chủ chương, kiến nghị Chính phủ cần rà soát, cắt bỏ những chính sách chồng chéo, trùng lặp trong các chương trình giảm nghèo, thế nhưng ta vẫn chưa làm được. Thực tế, tại nhiều địa phương vẫn mong chờ có càng nhiều chính sách, càng nhiều nguồn lực để hỗ trợ các tốt, dù biết rằng quá trình thực hiện “nhiều thứ cùng lúc” cũng chẳng thuận lợi gì”. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem