Giám sát chặt để không "loạn" sản phẩm gắn mác hữu cơ
Giám sát chặt để không "loạn" sản phẩm gắn mác hữu cơ
Khánh Nguyên
Thứ tư, ngày 04/11/2020 12:59 PM (GMT+7)
Bên cạnh việc hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ; tiến hành hỗ trợ về cơ sở pháp lý để nâng đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ nâng cao năng lực, Bộ NNPTNT sẽ tăng cường quản lý để không xảy ra tình trạng loạn sản phẩm dán nhãn hữu cơ.
Theo Bộ NNPTNT, diện tích canh tác hữu cơ tăng từ 53.350ha năm 2016 lên khoảng 237.693ha năm 2019; có khoảng 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; có 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất hữu cơ; 60 doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm hữu cơ với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
"Rất đáng tiếc là bộ tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ với tám tiêu chuẩn đã ban hành là chưa đủ. Để áp dụng đúng và dễ dàng cho nhà sản xuất, cần thiết phải có bảng danh mục vật tư đầu vào từ danh mục chi tiết của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền".
Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội
Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá, hiện phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam phát triển tương đối nhanh.
"Hiện nay rất nhiều hợp tác xã và hộ dân triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên để họ hiểu nông nghiệp hữu cơ như thế nào, các tiêu chuẩn ra sao thì còn thiếu nhiều kiến thức. Do đó sau khi triển khai kế hoạch, Bộ NNPTNT sẽ có nhiều đợt tổ chức, tập huấn về nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý ở các cấp sở đến các địa phương, người sản xuất để hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, sản xuất hữu cơ đã bắt đầu từ những năm 1990 đến nay, tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành hàng hóa đủ lớn.
Nhưng từ khi Nghị định 109/2018/NĐ-CP về sản xuất nông nghiệp hữu cơ được thực thi đã xuất hiện nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn hécta.
"Rất đáng tiếc là bộ tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ với 8 tiêu chuẩn đã ban hành là chưa đủ. Để áp dụng đúng và dễ dàng cho nhà sản xuất, cần thiết phải có bảng danh mục vật tư đầu vào từ danh mục chi tiết của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền" - ông Mịch phản ánh.
Ông Mịch cũng cho rằng đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ tất yếu phải áp dụng theo một tiêu chuẩn phù hợp với thị trường có nhu cầu, cụ thể để xác định là sản phẩm hữu cơ phải có đơn vị chứng nhận. Bởi vậy vấn đề hoạt động của các đơn vị chứng nhận sản phẩm hữu cơ cần được xây dựng, hình thành theo các quy định hiện hành, thậm chí cần công khai danh sách các đơn vị đã được phép hoạt động chứng nhận.
"Đến nay chúng tôi thấy xuất hiện một số chứng nhận sản phẩm hữu cơ không rõ ràng được bán trên thị trường như không ghi rõ trên bao bì các thông tin. Lĩnh vực chứng nhận là rất nhạy cảm nếu quản lý, giám sát không tốt sẽ phản tác dụng, như bài học chứng nhận VietGAP trước đây" – ông Mịch nói.
Tăng cường quản lý sản phẩm hữu cơ
Theo kế hoạch triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Bộ NNPTNT, từ nay đến năm 2030, diện tích đất trồng hữu cơ phải đạt 2% trong tổng diện tích đất trồng trọt. Đề án xác định các sản phẩm hữu cơ chủ lực gồm lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cá phê, dừa, điều.
Trong chăn nuôi, các sản phẩm hữu cơ chủ lực sẽ gồm sữa, sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm. Cạnh đó sẽ xây dựng vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ. Mục tiêu đến giai đoạn 2030 sẽ đạt 2-3% tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên tổng sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Trong thủy sản, các sản phẩm hữu cơ chủ lực sẽ gồm tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất nuôi trồng thủy sản hữu cơ sẽ đạt 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển vùng sản xuất hữu cơ được chứng nhận từ các vùng sản xuất, khai thác sản phẩm tự nhiên, phát triển sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên và sản xuất thâm canh, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng năm 2030 đạt khoảng 95-98%.
Mục tiêu chung là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên mục tiêu mà đề án đưa ra là không đơn giản, nhất là quản lý sản phẩm hữu cơ khi hiện nay đã có quá nhiều sản phẩm hữu cơ.
Để triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, Bộ NNPTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện đề án. Theo đó, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản là đầu mối phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương, nắm tình hình tham mưu lãnh đạo xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai đề án nói chung và các mô hình điểm nói riêng.
Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng hướng dẫn các quy trình sản xuất hướng đến nông nghiệp hữu cơ và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ; tiến hành hỗ trợ về cơ sở pháp lý để nâng đỡ các tổ chức chứng nhận hữu cơ nâng cao năng lực, đi vào hỗ trợ cho các mô hình trong nước. Hướng họ liên kết với các tổ chức chứng nhận của quốc tế để nâng cao vị thế, trình độ năng lực của các tổ chức chứng nhận ngang bằng với các nước trong khu vực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.