Để thực hiện tốt kỹ thuật này, nông dân phải thực hiện việc quản lý hệ thống thu hoạch và sau thu hoạch lúa. Tức là quản lý quá trình hạt lúa từ đồng ruộng cho đến người tiêu thụ trải qua các công đoạn sau: Thu hoạch > làm khô sơ bộ trên ruộng > ra hạt (các kiểu máy móc/thủ công) > làm sạch hạt > phơi/sấy > đóng gói > tồn trữ > chế biến sơ bộ (chà lức, phân loại…) > chế biến chính thức (đánh bóng, phân loại, tách hạt, làm sạch, chế biến thực phẩm…) > người tiêu thụ.
Thu hoạch đúng thời gian giúp tránh hao hụt. Khi thu hoạch hạt chưa chín hoàn toàn gây ra thất thoát do tăng tỷ lệ gạo tấm và giảm tỷ lệ gạo nguyên. Còn nếu thu hoạch trễ, cây trồng còn nằm trên đồng ruộng khó tránh khỏi thiệt hại do côn trùng, chim chuột cắn phá, do đổ ngã hoặc rụng hạt (do gió bão, do va chạm…). Từ đó, nông dân cần chọn ngày thu hoạch đúng tùy theo giống lúa. Nói chung, thời gian thu hoạch tối ưu là trước khi lúa chín hoàn toàn 1 tuần thì chỉ thất thoát 0,77%. Còn nếu thu ngay ngày chín hoàn toàn, con số này tăng lên 3,33% và thu hoạch sau ngày này 1 tuần thì ước tính thất thoát lên tới 5,63%.
Vì thế, nông dân cần thăm đồng thường xuyên và dựa vào một số căn cứ như sau để thu hoạch: Khi lúa vừa chín hoặc ước tính số ngày sau khi trổ (tùy giống), thường từ 28 - 34 ngày tương ứng cho giống ngắn và dài ngày; khi có 80% số hạt trên bông chuyển từ màu xanh sang màu vàng rơm; khi có ít nhất 20% hạt lúa ở cuối bông (gốc của gié) ở giai đoạn tinh bột cứng; khi ẩm độ hạt khoảng 21 - 24%; khi dùng tay bóc vỏ trấu gần ngày thu hoạch thấy hạt sáng rõ và cứng.
Như vậy, nông dân cần ghi chép đúng ngày gieo sạ lúa, ngày trổ, kết hợp với thăm đồng quan sát ruộng lúa để quyết định ngày thu hoạch tránh thất thoát và đảm bảo chất lượng. Mùa mưa nên rút nước sớm trước 10 - 15 ngày dễ thu hoạch và hạn chế thất thoát do dính nước. Mùa khô tháo cạn giữ đất hơi ẩm.
TS Nguyễn Công Thành
Vui lòng nhập nội dung bình luận.