Giảm thuế giá trị gia tăng, lợi ích kép cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Giảm thuế giá trị gia tăng tạo "cú hích" đến tiêu dùng, sản xuất kinh doanh
Hoan Nguyễn
Thứ hai, ngày 27/06/2022 11:36 AM (GMT+7)
Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, đã tác động tích cực đến thị trường, tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng; kích thích tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt khó do hệ lụy của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% nhận được sự phản hồi tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Theo khảo sát của PV Dân Việt tại một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ lớn đã hoàn tất điều chỉnh giá các mặt hàng theo mức thuế giá trị gia tăng mới.
Chị Lê Thị Hoa (phường Thanh Miếu, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bộc bạch: "Tôi ở chung cư, mua hàng thiết yếu chủ yếu ở siêu thị. Đợt này, trong hóa đơn thanh toán đa số là những sản phẩm có VAT 8% hoặc 5%. Việc giảm thuế như vậy thực sự rất ý nghĩa khi dịch bệnh vẫn kéo dài, giá xăng, dầu, gas… tăng phi mã".
Ngay khi Nghị định 15 có hiệu lực, siêu thị Coopmart Việt Trì (TP.Việt Trì, Phú Thọ) đã chủ động phân loại danh mục hàng hóa được giảm thuế và cập nhật trên phần mềm bán hàng để đảm bảo thực hiện đúng quy định, phục vụ khách hàng kịp thời.
Ông Ngô Duy Hiến, Phó Giám đốc siêu thị CoopMart Việt Trì khẳng định, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% có độ bao phủ, tác động rất rộng; đặc biệt góp phần kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn.
Cùng với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhiều hệ thống khách sạn, nhà hàng tại Phú Thọ đã áp dụng biểu thuế giá trị gia tăng mới từ đầu tháng 2/2022.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng giúp hệ thống khách sạn, nhà hàng thu hút khách hàng, kích cầu người dân sử dụng các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong trạng thái bình thường mới.
Tại siêu thị Go! Vĩnh Phúc, các banner về giảm thuế giá trị gia tăng được đặt ở lối ra/vào, với mục đích để người tiêu dùng dễ dàng biết và thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế.
Đại diện siêu thị Go! Vĩnh Phúc cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Go! Vĩnh Phúc. Đến nay, tuy chưa thể lấy lại lượng khách hàng như thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, song đây cũng là tín hiệu tích cực để người tiêu dùng tham gia mua sắm nhiều hơn tại siêu thị.
Theo Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, việc giảm thuế giá trị gia tăng đem lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Cụ thể, thuế giá trị gia tăng đầu vào giảm, doanh nghiệp giảm áp lực về chi phí, hạn chế việc tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đối với người tiêu dùng - đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng trực tiếp và cũng đang bị tác động về việc làm, thu nhập do dịch bệnh, nay sẽ được lợi giảm thêm khoản chi phí tiêu dùng 2%.
Từ ngày 1/2/2022, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế (Nghị định 15) căn cứ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 (ngày 11/1/2022) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" chính thức được áp dụng.
Trong đó, điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thuế giá trị gia tăng là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân.
Do đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng này không chỉ tiết kiệm chi tiêu cho người dân, kích cầu tiêu dùng, mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Thọ Đỗ Trọng Bồng phân tích, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Khi giảm thuế giá trị gia tăng thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền, tiết kiệm được chi tiêu.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để thanh toán khi mua nguyên nhiên vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn.
Tức là, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của đơn vị. Số tiền này, sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; xây dựng thương hiệu; đổi mới khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong chuỗi sản xuất, giúp tăng cường giá trị doanh nghiệp, hướng tới chủ động chiếm lĩnh thị trường nội địa, vươn ra chinh phục thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác với vai trò là hàng hóa trung gian nên giá cả giảm sẽ làm giảm chi phí cho các ngành sử dụng sản phẩm đó làm đầu vào.
Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế sẽ giúp đạt mục tiêu vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất - kinh doanh, từ phía tiêu dùng và vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Giảm thuế giá trị gia tăng tạo "cú hích" đến tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.