Giảm tổn thất sau thu hoạch: Tắc ở nhiều khâu

Thanh Xuân Thứ ba, ngày 08/09/2015 12:30 PM (GMT+7)
Dù đã có tới 1 nghị quyết của Chính phủ và 3 quyết định của Thủ tướng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch cho ngành nông nghiệp, nhưng khi triển khai vẫn “tắc” ở nhiều khâu khiến người dân chưa thể tiếp cận.
Bình luận 0

Tổn thất lúa còn 10%  mỗi năm

Đánh giá về kết quả của việc thực hiện giảm tổn thất sau thu hoạch, ông An Văn Khanh - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, chỉ tính riêng với lĩnh vực lúa gạo, nhờ áp dụng công nghệ sau thu hoạch như sử dụng máy gặt đập liên hợp, máy sấy... nên tổn thất sau thu hoạch đã giảm từ 11 - 13% trước đây xuống còn 10% hiện nay. Nếu tính trung bình sản lượng 43 triệu tấn lúa/năm, với việc giảm được 3% thì mỗi năm ở ĐBSCL đã tiết kiệm được khoảng 6.000 tỷ đồng.

img

Mặc dù vậy, theo đánh giá, dù đã ban hành rất nhiều chính sách và thường xuyên chỉnh sửa nhưng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nông nghiệp vẫn còn quá lớn. Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 48 ngày 23.9.2009 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản đã có thêm các Quyết định 63, 65, 68 cụ thể hóa các chính sách, cơ chế hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị nhưng thực chất việc giảm tổn thất sau thu hoạch mới chỉ tập trung đầu tư máy móc thiết bị cho cây lúa, còn các cây trồng khác và chăn nuôi, thủy sản hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo thống kê, sau 2 năm triển khai Quyết định 68, lúa gạo là lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch tốt nhất nhưng cũng chỉ giảm được 3%, từ 13% xuống còn 10%, nghĩa là mỗi năm nước ta bị tổn thất tới khoảng hơn 4 triệu tấn lúa. Riêng lĩnh vực thủy sản hiện vẫn còn tổn thất lên tới 20-30%, thậm chí có nghề như kéo lưới tổn thất lên tới 35- 48%.

Điều đáng nói là, sau khi có Quyết định 68, đã cho vay hỗ trợ được 3.468 tỷ đồng, với 14.233 lượt người được vay vốn nhưng việc cơ giới hóa trong nông nghiệp để giảm tổn thất sau thu hoạch vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân như lãi suất còn quá cao; chỉ được vay mua máy móc có tỷ lệ 60% nội địa, không được mua máy cũ… dẫn tới người dân tham gia còn ít…

Khó tiếp cận vốn

" Theo tôi, cần xây dựng nghị định về giảm tổn thất sau thu hoạch, đưa ra chính sách để thực hiện chủ trương giảm tổn thất sau thu hoạch và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tôi mong người dân vay không phải 4.000 tỷ mà là 40.000 tỷ - tăng gấp 10 lần”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát

Theo Bộ NNPTNT, Quyết định 68 dù đã có nhiều sửa đổi cho thuận lợi hơn như không bắt buộc tỷ lệ máy móc, thiết bị khi mua phải đảm bảo 60% là tỷ  lệ nội địa. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa “mặn mà” tham gia, nguyên nhân chính là thủ tục vay vốn còn nhiêu khê, rườm rà, lãi suất cao. Ông Đoàn Xuân Hòa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Nói là hỗ trợ lãi suất, nhưng với vốn vay 8,5%/năm thì quá cao, không ai vay. Mặc dù người dân cũng muốn mua máy móc của các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhưng lĩnh vực cơ khí chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam còn quá lạc hậu, chỉ chế tạo được động cơ nhỏ”. Theo ông, để đẩy mạnh lĩnh vực này, cần giảm lãi suất xuống và dành một phần vốn ODA  ưu tiên cho lĩnh vực này để có lãi suất ở mức 3-4% mới đủ sức hấp dẫn. Đặc biệt, các ngân hàng cũng cần đơn giản hóa thủ tục hơn bởi lĩnh vực này nợ xấu từ trước tới nay chưa có.

Ông Nguyễn Viết Hưng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lại cho rằng, Quyết định 68 ngoài thủ tục còn rườm rà thì còn một vấn đề nữa là người dân thích mua máy cũ, giá còn rẻ hơn cả máy mới được hỗ trợ mà chất lượng vẫn tốt. “Theo tôi, nếu cần thiết nên cho sử dụng cả máy cũ nhưng với chất lượng được Bộ KHCN kiểm soát để giảm chi phí cho người dân”- ông Hưng đề xuất.

Là đơn vị chế tạo máy nông nghiệp, ông Nguyễn Thể Hà, (Công ty Bùi Văn Ngọ) cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đủ năng lực chế tạo máy móc cho nông dân nhưng cái khó là muốn mở rộng quy mô sản xuất lại thiếu vốn. Theo ông Hà, với một nước sản xuất nông nghiệp như nước ta mà bao nhiêu năm nay ngành cơ khí trong nước vẫn không phát triển là hết sức vô lý. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này do lĩnh vực cơ khí gần như bị lãng quên, rồi tâm lý sính ngoại của ngươiời dân...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, về lâu dài sẽ phải hỗ trợ doanh nghiệp chế tạo máy trong nước. Hiện một chiếc máy nhập khẩu từ Nhật có giá 120.000USD, trong khi chiếc máy có tính năng, chất lượng tương đương sản xuất tại Việt Nam  rẻ bằng 1/3 với khoảng 40.000USD. Nếu Việt Nam có 10 doanh nghiệp chế tạo máy thôi thì nông dân cũng được hưởng bằng rất nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước rồi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem