Giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam, hai Bộ trưởng NNPTNT, Công Thương họp khẩn lo cái ăn cho dân

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 18/07/2021 11:26 AM (GMT+7)
Xác định thời điểm hiện nay như "tình hình thời chiến", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16, tăng cường kết nối cung - cầu đảm bảo dân không thiếu hàng hóa thiết yếu.
Bình luận 0

TP.Hồ Chí Minh đang thiếu 3 triệu quả trứng/ngày, kiến nghị không được cấm nông dân ra vùng sản xuất

Đó là kiến nghị của nhiều địa phương tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thị trường miền Nam, nhất là khi sẽ có thêm 16 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 19/7.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có giá trị liên vùng vì không chỉ cung cấp cho TP.HCM mà còn cho các địa phương khác.  

Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung ứng thực phẩm cho thành phố đang thiếu hụt, ví dụ, trứng thiếu khoảng 3 triệu quả/ngày. 

Theo ông Phương, hiện nay, ở nhiều địa phương có tình trạng nông dân không được ra khỏi nhà để sản xuất, thu hoạch nông sản, khiến nguồn cung bị thiếu hụt, giá cả bị đội lên, đơn cử như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên đến 35.000 đồng/kg.

Giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam, hai Bộ NNPTNT, Công Thương họp khẩn lo cái ăn cho dân - Ảnh 1.

Sáng 18/7, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên họp khẩn với các địa phương phía Nam tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho thị trường miền Nam. (Ảnh: nongnghiep.vn).

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương nhiều tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Hậu Giang, Đồng Nai đều phản ánh tình trạng, khâu vận chuyển hàng hóa đang gặp khó khăn. 

Ví dụ ở Hậu Giang, tài xế dù có đầy đủ giấy tờ phòng chống dịch nhưng vẫn cần phải qua nhiều chốt, dẫn đến chi phí tăng. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang thông tin, hiện một số mặt hàng nông sản đang tăng giá 30 - 40% do tâm lý tích trữ nhưng giá thu mua trong dân lại không tăng.

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cũng khiến việc tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch ở nhiều địa phương gặp khó khăn. 

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ dự báo trong thời gian tới, khi các tỉnh lân cận thực hiện theo Chỉ thị 16, tình hình vận chuyển, giao thương gia súc, gia cầm sống và qua giết mổ vào thành phố khả năng gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung.

Hiện, giá heo hơi trên địa bàn TP.Cần Thơ dao động trong khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Giá trâu, bò hơi ổn định ở mức từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, giá gà ta duy trì ở mức từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, vịt hơi từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tỉnh Cà Mau lại lo một sản lượng thủy hải sản lớn cần tiêu thụ. Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, tính đến hết tháng 7, tỉnh có 28.900 tấn thủy hải sản cần tiêu thụ; tháng 8 thêm khoảng 51.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh đến hết tháng 7 khoảng 3.360 tấn, còn dư khoảng 25.540 tấn, trong tháng 8 tiêu thụ khoảng 7.440 tấn, dư khoảng 43.560 tấn cần xuất ngoài tỉnh.

Giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam, hai Bộ NNPTNT, Công Thương họp khẩn lo cái ăn cho dân - Ảnh 2.

Lực lượng quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn thành phố. (Ảnh: moit.gov.vn).

Trong khi thủy sản hải đang dư thừa cần đưa ra ngoài tỉnh tiêu thụ thì Cà Mau lại đang thiếu hụt rau củ quả các loại, trong tháng 7 thiếu khoảng 1.260 tấn và tháng 8 thiếu khoảng 2.540 tấn cần nhập ngoài tỉnh.

Tại Bạc Liêu, giá lúa, tôm đang có dấu hiệu giảm. Giá tôm sú giảm trung bình 25.000 đồng/kg, từ 200.000 đồng xuống còn 175.000 đồng/kg (loại 30 con). Tôm thẻ từ 145.000 đồng/kg còn 125.000 đồng/kg (loại 30 con).

19 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng hóa cần cung ứng là rất lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chưa từng xảy ra, số lượng người bị phong tỏa, cách ly lớn chưa từng có, nên lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân vô cùng lớn.

"Nhiệm vụ của 2 ngành là phải đảm bảo không thể thiếu hàng hóa thiết yếu cho người dân", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng đã khuyến cáo TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống với 3 điều kiện: Chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân; thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn; tiêm vaccine cho tiểu thương.

Giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam, hai Bộ NNPTNT, Công Thương họp khẩn lo cái ăn cho dân - Ảnh 3.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, rau củ quả ở siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung, giá cả không tăng so với ngày thường. (Ảnh: miot.gov.vn).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị xác định tính chất thời điểm hiện tại như đang là thời chiến. Dự kiến tình hình hàng hóa sẽ có nhiều xáo trộn, khan hiếm, giá cả cao.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại; tăng các điểm bán lưu động.

"Việc cung ứng hàng hóa là vấn đề hết sức khó khăn, nếu thiếu hàng hóa thiết yếu thì người dân không đủ lực dập dịch. Chưa chết vì dịch thì đã chết vì đói khát. Đây là tình hình thời chiến" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.


Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tăng cường 100% lực lượng để nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng chức năng để bắt buôn lậu và các trường hợp găm hàng hóa.

Thời gian đầu, một số bà con ở chợ truyền thống nâng giá hàng, một số trường hợp mua hàng ở siêu thị để bán bên ngoài. Cục đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con.

Đến nay, hoạt động nâng giá ở các siêu thị không còn. Hiện tại, rau củ quả ở siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung, giá cả không tăng so với ngày thường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hai Bộ NNPTNT và Công Thương phải đánh giá tình hình nhu cầu hàng hóa chính xác, kiến nghị Tổ công tác để đưa ra hướng giải quyết.

Xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất.

Chủ động kết nối cung cầu tại các địa phương; duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch; phối hợp với các ngành khác như Giao thông, Y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.

Những vùng trồng rau củ quả, nuôi trồng đang cung ứng các thị trường mà bị đứt gãy, cần báo cáo với Tổ công tác tiền phương để tìm hướng giải quyết

Lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh cần đóng vai trò chủ công, chủ trì phối hợp lực lượng chức năng địa phương để kịp thời xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, buôn bán hàng giả, kém chất lượng. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu. Có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương để cùng nhau xử lý.

"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP.HCM về việc cung ứng lương thực nhưng TP.HCM cũng phải làm rõ nhu cầu của mình vì bây giờ nhiều doanh nghiệp muốn cung ứng cũng không biết chở hàng đến đâu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp; cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem