PGS Xê cho biết, ông rất “sốc”, buồn và vô cùng thất vọng sau khi đọc được thông tin Bộ GDĐT đã tìm ra có sai phạm trong chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang. Theo PGS Đỗ Văn Xê, việc Bộ GDĐT quyết định sử dụng hình thức thi trắc nghiệm tất cả các môn (trừ môn Văn) cũng là một trong những giải pháp được cho rằng sẽ hạn chế đến mức tối đa các hiện tượng tiêu cực như: Quay cóp, trao đổi bài, dùng tài liệu, học tủ, học lệch… nhưng mới đến năm thứ 2, hình thức thi trắc nghiệm này đã bộc lộ những sai sót không thể chấp nhận được. Minh chứng là vụ việc tiêu cực tại Hà Giang.
PGS.TS Đỗ Văn Xê.
Tuy nhiên, PGS Xê khẳng định, lỗi không phải là ở hình thức thi trắc nghiệm, không phải là ở quy trình tổ chức thi, coi thi, chấm thi mà lỗi chính là ở con người. “Việc can thiệp vào bài thi trắc nghiệm của thí sinh để làm thay đổi kết quả là việc làm không thể chấp nhận được, đó là một hành động trắng trợn. Hành động này không chỉ khiến những người làm giáo dục sốc mà sẽ khiến cả thế giới phải… kinh ngạc và cảm thấy rất vô lý” – PGS Xê nói.
PGS Xê phân tích, việc tổ chức thi, coi, chấm… ở tất cả các khâu đều có sự tham gia của rất nhiều người, có cả lực lượng công an giám sát nữa, chính vì vậy nếu có sai phạm thì không thể là sai phạm của một vài cá nhân.
Ông Mai Văn Trinh trả lời báo chí 1h sáng 17.7. Ảnh: Đất Việt
“Quy trình thi trắc nghiệm cũng không cho phép người ta có thể can thiệp vào việc sửa điểm vì họ sẽ không đủ thời gian để sửa. Mà nếu có sửa thì họ cũng chỉ có thể sửa được của một vài thí sinh chứ không thể sửa nhiều đến vậy? Động cơ là gì? Chỉ có khả năng là tráo bài thi? Tôi thực sự không thể hình dung được” – PGS Xê nói.
PGS Xê cũng cho rằng, tiêu cực điểm thi ở Hà Giang sẽ không chỉ gây tác động lớn đến tâm lý của thí sinh, phụ huynh và cả xã hội mà đặc biệt, các trường ĐH sẽ khó có thể tin tưởng vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào ĐH.
Trước đó, ngay 1h sáng ngày 17.7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã chính thức cung cấp cho báo chí về thông tin sai phạm liên quan đến công tác chấm thi, gây điểm thi cao bất thường tại Hà Giang. Theo đó, điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang cao bất thường xảy ra ở một số thí sinh là có sự can thiệp của con người. Ông Mai Văn Trinh cho hay: "Qua rà soát phát hiện có những sai phạm trong quá trình chấm thi. Căn cứ theo quy chế, Bộ GDĐT chấm thẩm định tất cả các môn thi của thí sinh trong kỳ thi vừa qua. Hiện đã xác định được đối tượng gây ra sai phạm này, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật".
Theo nguồn tin riêng cho biết, những đối tượng gây ra sai phạm được cho rằng có liên quan đến một số cán bộ thuộc Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GDĐT Hà Giang). Đây là những người tham gia Hội đồng chấm thi của kỳ thi THPT năm 2018 của Hà Giang. Hiện, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang đã đình chỉ công tác làm thi đối với các cá nhân này. Việc gian lận được cho biết có liên quan đến việc mở niêm phong một số hòm đựng bài thi; mở khóa một số thùng bài thi để mang ra khỏi khu vực phòng chấm thi, sau đó có các tác động can thiệp làm thay đổi kết quả bài thi.
Nguồn cơn của vụ việc được phát hiện sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2018, Hà Giang có 5.500 thí sinh nhưng số lượng các thí sinh đạt điểm cao của Hà Giang chiếm tỷ lệ cao khi so sánh với nhiều tỉnh trong cả nước. Cụ thể, nếu xét theo tổ hợp khối A, với mức tổng điểm từ 28 trở lên, Hà Giang chiếm gần một nửa cả nước với 11 thí sinh (chiếm 47,62%), tất cả các tỉnh khác là 52,38% (11 thí sinh).
Ở tổ hợp khối A1 và khối D7 thì Hà Giang vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của cả nước. Ở khối A1, cả nước có 24 thí sinh có mức tổng điểm từ 28 trở lên, thì Hà Giang có tới 16 thí sinh đạt được điều này (chiếm tới 66,67%), trong khi các tỉnh khác chỉ được tổng là 8 thí sinh. Ở tổ hợp D7 (Toán, Hoá, Anh) cả nước có 5 thí sinh có mức tổng điểm từ 28 trở lên, thì Hà Giang đã chiếm tới 4.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.