Thức dậy từ 6h, ông Nguyễn Văn Lợi, 45 tuổi (ở ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bắt đầu công việc trèo lên những ngọn cây thốt nốt cao để lấy nước làm đường.
"Tôi học nghề từ anh trai, hơn 15 năm rồi. Ăn cơm dưới đất, mần việc trên trời. Trước đây, 10 người thì 8 người trong ấp theo nghề, giờ nhiều người bỏ nghề vì nguy hiểm", ông Lợi nói.
Theo ông Lợi, những người trèo cây thốt nốt không có đồ bảo hộ lao động hỗ trợ. Đồ nghề chỉ có con dao, chiếc kẹp tre và những chiếc chai nhựa.
"Để leo lên những ngọn cây cao hơn chục mét, chúng tôi phải buộc những cây tre khô vào thân cây, rồi bám các đốt tre để trèo lên. Nghề này, một chút sơ sẩy là gặp chuyện liền", ông Lợi nói.
Bàn tay chai sần của ông Lợi sau nhiều năm hành nghề. "Lúc nào chúng tôi cũng chỉ ao ước có một chiếc thẻ bảo hiểm để phòng thân. Năm ngoái, tôi bị té khi trèo, gãy hai xương sườn, nhưng còn may so với những anh em khác bị gãy chân, gãy tay phải bỏ nghề và đổ nợ", ông Lợi kể.
Vào mùa thu hoạch thốt nốt, ông Lợi có thể trèo 30-60 cây mỗi ngày từ sáng đến chiều. "Tùy sức người, như tôi bây giờ mỗi ngày mần được khoảng 20-30 lít nước thốt nốt, kiếm được 400.000-500.000 đồng một ngày, còn lúc yếu chỉ 200.000-300.000 đồng", ông Lợi cho biết.
Vừa leo lên ngọn, thấy thốt nốt trổ buồng, ông Lợi dùng dao cắt. Từ chỗ cắt (cuống), nước trong cây chảy vào chiếc chai nhựa được đặt sẵn. Ông Lợi cho biết, phải mất một đêm, nước mới chảy đầy chai.
Ông treo những chai đựng nước thốt nốt vào thân cây để tránh bị dính cát, bụi.
Người đàn ông có biệt danh "Lợi thốt nốt" chăm chú quan sát hàng cây trước khi trèo. Gia đình ông đang thuê 30 cây trong ấp để làm đường thốt nốt.
Ông rót nước thốt nốt cho một vị khách thử vị ngọt, trước khi mua về nấu đường.
"Ngày nào cũng thế, cứ lấy đủ 30 lít nước tôi quảy gánh đem về nhà nấu đường, rồi đem bán cho các xưởng lớn trong ấp", ông chia sẻ.
Lò làm đường của gia đình ông Lợi. Bà Kim Thị Hồng Hoa, vợ ông cho biết bình quân cứ 6-7 lít nước sẽ cho ra một kg đường thành phẩm.
Từ 11h đến 12h là thời gian ông Lợi quây quần cùng gia đình bên bữa cơm trưa và nghỉ ngơi để lấy sức làm việc.
"Gia đình tôi phải mần lúa thêm. Mần thốt nốt thôi không đủ vì nhà bốn người, ba đứa nhỏ lại đang tuổi ăn tuổi học. Còn sức thì phải ráng thôi", ông Lợi giãi bày.
Thành Nguyễn (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.