Gian nan hành trình vận động học sinh ra lớp của giáo viên vùng cao ở Kon Tum
Gian nan hành trình vận động học sinh ra lớp của giáo viên vùng cao ở Kon Tum
Hoàng Lộc
Thứ hai, ngày 20/11/2023 14:26 PM (GMT+7)
Bên cạnh công việc dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao Kon Tum phụ trách thêm công việc vận động học sinh đến trường. Tuy đây là một hành trình đầy gian nan nhưng các thầy cô vẫn kiên trì vào thôn làng, đến từng nhà huy động học sinh đến lớp.
Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi vượt gần 100km từ TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đến với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Đăk Sao (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum). Nhìn từ xa, ngôi trường được bao quanh bởi núi cao.
Xã Đăk Sao cũng là một xã vùng khó của huyện Tu Mơ Rông với gần 100% người là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Đời sống bà con ở đây vô cùng khó khăn, quanh năm gắn bó với nương rẫy nên họ chưa dành nhiều sự quan tâm cho việc học của con em mình. Từ đó, việc học sinh vắng học vẫn thường diễn ra. Chính vì vậy, đối với các thầy cô giáo ở đây, bên cạnh công việc chuyên môn thì họ cùng có thêm nhiệm vụ là đi gõ cửa từng nhà để tìm thuyết phục những học sinh nghỉ học đến trường.
Khi trời bắt đầu sẩm tối, chúng tôi có dịp được theo chân các thầy cô giáo của trường để tìm hiểu về công tác vận động học sinh đến lớp. Tổ công tác đến với các gia đình thôn Kon Cung, cách trường khoảng 8km. Đây là thôn có nhiều học sinh nghỉ học.
Sau những trận mưa lớn kéo dài, con đường đất dẫn vào thôn trở nên lầy lội, khó đi, có nhiều đoạn dốc đứng nên các thầy cô phải giữ chặt tay lái để bình tĩnh "vượt qua".
Thầy giáo A Nia, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đăk Sao chia sẻ: "Mùa này mưa nhiều, đường sá lầy lội nên đi vất vả hơn một chút. Phụ huynh của em thường đi rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về đến nhà. Cho nên, các thầy cô thường chọn đi vào thôn vào buổi tối. Tuy nhiên, khi đến được gia đình học trò thì nhiều hộ các em ở nhà nhưng bố mẹ lại có việc đi vắng hoặc không có điện thoại nên không gặp gỡ để trao đổi được. Một cái khó khăn nữa đó là các phong tục, tập quán ở thôn làng hay diễn ra nên gia đình không cho con em đến trường. Chính vì vây, chúng tôi phải đến vận động thường xuyên hoặc nhờ trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn bản hỗ trợ trong việc vận động phụ huynh học sinh".
Ghé thăm căn nhà vách gỗ lụp xụp, thầy Nia giới thiệu, đây là nhà của em Y Gát, học sinh lớp 9. Gia đình em thuộc hộ nghèo của xã. Bố của Gát đã qua đời hơn chục năm nay vì mắc bệnh hiểm nghèo nên bà Y Bloi (mẹ của em, gần 60 tuổi) trở thành trụ cột chính trong gia đình. Cả gia đình có 6 người con, trong đó 5 người đã lập gia đình và ra ở riêng, chỉ còn Gát ở chung với mẹ. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào hơn 2 sào trồng mì với lúa nên không đủ trang trải cho cuộc sống.
Khi được hỏi về việc hay vắng học, Y Gát nói: "Nhà em khó khăn lắm. Mẹ cũng đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn phải đi làm một mình trên nương rẫy. Thương mẹ nên em phải nghỉ học vài buổi để phụ giúp, đỡ đần cho mẹ đỡ vất vả".
Sau khi được các thầy cô giải thích, tuyên truyền, vận động thì cuối cùng Y Gát cũng đã nghe lời và hứa sẽ đi học đầy đủ hơn.
Cách đó không xa là nhà của em Y Lay (học sinh lớp 9). Mấy ngày qua em cũng không đi học. Hỏi ra mới biết, do đang mùa thu hoạch lúa nên em theo bố mẹ lên rẫy để phụ việc.
Lúc này, các thầy cô làm công tác "tư tưởng" cho gia đình em. Anh A Nhơi (bố của Lay) sau khi được tổ công tác giải thích đã dần hiểu ra vấn đề. Anh nói: "Khi được các thầy cô giáo đến nhà giải thích việc cho con em đi học quan trọng như thế nào, tôi thấy hợp lý lắm, nên không cho con đi rẫy nữa mà cho đến lớp học cái chữ".
Cứ thế, công tác vận động của các thầy cô tiếp tục duy trì cho đến đêm.
Chính quyền, địa phương vào cuộc
Hơn 8 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Ngô Thị Hiên, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đăk Sao hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh của các em học sinh trong vùng. Cô giáo thường xuyên cùng với các đồng nghiệp đi đến từng nhà dân, vận động các phụ huynh học sinh quan tâm, tạo điều kiện cho con em mình đến lớp đều đặn.
"Đối với học trò vùng sâu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nếu các thầy cô không vận động, gia đình thiếu quan tâm là các em rất dễ nghỉ học. Đặc biệt vào những những ngày mưa hay mùa nương rẫy, tình trạng học sinh nghỉ học theo cha mẹ đi rẫy rất nhiều. Bằng lương tâm, nhiệt huyết của mình, chúng tôi không ngần ngại đến từng nhà vận động các em đi học. Công tác vận động nhiều lúc cũng gặp tình huống "dở khóc dở cười". Do vậy, tôi đã nghĩ ra nhiều cách như xin ít quần áo cũ hoặc mua ít bánh kẹo để "dụ dỗ" học sinh đến trường. Vẫn biết sự nghiệp "trồng người" còn dài và gian nan vất vả nhưng vì học sinh thân yêu, tình yêu với nghề, chúng tôi sẽ vượt qua", cô Hiên bộc bạch.
Thầy Phạm Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS xã Đăk Sao cho biết, toàn trường có 539 học sinh, trong đó khoảng 98% là người dân tộc Xơ Đăng. Mỗi năm, nhà trường luôn canh cánh nỗi lo học sinh nghỉ học. Điều đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục chung của trường.
"Không giống như ở các trung tâm thành phố lớn, việc dạy học trên vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vây, ngay từ khi năm học diễn ra, Ban Giám hiệu cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể giáo viên làm tốt công tác dân vận đối với phụ huynh, học sinh và phối hợp với chính quyền địa phương để hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm để hỗ trợ dụng cụ học tập, vật dụng sinh hoạt cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn", thầy Việt nói.
Trao đổi với về việc tuyên tuyền, vận động học sinh đến trường của các giáo viên trên địa bàn, thầy Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GDĐT huyện Tu Mơ Rông cho hay, những năm qua ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó là sự nỗ lực của các thầy, cô giáo kiên trì bám trường, bám thôn làng vận động học sinh ra lớp. Ðồng thời, đơn vị còn kêu gọi sự tham gia cả hệ thống chính quyền trong việc phối hợp, hỗ trợ để vận động, huy động học sinh ra lớp.
"Nhờ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà tỷ lệ học sinh ra lớp vài năm trở lại đã được cải thiện một cách rõ rệt", thầy Hoàng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.