Xin trân trọng giới thiệu ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Nhiễu thị trường và gây hại cho nông dân
Hơn 10 năm trở lại đây, tại các vùng nông sản trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long liên tục xuất hiện các thương nhân nước ngoài, trong đó có các thương nhân Trung Quốc có họat động thu gom nông sản. Việc thương nhân nước ngoài đứng ra mua gom nông sản trong nước là vi phạm pháp luật.
Họ “lách” luật bằng cách lôi kéo người Việt Nam đứng ra trực tiếp thu gom nông sản. Đường dây thu gom nông sản do thương nhân nước ngoài phần lớn đều không rõ ràng, thu mua không có hóa đơn chứng từ, không qua văn bản hợp đồng.
“Chiêu” dễ thấy nhất của thương nhân nước ngoài gom cả nông sản chất lượng thấp nhưng trả giá cao hơn nông sản đạt tiêu chuẩn. Điển hình như các vụ việc thương nhân nước ngoài thu mua cà phê, hạt tiêu ở Tây Nguyên, gạo, thủy hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long và chè ở các tỉnh phía Bắc… Việc này dẫn tới hậu quả nguy hại đối nông dân và thị trường.
“Chiêu thức” của thương nhân nước ngoài vô hình trung khuyến khích nông dân sản xuất với tiêu chuẩn dễ dãi, trong khi nhà nước đang cố gắng tìm mọi cách hỗ trợ bà con áp dụng các tiến bộ KHKT, quy trình để làm ra các mặt hàng nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là “chiêu độc” để hạ thấp, thậm chí làm cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị mất đi thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Bên cạnh thu gom ồ ạt các mặt hàng nông sản chủ lực, có uy tín của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, tôm thì thương nhân nước ngoài còn thu mua nhiều mặt hàng nông sản “lạ đến khó hiểu” như lá điều, lá nhãn, vải, lá khoai lang non; rễ cây hồi, rễ sim; mầm cây thảo quả; cây huyết đằng cho tới đỉa, ốc bươu vàng.
Nông dân nhiều địa phương vì thiếu kiến thức, thiếu thông tin và vì cái lợi trước mắt nên đã vô tình tiếp tay cho thương nhân nước ngoài. Những mặt hàng này khi khai thác, buôn bản về cơ bản là có hại cho năng suất nông nghiệp, có hại cho môi trường, làm giảm nguồn gen động thực vật bản địa…
Thêm vào đó, ban đầu bà con nông dân khai thác, sản xuất ra còn có người mua, về sau thương nhân nước ngoài biến mất, các đầu nậu, đại lý thu gom trong nước ngừng mua khiến nhiều hộ điêu đứng…
Chủ động truyền thông để giảm thiệt hại
Trong chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân, nhiều năm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam luôn lưu ý Hội Nông dân (ND) các địa phương quan tâm, tìm hiểu, theo dõi hiện tượng thương nhân nước ngoài thu gom nông sản trên địa bàn.
Trung ương Hội yêu cầu Hội ND các tỉnh, thành phố bám sát đời sống nông dân, kịp thời tuyên truyền, vận động hội viên, ND tránh việc sản xuất, mua bán nông sản với những đầu nậu, đại lý không rõ ràng; không tham gia vào các họat động thu gom, buôn bán các mặt hàng “lạ, khó hiểu”, gây hại cho sản xuất, cho môi trường.
Tại những địa phương xảy ra các vụ việc cụ thể liên quan đến thương nhân nước ngoài thu gom nông sản, Trung ương Hội NDVN cũng yêu cầu Hội ND các tỉnh, thành phố nắm tình hình, cùng với các cấp, ngành địa phương cung cấp thông tin, tư vấn, giải thích để bà con hiểu để tránh những thiệt hại…
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền giúp nông dân cảnh giác, các cấp Hội cũng cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, ND tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; thành lập các tổ hợp tác, HTX, nhóm sản xuất cùng sở thích và tìm đầu mối tiêu thụ nông sản ổn định, đúng pháp luật.
Trung ương Hội cũng chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí của Hội trong đó chủ lực là báo Nông Thôn Ngày Nay tuyên truyền, cảnh báo kịp thời và mạnh mẽ về các vụ việc liên quan đến thương nhân nước ngoài thu gom trái phép nông sản trong nước.
Để góp phần tránh thiệt hại cho nông dân, thiệt hại cho sản xuất nông lâm thủy sản, trong công tác phối hợp, Trung ương Hội NDVN đã nhiều lần có ý kiến với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch hợp lý các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; công tác quản lý thương mại, nhất là vấn đề thu gom, buôn bán, xuất tiểu ngạch các mặt hàng nông sản; đề xuất với Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trong đó có việc đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định mới cho Quyết định 80/QĐ-TTg (do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 24.6.2002) về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng – vốn có nhiều nội dung không còn phù hợp sau 12 năm thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.