Giang hồ mạng và những chỉ dấu đáng lo

Lê Ngọc Sơn Thứ sáu, ngày 05/04/2019 14:00 PM (GMT+7)
Hiện tượng giang hồ mạng thịnh hành, được tung hô khi xuất hiện ngoài đời thực đang phản ánh điều gì đó “không bình thường” của xã hội.
Bình luận 0

Sự kiện một loạt giang hồ nổi lên trên thế giới mạng và được tung hô khi xuất hiện ngoài đời thực đang là một chỉ dấu thú vị nhưng đáng lo cho xã hội. Dưới nhãn quan của các lý thuyết truyền thông và xã hội học, có thể thấy đây là chỉ dấu đáng lo cho các hệ giá trị thịnh hành của xã hội: Một mặt thiếu vắng các giá trị cao đẹp, một mặt có sự đứt gãy giữa chuyển tiếp các giá trị.

Với tư cách một nhà nghiên cứu, tôi không chỉ theo dõi một loạt các kênh của “giới đại ca” nổi đình nổi đám trên mạng trong thời gian gần đây. Sự “lên ngôi” của những kênh truyền thông này khiến giới kinh viện khá bất ngờ. Nếu chỉ một mình hiện tượng của một cá nhân nào đó, đó là một hiện tượng tự phát, nhưng sự nổi lên của nhiều kênh khác, đó chắc hẳn là một trào lưu hoặc xu hướng cần được mổ xẻ để hiểu về xã hội chúng ta đang sống.

img

Khá Bảnh được giới trẻ vây quanh mỗi khi xuất hiện.

Trong mỗi xã hội luôn tồn tại song song ít nhất hai dòng giá trị: Dòng giá trị chuẩn tắc (normativeness) và dòng phi chuẩn tắc (normlessness). Dòng giá trị chuẩn tắc thường là dòng chủ lưu, thịnh hành; còn dòng giá trị phi chuẩn tắc là dòng giá trị chuyển dịch ngầm. Hai dòng giá trị này luôn xô đẩy nhau và song tồn ở mọi xã hội.

Xét dưới góc độ xã hội học, phải thấy rằng hiện tượng giang hồ mạng thịnh hành đang phản ánh điều gì đó “không bình thường” của xã hội mà ta đang sống. Sự xô dạt và thể hiện ưu trội trong sự xuất hiện của giới giang hồ mạng, có thể phản ảnh về thể trạng tinh thần của xã hội - điều mà 126 năm trước, cha đẻ của ngành xã hội học Émile Durkheim gọi tên là Anomie.

Một xã hội ở trong trạng thái Anomie khi khan hiếm các chỉ dẫn đạo đức để cung cấp cho các cá nhân. Trong một xã hội, ba trụ cột chính có thể dẫn dắt các chuẩn mực xã hội  là gia đình, công quyền, và tôn giáo. Hãy thử nhìn xem chúng ta đang có gì?

Về gia đình, mấy chục năm trước, người trẻ Việt được dẫn dắt bởi những giấc mơ cao quý: Trong chiến tranh là hình ảnh anh bộ đội “súng trên vai, vì nghĩa lớn quên mình”, là cô giáo viên miệt mài gieo con chữ, là anh bác sĩ hết mình cứu chữa bệnh nhân. Nhưng ngày nay, những giấc mơ kiểu đó đang thiếu vắng dần.

Trong bữa cơm các gia đình, có nhiều hơn những câu chuyện lo lắng làm sao cho con cái tìm được một nghề, kiếm được nhiều tiền. Trong các cuộc nhậu bạn bè, ít người nói đến giấc mơ thay đổi thế giới, họ chỉ nói về những dòng xe mới của Mercedes, BMW… Nỗi lo sinh kế và gánh nặng cơm áo gạo tiền đã bóp nghẹt các giấc mơ cao quý.

Về hệ thống công quyền, một số kẻ quyền cao chức trọng từng rao giảng những lời đạo đức thanh cao, nhưng lại chính là những con sâu cộm cán, là những “thanh củi to” trong chiến dịch “nhóm lò” chống tham nhũng. Thực tế này đã không khỏi làm xã hội nhận ra một sự thật phũ phàng: “Nhìn thế mà không phải thế”.

Về tôn giáo, với Phật giáo, chỉ trong vài tháng gần đây liên tiếp có những chỉ dấu bất thường, từ chuyện dâng sao giải hạn (ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội) đến thỉnh oan gia trái chủ, cúng vong báo oán (ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh)…

img

Khá Bảnh khóc khi bị bắt vì hành vi tổ chức đánh bạc.

Khi các “trục đạo đức” này xô lệch, các hệ giá trị chính tắc bị đứt gãy, hệ thống chuẩn mực xã hội sẽ không còn ở trong thế năng vốn có, mà bị xô lệch và lấn lướt bởi các giá trị phi chính tắc. Lúc đó, đặc trưng nổi trội của một xã hội Anomie sẽ xuất hiện. Trong một tình thế như vậy, xã hội bị dẫn dắt bởi các thần tượng (idols), với sự thịnh hành của các idol mang tính tiêu khiển (entertaining idol) và các thần tượng có lý tưởng cao đẹp (noble idols).

Vậy bằng các nào mà giang hồ mạng - một trào lưu được coi là đại diện cho các giá trị phi chuẩn tắc - lại hấp dẫn giới trẻ đến thế?

Trước hết, có thể thấy đời sống giang hồ là một thế giới cực kỳ gây tò mò. Trước khi xuất hiện mạng xã hội, thế giới đó chỉ có thể đọc qua sách báo, đặc biệt là ở các tiểu thuyết kiếm hiệp. Có thể tìm được một điểm chung ở các kênh của các “giang hồ mạng” là họ nhấn mạnh đến “nghĩa hiệp”, “có trước có sau” - điều mà trong đời thường có vẻ đang có nhiều chỉ dấu khan hiếm. Nội dung đa số video đều cố gắng diễn đạt “thật” nhất, có thể vì vậy mà ta thấy về mặt kĩ thuật video ít được trau chuốt. Phải chăng là để công chúng “tin hơn”?!

Thứ hai, sự khan hiếm và thất vọng về các giá trị cao quý nhẽ ra phải thịnh hành ở cuộc đời thật, phần nào kéo người trẻ vào một thế giới khác - một thế giới “nói là làm”, “nghĩa hiệp” - như những video của các giang hồ mạng cố tạo dựng. Các khoảng trống pháp luật đang tạo ra những “cảnh huống bất công” - nơi công lý không được cung cấp đồng đều cho mọi cá nhân, khi đó sự xuất hiện của những “yêng hùng” sẽ là một chất xúc tác cực mạnh để hút đám đông.

Tiêu biểu cho trường hợp này là việc “giang hồ mạng” Dương Minh Tuyền đến thăm em học sinh bị bạn học đánh đập, lột đồ và nhục mạ. Sự xuất hiện của Tuyền đã được sự đón nhận của không ít người dân tại đây và được tung hô trên mạng xã hội. Phải chăng công lý học đường thiếu vắng, nên sự xuất hiện này khoả lấp và vuốt ve được sự bất công đó?!

Thứ ba, điều chua chát cần phải nói đến, đó là hệ thống “truyền thông” chính thống dẫn đạo đã bị thất bại và tê liệt. Thử hỏi các em học sinh phổ thông kể tên vài đầu báo lớn, chắc hẳn số em nhớ nổi tên các tờ báo không nhiều. Nhưng thử hỏi các em biết kênh YouTube nào đang đình đám, chắc hẳn nhiều em trong số đó nhớ nằm lòng các kênh của anh chị giang hồ mạng.

img

“Giang hồ mạng” Dương Minh Tuyền được chào đón khi đến thăm nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên.

Để hạn chế những hiện tượng này, có lẽ một trong những việc cần thiết và cơ bản nhất là mỗi cá nhân cần làm đúng việc của mình. Gia đình là nơi nuôi dưỡng những yêu thương, ươm mầm những ước mơ cao đẹp. Công quyền là nơi tạo ra các giá trị công, làm đúng việc của những người được dân trả lương để phục vụ người dân. Tôn giáo là nơi kiến tạo và nuôi dưỡng đạo đức của xã hội.

Những điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng để thực hiện được lại không hề giản đơn, nhất là trong bối cảnh của một xã hội chứa đầy nghịch lý - nơi mà không ít thương nhân nhất quyết đi làm thầy tu, còn thầy tu thì đóng vai trò là thương nhân (kiếm tiền trục lợi từ niềm tin tôn giáo). Khi làm đúng việc, “làm tròn vai”, các giá trị sẽ được sắp xếp lại một cách hợp lý, nguồn cung các chỉ dẫn đạo đức cho xã hội sẽ được cung cấp nhiều hơn.

Ở một góc độ khác, các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông) cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Một mặt, hạn chế đăng tải các câu chuyện hiếu kỳ nhưng tác hại gián tiếp là cổ vũ thị hiếu bạo lực. Mặt khác, không tiếp tay cho những kênh kiểu này bằng cách quảng cáo sản phẩm trên kênh YouTube của những giang hồ mạng - vì thực tế đã có những doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm của họ trên những trang này.

Về lâu dài, ngành giáo dục cần đưa bộ môn Truyền thông vào giảng dạy từ những năm đầu của cấp tiểu học. Với từng độ tuổi sẽ có một cách truyền đạt khác nhau, ở đó người học sẽ được học cách giao tiếp trên đời sống mạng. Bằng cách đó, người trẻ biết được những hành vi nào là trái với pháp luật hoặc trái với mỹ tục văn hoá, hoặc thông tin kiểu nào thì cần được kiểm chứng, và cách kiểm chứng, hoặc thông tin kiểu nào thì nên chia sẻ, thông tin nào thì không nên...

Với đồng bộ nhiều giải pháp, những hành vi trên đời sống mạng sẽ mang tính trách nhiệm hơn, những chuẩn mực của xã hội sẽ được duy trì. Lúc đó, phụ huynh sẽ không còn lo lắng về chuyện giới giang hồ mạng có thể dẫn dắt con cái mình theo đuổi các giá trị lệch lạc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem