Giảng viên đại học kiêm MC chia sẻ bí quyết chữa nói ngọng cho trẻ hiệu quả
Thạc sĩ kiêm MC chia sẻ bí quyết chữa nói ngọng cho trẻ hiệu quả
Tào Nga
Thứ tư, ngày 15/05/2024 06:57 AM (GMT+7)
"Mẹo chữa nói ngọng này là đúc rút kinh nghiệm từ bao nhiêu năm gắn bó với nghề giáo và làm MC của tôi", ThS Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW kiêm MC chia sẻ.
ThS Nguyễn Thị Thanh Mai, sinh năm 1984, theo học Tiến sĩ ngành Văn hóa học, hiện là giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW từ năm 2007 và là MC Đài truyền hình quốc gia từ năm 2003 đến nay. Với 17 năm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực giọng nói và kỹ năng mềm, Ths Mai là một doanh nhân với hơn 13 năm điều hành doanh nghiệp chuyên về đào tạo Kỹ năng mềm.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, bà Thanh Mai cho hay: "Mẹo" chữa nói ngọng này là đúc rút kinh nghiệm từ bao nhiêu năm gắn bó với nghề giáo và làm MC của tôi. Tôi hy vọng với những người nói ngọng, nói chưa chuẩn, chưa hay Tiếng Việt, sẽ được trao phương pháp thực hành chính xác, phù hợp với tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi. Bên cạnh đó, cách chữa nói ngọng này là công cụ hỗ trợ cần thiết cho những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, phục hồi chức năng ngôn ngữ, giao tiếp, thuyết trình và những ai muốn cải thiện khả năng giao tiếp".
Ths Thanh Mai chia sẻ: "Việc nói ngọng không chuẩn tiếng Việt xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhận thứ nhất do dị tật bẩm sinh với các vấn đề về cơ học miệng và họng, khả năng điều khiển cơ chuyển động, yếu tố di truyền, sự phát triển não bộ. Điều này khiến trẻ khó khăn trong giao tiếp, truyền đạt ý, tạo áp lực tâm lý, khó khăn trong việc học và phát triển ngôn ngữ.
Nguyên nhân thứ hai do văn hóa vùng miền. Việc này thể hiện qua việc sử dụng từ vựng, ngữ pháp và cách phát âm riêng biệt trong các phương ngữ. Điều này ảnh hưởng của ngôn ngữ cổ điển, sự thay đổi của từ vựng và ngữ pháp trong mỗi khu vực. Cách phát âm âm tiết ví dụ như miền Bắc tiếng "r" thường phát âm cứng hơn ở miền Nam. Cách sử dụng từ vựng địa phương, cách ngữ điều và nhấn âm. Nguyên nhân này gây khó khăn trong giao tiếp, hiểu nhầm ý, ảnh hưởng đến việc học và công việc.
Giải pháp của vấn đề này là cần tìm hỗ trợ từ những người chuẩn về ngôn ngữ và phát âm; Luyện phát âm hàng ngày; Thay đổi từ vựng và ngữ pháp.
Nguyên nhân thứ ba là do bắt chước trong môi trường gia đình, bạn bè, người nổi tiếng. Nói ngọng do bắt chước thường bắt đầu bằng việc người nói phát âm sai một số âm tiết, từ ngữ cụ thể. Một khi đã bắt chước thì khó từ bỏ thói quen.
Nguyên nhân thứ tư là do chưa có phương pháp chuẩn do mỗi người có vấn đề về phát âm và ngôn ngữ riêng. Và một số lý do khác...".
Cách chữa nói ngọng hiệu quả
Chữa ngọng là quá trình cải thiện khả năng nói chính xác và lưu loát. Trong quá trình chữa ngọng, kiểm tra tổng quan là một phần quan trọng để đảm bảo người nói đang sử dụng các cơ quan trong miệng đúng cách. Một số cách chữa như:
Kiểm tra môi có thể đóng mở một cách linh hoạt, đủ bật âm mạnh để tạo âm thanh liên tục và lưu loát bằng cách: Đọc liên tiếp 3 lần, 5 lần các phụ âm "P, B, M" đầu hoặc cuối âm như Mắm, mập, mầm, bắp, cặp...
Kiểm tra răng, trong đó bao gồm xem xét xem răng cửa có tiếp xúc với môi một cách đúng cách để tạo ra âm thanh như "V"; "T"; "Th"... Điều chỉnh vị trí răng trong quá trình nói như phụ âm đầu lưỡi và răng trên "T"; "N" và với phụ âm gió đi qua đầu lưỡi - răng dưới "S"; "D, R, Gi, Ch, TR"...
Kiểm tra lưỡi độ dài - ngắn với phụ âm "L, N, Đ, S, X" (âm bật ra không thoát, bí trong miệng, không tròn tiếng)...
Theo ThS Thanh Mai, sau thời gian chữa nói ngọng, cần kiểm tra âm chuẩn bằng cách ghi âm lại giọng nói của mình hàng ngày và nghe góp ý từ người khác...
"Hy vọng với cách chữa ngọng này giúp cho quý phụ huynh, những người làm trong lĩnh vực đào tạo về điều trị giọng nói thêm hiểu về nguyên nhân, phương pháp và ví dụ thực hành sửa ngọng từ cơ bản đến chuyên sâu", bà Thanh Mai chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.