“Giành” lại vỉa hè cần giải pháp “trị tận gốc”

Nguyễn Hữu (TP.HCM) Thứ hai, ngày 27/02/2017 10:23 AM (GMT+7)
Lãnh đạo UBND Q.1 (TP.HCM) đang quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ. Hoạt động này khởi nguồn từ việc các cơ quan chức năng lắp đặt barie trên vỉa hè các đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Nguyễn Bỉnh Khiêm trên địa bàn Quận 1.
Bình luận 0

Sau đó đích thân ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Q.1 xuống đường chỉ đạo xử lý các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Hình ảnh những chiếc xe bị cẩu đi, quán xá bị phạt, các công trình lấn chiếm vỉa hè bị tháo dỡ kể cả của cơ quan nhà nước cho thấy Quận 1 rất quyết tâm “giành” lại vỉa hè. Đi kèm theo đó là tuyên bố không đòi được vỉa hè cho người dân sẽ “cởi áo từ quan” của ông Phó chủ tịch quận.

Các hoạt động của Quận 1 không mới nhưng thu hút sự quan tâm của dư luận bởi cảnh vỉa hè nhếch nhác, bị xâm hại, ùn tắc giao thông do lấn chiếm vỉa hè, lòng đường rất phổ biến ở khu vực trung tâm thành phố.

Còn nhớ từ năm 2009, việc xử lý các hành vi xâm hại, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường cũng từng được thành phố “mạnh tay” khi thực hiện chương trình “Nếp sống văn minh đô thị” tại một số quận trung tâm.

Chương trình có sự tham gia “hùng hậu” của các lực lượng gồm Công an, Ban An toàn Giao thông, Sở GTVT, Tài nguyên Môi trường, Sở VHTTDL, Sở Thông tin Truyền thông, UBND các quận huyện, các lực lượng chuyên trách. Đích thân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khi đó là bà Nguyễn Thị Thu Hà làm trưởng ban chỉ đạo.

Trong thời gian thực hiện, các lực lượng liên tục ra quân đi đảm bảo trật tự giao thông, giữ gìn vệ sinh công cộng, xây dựng mỹ quan đô thị,… Bên cạnh việc kiểm tra, lập biên bản xử phạt các cơ quan chức năng còn kết hợp thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành. Nhờ vậy bộ mặt trung tâm phần nào được cải thiện, lòng đường, vỉa hè được thông thoáng hơn. Nhưng đáng tiếc chương trình không thể duy trì được liên tục, sau một thời gian rầm rộ các hoạt động cũng dần lắng xuống.

img

Lực lượng chức năng Q.1 ra quân lập lại trật tự lòng lề đường ở khu vực trung tâm

Kết quả ai cũng nhìn thấy khi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tình trạng nhếch nhác trên các tuyến đường vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng tăng theo mật độ tăng dân số. Điều này cũng không khó hiểu khi kinh tế vỉa hè trở thành đặc trưng của thành phố, hoạt động buôn bán kinh doanh đều dồn ra mặt tiền, diện tích đất ít khiến nhiều người xây dựng công trình lấn ra vỉa hè. Phổ biến hơn, diện tích đất giao thông thành phố chỉ chiếm khoảng 8% nhưng phải cõng đến hơn 8 triệu phương tiện khiến tình trạng xe máy “leo” lề đường diễn ra hàng ngày trên nhiều tuyến đường.

Trở lại chuyện “giành” vỉa hè của Quận 1, sau mấy ngày thực hiện, tình hình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã giảm, trật tự đô thị được cải thiện. Tuy nhiên dễ thấy cách làm của quận này vẫn còn đơn lẻ. Các giải pháp quận làm chỉ tập trung vào giải pháp “cứng” như xử phạt, tháo dỡ, trị được phần “ngọn”, “bề nổi” chứ chưa có các giải pháp “mềm”, bứng được “gốc” đi kèm theo đó.

Rõ ràng trong quản lý đô thị, người dân cần có nhiều giải pháp hơn nữa thay vì lắp barie trên vỉa hè không phù hợp quy định, xử phạt người “tè” bậy khi thiếu nhà vệ sinh, xử phạt xe leo lề khi dưới đường không “nhúc nhích” được,…

Cách làm của Quận 1, lãnh đạo thành phố rất ủng hộ và kêu gọi các quận, huyện học theo. Đây là việc làm cần thiết để lập lại trật tự lòng lề đường trên địa bàn thành phố, qua đó kéo giảm ùn tắc giao thông. Nhưng để các hoạt động đó không bị “quên” như chương trình "Nếp sống văn minh đô thị" trước đây, thành phố cần làm quyết liệt, đồng bộ hơn và quan trọng cần có người ở cấp cao hơn dám “đứng mũi chịu sào” đưa ra nhiều giải pháp tổng thể, trị được phần “gốc” hơn..

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem