Giao ban khuyến nông phía Bắc: "Nóng" chuyện đổi mới hoạt động

Minh Huệ - Linh Chi Thứ sáu, ngày 25/10/2019 11:53 AM (GMT+7)
Sáng nay (25/10), tại TP.Yên Bái (tỉnh Yên Bái), Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác khuyến nông phía Bắc năm 2019, với sự tham gia của 29 tỉnh, thành phố từ Thừa – Thiên Huế trở ra. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn trước những yêu cầu phải thay đổi của lực lượng khuyến nông, sáp nhập với các đơn vị khác như thú y, bảo vệ thực vật… nhưng đều khẳng định vai trò không thể thiếu của hoạt động khuyến nông trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bình luận 0

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG), năm 2019, tổng số dự án khuyến nông Trung ương có 77 dự án, trong đó Trung tâm KNQG được Bộ giao tiếp tục chủ trì và quản lý 37 dự án, kinh phí 86,045 tỷ đồng, nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên 45,6 tỷ đồng.

img

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: M.H

Trong đó, mảng trồng trọt, từ đầu năm đến nay Trung tâm KNQG đã triển khai 8 dự án về sản xuất lúa, bao gồm sản xuất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa chất lượng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Đây cũng là những dự án có quy mô, diện tích sản xuất lớn nhất, như 2 dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1, quy mô 435ha tại Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Nam; dự án xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc (Cty TNHH Nông nghiệp Organic Quế Lâm chủ trì), quy mô 120 ha.

Dự án triển khai trên diện tích đất đã được chuyển đổi từ sản xuất thường sang sản xuất hữu cơ ít nhất 1 năm, năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha.

Hay dự án xây dựng và phát triển mô hình sản xuất lúa Japonica và liên kết sản xuất tiêu thụ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, quy mô 360ha, năng suất vụ đông đạt 62,2-72 tạ/ha, vụ mùa đạt 50,5-61 tạ/ha. Sản lượng lúa sản xuất ra đã được HTX liên kết với doanh nghiệp thu mua để chế biến và tiêu thụ. 

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, năm 2019, Trung tâm KNQG triển khai 19 dự án, với tổng kinh phí 34,8 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án được triển khai tại các tỉnh phía Bắc, kinh phí 27,2 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 78,1%). Điển hình như dự án cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt, quy mô 1.625 con bò, trong đó mô hình cải tạo 600 con, vỗ béo 1.025 con.

Ngoài ra, lĩnh vực khuyến ngư, Trung tâm KNQG cũng triển khai 11 dự án, với kinh phí 20,55 tỷ đồng. 

img

Ông Nguyễn Quang Tin – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Tin – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện hữu của hoạt động khuyến nông trong những năm qua không chỉ đơn thuần trong ngành nông nghiệp mà còn thể hiện vai trò nâng cao giá trị tinh thần, văn hoá cho người nông dân, đặc biệt là với bà con ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, việc duy trì và phát triển hệ thống này là vô cùng cần thiết.

"Ngoài vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là chính, bây giờ khuyến nông cũng phải thay đổi hình thức, tạo sản phẩm cụ thể của khuyến nông, gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu, gắn với hình thức tổ chức sản xuất cho nông dân, kết nối tiêu thụ nông sản...", ông Tin khẳng định. 

Theo đánh giá của Trung tâm KNQG, ngân sách Trung ương đầu tư cho hoạt động khuyến nông tại các tỉnh miền Bắc tương đối cao so với trung bình cả nước, tuy nhiên, với lợi thế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nguồn kinh phí còn thấp so với nhu cầu và cũng không đồng đều giữa các tỉnh/ thành phố. Kinh phí khuyến nông vẫn chủ yếu tập trung cho xây dựng mô hình (chiếm trên 80% tổng kinh phí khuyến nông trung ương trên toàn vùng).

Đáng chú ý là kinh phí đầu tư cho khuyến nông qua nhiều năm không tăng, do vậy nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến nông thường xuyên giảm. 

img

Mô hình trồng rừng bạch đàn giống mới tại xã Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) gần 4 năm tuổi hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Ảnh: M.H

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: "Năm nay hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết, thị trường, nhất là dịch tả lợn châu Phi, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân đang chăn nuôi. Mặt khác, đến nay các cơ quan có liên quan vẫn chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí khuyến nông theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP, do vậy trong quá trình lập dự toán và triển khai còn lúng túng, vướng mắc, gặp nhiều khó khăn".

Trong những năm qua hoạt động khuyến nông đã góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bao gồm các tiến bộ về giống, phân bón, thức ăn, quy trình kỹ thuật, thiết bị xử lý môi trường, sản xuất an toàn sinh học,… Thông qua các các hoạt động khuyến nông (xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền…) những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả đã được lan toả, nhân rộng.

Trình độ kỹ thuật của người sản xuất đã được nâng lên rõ rệt. Hoạt động khuyến nông tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò ngày càng hiệu quả, phát huy lợi thế vùng miền và góp phần rất lớn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

"Hiện cả nước có khoảng trên 30.000 người làm khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông. Hệ thống khuyến nông đã được hoàn thiện từ Trung ương, tỉnh đến thôn bản, khẳng định vị trí, vai trò trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương đang tổ chức lại, sáp nhập với một số đơn vị khác thuộc ngành nông nghiệp, khiến một số nơi bị lúng túng trong hoạt động. Nhưng nếu chúng ta chứng minh được sự cần thiết, không thể thay thế được của tổ chức khuyến nông thì sẽ không ai nghĩ đến tách - nhập, xoá bỏ mà luôn làm thế nào để tăng cường năng lực cho đội ngũ khuyến nông" - ông Thanh khẳng định.

Cũng theo ông Thanh, khuyến nông Việt Nam đã trở thành một “thương hiệu”, được người nông dân tìm đến mỗi khi cần tư vấn, hỏi han về sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật. Với tình hình giai đoạn mới, quan trọng là phải đổi mới, tăng cường năng lực như thế nào để thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nông nghiệp 4.0.

"Khuyến nông hiện nay không chỉ là kỹ thuật mà là "bác sĩ đa khoa", người kết nối, trung tâm kết nối công nghệ thì mới giải quyết được những vấn đề còn tồn tại của khuyến nông, cũng như ngành nông nghiệp hiện nay, trong đó có công nghệ, cung – cầu, năng lực… Vấn đề đặt ra với khuyến nông chính là yêu cầu phải thay đổi trong chính nội tại của mình", ông Thanh chốt vấn đề. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem