Giao đất - Không thể thích là thu hồi

Thứ ba, ngày 10/01/2012 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, dẫn đến vụ cưỡng chế ngày 5.1 đã bộc lộ rất nhiều vấn đề xung quanh thời hạn giao đất cho các chủ trang trại.
Bình luận 0

Vậy cần có giải pháp gì để xử lý bất cập này, nhất là khi thời hạn giao đất theo Luật Đất đai năm 1993 sắp kết thúc?

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh- Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã trả lời phỏng vấn Dân Việt.

img
Rất nhiều chủ trang trại đang rơi vào tâm lý bất ổn do thời hạn được giao đất sắp kết thúc. Ảnh: Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam Nguyễn Duy Lượng thăm một trang trại ở Hưng Yên. PHƯƠNG ĐÔNG

Hầu hết các trang trại trên địa bàn cả nước được giao đất với thời hạn 20 năm, tính từ thời điểm Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực. Như vậy, đến năm 2013, thời hạn giao đất sẽ kết thúc, nhưng dường như tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có một sự chuẩn bị gì để “chuyển giao”?

-Thực ra, đây là vấn đề đã được chúng tôi nói đến từ rất lâu rồi, nhưng Bộ TNMT vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức. Vừa rồi, theo kết quả thăm dò của Bộ TNMT ở nhiều địa phương đối với các hộ nông dân, chủ trang trại cho thấy, tỷ lệ hộ đồng ý không chia lại đất đai lớn hơn số hộ đồng ý chia lại đất đai.

Còn về thời điểm giao đất, căn cứ theo luật, trong trường hợp hết 20 năm, nếu hộ gia đình đó có nhu cầu được tiếp tục sử dụng, thì phải tiếp tục giao lại cho họ. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa có một tuyên bố chính thức của ngành chức năng về vấn đề này, nên chủ trang trại ở địa phương không yên tâm đầu tư sản xuất.

Chính vì chưa có một tuyên bố chính thức nào, nên nhiều địa phương đang rục rịch đòi thu hồi lại đất của người dân, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Theo ông, việc làm của các địa phương như vậy có thỏa đáng không?

-Do chưa có tuyên bố chính thức, nên các địa phương họ căn cứ theo thời hạn để thu hồi đất, tất nhiên cách làm của mỗi địa phương cũng có khác nhau.

Theo tôi, xét về lý, chúng ta phải giải quyết tình trạng này ở cấp vĩ mô, nghĩa là phải thực hiện theo luật để có sự thống nhất chung trên cả nước, chứ không thể mỗi địa phương áp dụng một kiểu. Về luật, khi tiến hành giao đất cho các hộ dân, cũng đã có quy định rõ, nếu các hộ dân có nhu cầu, thì địa phương lấy lại, rồi phải giao lại cho họ.

Trong trường hợp người dân không có nhu cầu, họ trả lại, thì địa phương mới được lấy lại đất. Không thể có chuyện, người dân vẫn có nhu cầu mà lại thu hồi đất của họ, để giao cho người khác. Trường hợp địa phương muốn cắt hợp đồng của các hộ dân đã được giao đất thì phải tính toán như một hợp đồng giao đất và phải bồi thường những tài sản trên đất của họ.

Rất nhiều địa phương đã viện dẫn vào vấn đề thời hạn và sự chưa rõ ràng trong cụm từ “nếu có nhu cầu” để yêu cầu các hộ dân phải giao đất lại, rồi sau đó chuyển sang giai đoạn gọi là thuê đất, như trường hợp ở Tiên Lãng chẳng hạn?

- Không thể dùng từ cho thuê đất đối với nông dân được. Khái niệm cho thuê đất chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, còn với nông dân phải dùng đúng từ là giao đất.

Tính theo thời hạn giao đất, chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa (đến 2013) sẽ kết thúc. Trong trường hợp người dân tiếp tục có nhu cầu sử dụng, họ sẽ phải làm những thủ tục gì để được giao đất tiếp, thưa ông?

- Theo tôi, thời hạn đó đang đến gần, nên trước tiên UBND các tỉnh phải tính toán ngay đến chuyện này để có những hướng dẫn cụ thể cho người dân. Còn về phía người dân, đương nhiên họ phải làm đơn để trình bày nhu cầu của mình, tất nhiên việc này cũng phải phụ thuộc vào quyết định của mỗi địa phương.

Như ông đã nói, do chúng ta chưa có tuyên bố chính thức về vấn đề này, nên đang xuất hiện tâm lý không yên tâm ở người dân. Nếu chúng ta không kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp sẽ dẫn tới những hậu quả gì?

- Hậu quả trước tiên thuộc về phía các nhà đầu tư, do thời hạn ngắn, nên không ai muốn đầu tư lớn trong giai đoạn này, vì đầu tư vào, không biết có lấy lại được không. Mặt khác, quá trình tích tụ đất đai mà chúng ta đang khuyến khích cũng sẽ bị ngưng tụ lại do các hộ dân không muốn trao đổi, sang nhượng đất đai với nhau. Một hậu quả lớn nữa là việc quản lý sẽ rất phức tạp, do các tác nhân lợi dụng giai đoạn “tranh tối, tranh sáng” để chuyển đổi mục đích sử dụng ruộng đất.

Xin cảm ơn ông!

Nên giao đất 50 năm

Trao đổi với NTNN, ông Lê Quý Đăng- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện nay, ở nhiều nơi đã chuẩn bị hết thời hạn giao đất để làm trang trại, nên đã xảy ra việc thu hồi theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, do chưa có sự sửa đổi Luật Đất đai năm 1993, nên trước mắt, nếu thời gian giao đất hết thời hạn, thì các địa phương cần căn cứ theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ để thực hiện, nghĩa là nếu hộ nào có nhu cầu sử dụng, thì tiếp tục giao cho họ theo đúng quy định của nghị định này”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nghiêm- Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn), do thời gian điều tra các trang trại theo tiêu chí mới vừa kết thúc, nên đến nay, các địa phương chưa tổng hợp được số liệu chính thức, vì thế Cục chưa nắm được cụ thể về số lượng, cũng như diện tích các trang trại trên địa bàn cả nước hiện nay.

Trao đổi với NTNN, ông Vũ Trọng Thủy - chủ trang trại ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) cho biết: “Với những người làm nông nghiệp, nhất là đầu tư để làm nông nghiệp công nghệ cao, nếu không giao đất đến 50 năm, mà chỉ giao 20 năm, thì không yên tâm để đầu tư sản xuất được. Gia đình tôi hiện có 6ha đất, ban đầu làm dưới quy mô trang trại, thì chỉ được giao 20 năm, sau đó tôi chuyển thành mô hình công ty mới được giao 50 năm. Theo tôi, với các trang trại, cần mở ra hướng mới về thời hạn giao đất”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem