Theo báo cáo hàng năm SYNC Southeast Asia được thực hiện bởi Facebook và công ty Bain & Company, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trong những năm gần đây cùng thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành trong và sau đại dịch đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, khi giao nhận được xem là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định hình trải nghiệm của khách hàng trên hành trình mua sắm trực tuyến.
Dự báo tới hết năm 2021, tổng số người sử dụng TMĐT tại Việt Nam sẽ lên đến 53 triệu người.
Với số lượng đơn hàng ngày một gia tăng và mở rộng sang các tỉnh thành khắp cả nước, việc đầu tư vào hệ thống trung tâm trung chuyển sẽ giúp đảm bảo việc vận chuyển được thông suốt, hạn chế thất thoát và hư hỏng hàng hóa so với việc xử lý thủ công, đồng thời, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.
Nhằm nắm bắt kịp thời nhu cầu và bối cảnh của thị trường hiện tại, các đơn vị vận chuyển không ngừng nâng cao năng lực và tối ưu giải pháp hậu cần để có thể mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Trong đó, công ty chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express không nằm ngoài xu thế trên với việc vừa đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 tại Việt Nam.
Đây là trung tâm hiện đại và lớn nhất cả nước với diện tích lên tới 60.000 mét vuông, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào đầu năm 2022. Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống phân loại thông minh DWS, quy trình xử lý tự động theo quy chuẩn Smart Logistics và hệ thống băng chuyền ma trận tự động, ước tính trung tâm có thể xử lý lên tới hơn 2 triệu kiện hàng mỗi ngày.
Thiết bị bay không người lái sẽ là tương lai của giao hàng nhanh?
Hay như công ty chuyển phát nhanh quốc tế UPS, họ cũng vừa chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới, tọa lạc tại Singapore. Trung tâm đổi mới sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương này sẽ là nơi UPS làm việc với các đối tác chiến lược để sáng tạo, thử nghiệm và triển khai các công nghệ tiên tiến.
Cụ thể, UPS hợp tác với khách hàng và các đối tác công nghệ để tập hợp các cải tiến như robot di động tự động (AMR), thiết bị nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) và máy bay không người lái. Những công nghệ này sẽ thu hẹp khoảng cách về hiệu quả trong chuỗi cung ứng, sắp xếp các hoạt động logistics đầu vào và đầu ra, dịch vụ hoàn tất đơn hàng, cũng như kiểm tra hàng tồn kho,...
Trước đó không lâu, công ty e-logistics Ninja Van công bố việc huy động thành công 578 triệu USD (hơn 13 ngàn tỉ đồng) trong vòng gọi vốn series E. Đây được biết đến là một startup công nghệ đến từ Singapore, đã và đang phát triển rất nhanh chóng trong thời gian ngắn vừa qua.
Nguồn vốn này được Ninja Van phân bổ cho việc phát triển mạng lưới và hệ thống công nghệ để tạo ra mô hình vận hành tối ưu, nâng cao chất lượng và sự đồng nhất trong các hoạt động. Nguồn vốn cũng được sử dụng để xây dựng bộ giải pháp chuỗi cung ứng vi mô của Ninja Van, từ đó giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á tối ưu hóa những cơ hội kinh doanh trực tuyến nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Nhờ việc đầu tư vào công nghệ như J&T Express, UPS hay Ninja Van, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý hàng hóa, đồng thời, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về sản lượng của bưu kiện trong tương lai. Điều đó giúp các doanh nghiệp chuyển phát nhanh có bước chuẩn bị tốt hơn để đón đầu nhu cầu mua sắm tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào các mùa cao điểm.
Tuy nhiên, thực tế vào dịp Black Friday (cuối tháng 11) hay siêu giảm giá 12/12 mới đây, rất nhiều khách hàng tại Việt Nam vẫn còn phàn nàn về thời gian giao hàng lâu, chậm. Hi vọng những sự đầu tư mới của các "ông lớn" chuyển phát sẽ thay đổi điều này trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.