Giáo sư Đặng Hùng Võ: Đối thoại mới minh bạch được đúng, sai

Thứ hai, ngày 12/11/2012 10:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tôi muốn đối thoại với người dân Văn Giang để nói rõ cho họ hiểu không có bất kỳ chuyện tham nhũng nào ở đây cả. Tôi ý thức được chữ ký của mình và không chịu bất cứ sức ép nào”.
Bình luận 0

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN sau cuộc đối thoại “hiếm có” giữa ông với nông dân Văn Giang (Hưng Yên).

Thưa GS, sau buổi đối thoại trực tiếp với người dân Văn Giang, GS cảm thấy thế nào?

- Đối với tôi đây là chuyện hết sức bình thường. Tôi muốn gặp bà con để minh giải một dấu hỏi đặt ra rằng liệu có việc chạy dự án để phục vụ lợi ích của nhà đầu tư không? Tôi muốn minh giải là không có chuyện đó, dù thủ tục trình và thu hồi đất gấp và nhanh, tuy nhiên điều đó hoàn toàn chỉ vì để triển khai nhanh con đường huyết mạch Hà Nội - Hưng Yên chứ không có gì tư lợi vì hồi đó đã có nhà đầu tư đâu.

img
Giáo sư Đặng Hùng Võ trao đổi với người dân Văn Giang ngày 8.11.

GS có nói rằng sẽ làm kiến nghị gửi Bộ Tài Nguyên – Môi trường (TNMT) để làm rõ một số vấn đề nảy sinh từ cuộc đối thoại với người dân Văn Giang?

- Đúng vậy, có 4 kiến nghị tôi muốn được làm rõ. Thứ nhất, cá nhân tôi thừa nhận mình đã làm không đúng quy định pháp luật khi quan niệm áp dụng pháp luật một cách cứng nhắc, theo lôgic hình thức và không có hơi thở cuộc sống.

Chuyện gì cũng có lý do của nó, Chính phủ không ban hành hình thức văn bản quyết định, Chính phủ chỉ có nghị quyết và nghị định. Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền ban hành quyết định. Vậy là do vênh về pháp luật mà Chính phủ phải xử lý như vậy. Điều quan trọng là cái sai đó giống như hơn 3.000 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đất đai trong suốt 10 năm (1993 - 2004).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa quy định chuyển thẩm quyền chung của tổ chức về đất đai sang thẩm quyền riêng của người đứng đầu tổ chức để phù hợp với yêu cầu phát triển và cải cách thủ tục hành chính. Tôi đề nghị Bộ TNMT trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và giải pháp khẳng định tính phù hợp và có hiệu lực của hơn 3.000 quyết định về đất đai trong giai đoạn 1993 - 2004. Đây cũng là lời khẳng định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với 2 tờ trình của tôi.

Thứ hai, trong cuộc đối thoại với người dân Văn Giang có rất nhiều tư liệu mâu thuẫn nhau. Ví dụ Sở TNMT Hưng Yên cho rằng việc phổ biến quy hoạch, phổ biến dự án, thu hồi đất đã đến tận xã rồi, không giấu giếm gì, nhưng bà con nói rằng chuyện đó không có, thậm chí họ đưa ra văn bản của một ông chủ tịch xã ký và đóng dấu nói không có chuyện đó. Vậy cuối cùng phải có cơ quan nào đó đưa ra kết luận cuối cùng?

Đề nghị thứ ba, có ý kiến của người dân trong cuộc đối thoại nói rằng dự án không khả thi, không mang lại lợi ích? Vậy chúng ta cũng phải có đánh giá chính thức điều đó đúng hay không.

Về quyền lợi của bà con, tôi cũng có kiến nghị thứ tư, đó là yêu cầu Bộ TNMT kiểm tra, rà soát thêm việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có phù hợp với pháp luật hay không mà để bà con bức xúc. Nhà đầu tư dự án cũng cần nghiên cứu thêm phương thức kết nối với người dân tại chỗ để dự án được bền vững.

Ông nghĩ Bộ TNMT sẽ xử lý thế nào với những kiến nghị đó?

- Theo tôi, Bộ TNMT là đơn vị quản lý Nhà nước về đất đai, Bộ nên kiểm tra tất cả các việc tôi đã nêu trên. Hiện nay đã có kết luận thanh tra nên tôi nghĩ Bộ TNMT cũng đã biết rõ quá trình giải quyết khiếu nại vừa qua và chắc đã có ý kiến riêng của mình. Đến nay, tôi chỉ là một người dân, đề nghị gì thì cũng chỉ như một người dân khác.

“Người dân có bức xúc thì quan chức nên đứng ra giải đáp trực tiếp, tự khắc người dân sẽ thay đổi nhận thức, sẽ hiểu pháp luật hơn và thông cảm hơn. Thậm chí việc đối thoại trực tiếp sẽ giúp người dân cảm thấy gần với chính quyền hơn”.

Dư luận cho rằng việc một quan chức như ông, dù đã về hưu, mà vẫn đứng ra đối thoại với người dân để giải đáp những băn khoăn của dân là điều xưa nay hiếm. Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng việc những người đã về hưu mà phải ra đối thoại là điều không nên, trừ phi có dấu hiệu tham nhũng thì lại là chuyện khác. Với cá nhân mình, tôi quyết định đối thoại với người dân không phải vì muốn trở thành tiền lệ mà muốn minh bạch đúng, sai; vì tôi bị người dân đặt dấu hỏi lớn về việc ký như thế có phải là có chuyện tham nhũng không? Tôi muốn đối thoại để nói rõ cho người dân hiểu không có bất kỳ chuyện tham nhũng nào ở đây cả. Tôi ý thức được chữ ký của mình và không chịu bất cứ sức ép nào.

Còn việc đối thoại giữa quan chức với người dân là rất cần thiết, bởi vì người dân có bức xúc thì quan chức nên đứng ra giải đáp trực tiếp, tự khắc người dân sẽ thay đổi nhận thức, sẽ hiểu pháp luật hơn và thông cảm hơn. Thậm chí việc đối thoại trực tiếp sẽ giúp người dân cảm thấy gần với chính quyền hơn. Thời còn làm ở Bộ TNMT, tôi cũng nhiều lần đối thoại với dân. Cũng có nhiều người dân đi khiếu kiện, nghe tôi nói xong, họ phát biểu rằng "nếu nghe như bác nói thì tôi rút đơn kiện từ lâu rồi". Đối thoại là một cách hay để giảm khiếu kiện của dân.

Nhìn lại quãng thời gian còn đương chức, GS có thấy luyến tiếc, trăn trở điều gì không?

- Trăn trở của tôi chủ yếu là chuyện xây dựng pháp luật và chuyện quy hoạch sử dụng đất. Luật Đất đai 2003 tuy có nhiều nét mới, nhưng vẫn chưa tạo ra hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp, cho đời sống người nông dân. Về quy hoạch sử dụng đất, chưa chỉ ra được những vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, người nông dân vẫn luôn lo lắng có khi nào mình sẽ bị thu hồi đất. Tôi hy vọng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ làm thêm được nhiều hơn cho người nông dân.

Xin cảm ơn GS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem