Giáo sư Trần Đại Nghĩa - người đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Thanh Tùng Thứ hai, ngày 27/02/2023 19:09 PM (GMT+7)
Chiều 27/2, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 thành lập Liên hiệp Hội, đồng thời tôn vinh những đóng góp GS. Trần Đại Nghĩa với nền khoa học, kĩ thuật của nước nhà.
Bình luận 0

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được thành lập năm 1983. Đến nay, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với 156 hội thành viên (trong đó có 93 hội ngành toàn quốc và 63 liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương). Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đã thành lập gần 600 tổ chức KH&CN trực thuộc.

Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, AHLĐ Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là một trong những người đặt nền móng và có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành cũng như phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa - người đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp". Ảnh: Thanh Tùng.

Tóm tắt về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, chia sẻ: "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi Ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Những đóng góp của Ông đối với công cuộc cách mạng Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng cuộc đời ông lại hết sức bình dị, khiêm nhường.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa - người đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ảnh 2.

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày tóm tắt về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, Ông luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng. Trong quân đội ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, Ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Và đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho GS.VS Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng và phát triển ngôi nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam.

Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26/03/1983 đã bầu GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức KH&CN Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.

Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam".

Nói về những đóng góp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa với ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chia sẻ: "Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX. Từ khi còn nhỏ, ra nước ngoài học tập, tham gia quân ngũ đến khi hoạt động khoa học Nhà nước, đồng chí đã nêu một tấm gương và nghị lực hết mình trong lao động và nghiên cứu khoa học.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa - người đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ảnh 3.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ về những đóng góp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa với ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Thanh Tùng.

Những năm hoạt động trong Quân đội, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều trọng trách như Cục trưởng Cục Quân giới (1946), Cục trưởng Cục Pháo binh (1949), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (1965), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (1977).

Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn tận tụy, đức độ, bản lĩnh cống hiến tài năng, trí tuệ để góp phần xây dựng Ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp chính quy, tinh quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Với ngành Khoa học hàn lâm, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được vinh danh là người đặt nền móng cho cho sự hình thành và phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt vấn đề xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và giao cho Giáo sư Trần Đại Nghĩa khẩn trương lập đề án. 

Giáo sư Trần Đại Nghĩa - người đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Ảnh 4.

Những đóng góp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng để các nhà khoa học hiện nay phấn đấu, học tập, và noi theo. Ảnh: Thanh Tùng.

Trước bối cảnh lúc bấy giờ của Việt Nam, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã lập đề án bước đầu thành lập "Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia", nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sửa lại tên gọi là "Viện Khoa học Việt Nam" như muốn nhắc nhở các nhà khoa học của đất nước phải hết sức cố gắng để sớm gắn thêm 2 từ "Hàn lâm".

Muốn thành lập Viện Hàn lâm Khoa học của một đất nước, điều cần thiết và tiên quyết là phải có một tập thể giáo sư, viện sĩ có uy tín đứng đầu các lĩnh vực khoa học, để thành lập Đoàn Chủ tịch Hội đồng Khoa học. Theo đề nghị của GS. Trần Đại Nghĩa, Chính phủ đã bổ nhiệm một số giáo sư, nhà khoa học kỹ thuật lớn tiêu biểu làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam với hàm Thứ trưởng, tạo thành một tập thể lãnh đạo đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu với điều kiện vô cùng khó khăn, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đứng đầu đã có những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát triển Viện Khoa học Việt Nam. Cụ thể, ông đã chủ trương, một mặt đưa những cán bộ của Viện đi đào tạo, bồi dưỡng tại các Viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu, mặt khác tuyển chọn những cán bộ trẻ tốt nghiệp xuất sắc bậc đại học và sau đại học bổ sung vào lực lượng nghiên cứu của Viện… Nhờ những chính sách đó, Viện Hàn lâm Khoa học ngày một phát triển, đạt nhiều thành tựu và đóng góp lớn cho nền khoa học nước nhà.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được theo dõi những thước phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Qua đó giúp các thể hệ sau hiểu hơn về những đóng góp của một nhà khoa học kiệt xuất, một trong những tri thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh. Đó là một tấm gương sáng để các nhà khoa học hiện nay có thể phấn đấu, học tập và noi theo.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học lớn, đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học Việt Nam. Ông tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ông từng giữ chức Giám đốc đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên Hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 1983 - 1988), đại biểu Quốc hội các khóa II và III.

Năm 1948, ông được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên, được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lao động tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ nhất năm 1952.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã có những đóng góp to lớn vào các cuộc chiến chống B52, phá hệ thống thủy lợi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công.

Năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.

Năm 1996, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về các công trình chế tạo vũ khí bazoka, SKZ, bom bay.

Ông ra đi vào 16 giờ 20 phút ngày 9-8-1997 tại TP Hồ Chí Minh, thọ 84 tuổi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem