Đó là vấn đề được đưa ra bàn luận tại “Hội thảo Một số vấn đề trong dự thảo Đề án chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” được Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức vào ngày 5.11
“Chìa khóa” đang èo ọt
Theo dự thảo, đến năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông mới mới được áp dụng chính thức. “Chìa khóa” quan trọng để thực hiện đổi mới là ở chính các thầy cô giáo. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sau 3 năm nữa đội ngũ này vẫn chưa thể đủ sức và lực để “gánh vác” trọng trách quan trọng này.
Mới nghe đến đổi mới chương trình phổ thông cô Nguyễn Thị Liên – giáo viên dạy THCS ở TP Vinh (Nghệ An) rất lo lắng. Năm nay cô Liên đã 48 tuổi, việc thay đổi phương pháp dạy học, tiếp thu công nghệ thông tin, chuyển đổi hình thức giảng dạy, truyền thụ kiến thức đối với cô bây giờ là cả một “thử thách” lớn. Riêng việc phải học để sử dụng thành thạo công nghệ thông tin đã phải “đánh vật” rồi.
Giáo viên là “chìa khóa” của mọi công cuộc đổi mới giáo dục (minh họa). Nguyễn Thiêm
Khác với cô Liên, nỗi lo của nhiều giáo viên trẻ trước công cuộc đổi mới lại là việc làm thế nào để có thể duy trì cuộc sống chỉ với đồng lương èo ọt. Gần 10 năm theo nghề, thầy Nguyễn Khánh Vinh giáo viên dạy môn Sinh học tại (Quỳnh Phụ - Thái Bình) vẫn phải “chân trong, chân ngoài” vì lương chỉ được 4 triệu đồng/tháng. Thầy Vinh cho biết: “Sắp tới sẽ phải dạy tích hợp, đối với những giáo viên dạy môn chính như Văn, Toán, Ngoại ngữ… thì còn có tương lai. Còn giáo viên môn phụ như chúng tôi, giờ dạy bị cắt giảm thì đồng lương còn èo ọt hơn, sống không đủ nói gì đến đổi mới” – thầy Vinh nói.
Theo TS. Phạm Thị Ly – Giám đốc chương trình nghiên cứu – Viện đào tạo quốc tế, ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, có hai khía cạnh liên quan đến giáo viên đó là năng lực phẩm chất người thầy và động lực làm việc của họ. Động lực chính là thu nhập xứng đáng với công lao động. Hiện nay thầy cô không đủ tiền lương để sống, điều đó khiến phần lớn tâm trí của họ phải đặt vào việc làm thêm, trong đó có những việc tổn hại tới tư cách người thầy.
Bà Ly kiến nghị: “Phải xem tiền lương cho giáo viên là một ưu tiên hàng đầu trước khi đầu tư cơ sở vật chất hay trang thiết bị. Trường lớp có thể xã hội hóa, người dân có thể chọn môi trường học công – tư cho con tùy vào điều kiện. Nhưng dù công hay tư giáo viên đều phải được hưởng một mức sống trung bình trong xã hội mà không phải làm bất kỳ việc gì khác, nhất là không phải trông đợi những khoản đóng góp dưới mọi hình thức của phụ huynh, học sinh. Nếu không làm được điều này thì khó có thể nói đến bất kỳ sự đổi mới nào về chất lượng”.
“Cởi trói” cho… hiệu trưởng
Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những yếu tố quyết định có thể làm thay đổi chất lượng nguồn giáo viên cho công cuộc đổi mới đó là Hiệu trưởng thì chưa được nhắc đến trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bà Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, để thay đổi chất lượng giáo viên và mức sống cho họ không thể thực hiện ngay một sớm, một chiều: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên 45 tuổi tiếp cận được với công nghệ thông tin là xa xỉ, ngoài ra, đối với các trường ngân sách Nhà nước chỉ đủ trả lương cho giáo viên và chi rất ít vào cơ sở vật chất”. Cũng theo bà Thuận, để thực hiện xã hội hóa là một việc làm vô cùng khó khăn đối với lãnh đạo các trường trong khi Bộ lúc nào cũng kêu gọi trường phải xã hội hóa để kiện toàn cơ sở vật chất và đạo tạo giáo viên: “Chúng tôi phải qua 5 cửa, 4 con dấu mới thu được 1 đồng tiền xã hội hóa từ phụ huynh, nhưng trong 1.000 phụ huynh chỉ có 1 – 2 phụ huynh không hài lòng là đã có đơn từ, kiện cáo rất phức tạp”. Bà Thuận kiến nghị, chương trình mới cần quan tâm nhiều hơn đếu đời sống giáo viên nhất nhất là những giáo viên bộ môn phụ.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, cần “cởi trói” cho hiệu trưởng các trường trong những chính sách liên quan đến chất lượng giáo viên và giảng dạy: “Giáo viên làm nên đổi mới, nhưng hiệu trưởng là người quyết định đổi mới phải thực hiện thế nào. Hiện nay, hiệu trưởng các trường đang bị “bó buộc” quá nhiều trong những quy định, chính sách, điều lệ… họ muốn sáng tạo cũng không có “đất dụng võ”. Ví dụ như, việc thực hiện giáo dục kỹ năng sống trường Đinh Tiên Hoàng làm từ năm 2011 nhưng cho đến bây giờ Bộ GD ĐT mới bật đèn xanh cho các trường làm hay đưa tâm lý học đường vào trường học trường cũng làm từ năm 2011 nhưng đến nay chỉ riêng Sở GD ĐT Tp HCM mới mạnh dạn làm. Hay việc tuyển dụng giáo viên, vào hợp đồng, cử đào tạo… cũng bị bó buộc. Nói như thế để thấy rằng việc giao tự chủ cho hiệu trưởng các trường là vấn đề cần làm cho công cuộc đổi mới nếu muốn nó được thực hiện hiệu quả” – ông Lâm nói.
“Tài liệu của Bộ GD ĐT nhận định “Đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo”. Tôi e rằng chữ “chuẩn” ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp chứ chưa phải là năng lực thực sự được đánh giá khách quan từ phụ huynh và học sinh” – bà Phạm Thị Ly
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.