Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM: (Bài 2) Về quê “ăn bám”, tập trở thành nông dân
Giáo viên mầm non tư thục tại TP.HCM (bài 2): Về quê dựa dẫm bố mẹ, tập trở thành nông dân
Mỹ Quỳnh
Thứ tư, ngày 17/11/2021 18:00 PM (GMT+7)
Vì cứ “mở mắt ra là tốn tiền” nên nhiều giáo viên mầm non tư thục không bám trụ nổi ở TP.HCM, họ buộc phải về quê để vừa tránh dịch Covid-19, dựa dẫm bố mẹ, chờ ngày trường học được mở cửa.
Làm giáo viên mầm non tại TP.HCM ngót nghét gần 5 năm, M.L (25 tuổi, quê Đaklak) chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày phải về nhà "bám váy mẹ" như bây giờ.
L cho biết, trước đây là giáo viên mầm non tại một trường tư thục trên địa bàn quận 1 với mức lương 'kha khá". Thời điểm đó, ngoài lo chi phí trang trải cuộc sống, L vẫn tích cóp gửi về nhà phụ bố mẹ. Đùng một cái, dịch bùng phát, công việc tạm ngưng không biết ngày nào mới được làm trở lại. Vì là giáo viên tư thục nên thu nhập bị cắt hoàn toàn.
Nhắm thấy tình hình không ổn, phần vì dịch nguy hiểm, phần vì ở lại không có thu nhập nên M.L khăn gói lên đường về quê. Những ngày đầu, nỗi nhớ trường lớp, nhớ trẻ thơ cứ làm L bồn chồn, khó chịu. Các khung giờ trong ngày đều khiến chị liên tưởng đến trường mầm non, ví dụ giờ ăn sáng, ăn trưa, ăn xế, giờ học, giờ ngủ, giờ ra sân chơi... Trong khi đó, thời gian ở quê cũng trôi chậm hơn nhiều so với thời gian ở thành phố, chính vì vậy, L như muốn trầm cảm.
Về nhà làm "của nợ" của gia đình, L không đành lòng nên bắt đầu cùng bố mẹ ra rẫy, làm nông. Trước đây, việc của L là học nên những công việc chân tay, cuốc cày ít khi nào phải đụng đến. Thế là nhân dịp này, L cũng bắt đầu tập làm nông dân.
Nhờ việc làm nông mà M.L hiểu được vất vả của bố mẹ, đồng thời nguôi ngoai nỗi nhớ trường lớp. Ảnh: NVCC
"Thời gian đầu em thấy mệt lắm, tay chân lúc nào cũng rã rời, lấm lem. Nhưng sau quen dần, lại thấy được sự vất vả của bố mẹ nên cảm thấy thương bố mẹ nhiều hơn. Một điều nữa là đi làm về mệt, ngủ ngon, nỗi nhớ thành phố, nhớ tiếng của các bé cũng dần nguôi ngoai… ", L nói.
Cũng theo chị, trong khu vực có khá nhiều đồng nghiệp trở về quê trong đợt dịch này. Độc thân còn đỡ, chứ nhiều người mang theo con cái về, cuộc sống hàng ngày trông chờ vào bố mẹ nên rất vất vả.
Quen dần với câu cô giáo "mất dạy"
Cũng chọn cách về quê tránh dịch, Như Nga (giáo viên mầm non trường Bút Chì Màu, quận Bình Tân) cho biết, ban đầu cuộc sống bị đảo lộn, tủi thân và rất bất lực.
"Bố mẹ tôi có quán nước nho nhỏ, khách ra vô cũng lai rai. Thời gian đầu khi mới về quê, người quen tới cứ chọc là cô giáo nay "mất dạy" rồi à? Hoặc cô giáo về "ăn vạ" bố mẹ à... khiến tôi rất căng thẳng. Biết là mọi người chỉ đùa vui thôi, nhưng lúc ấy đang hụt hẫng, chưa quen được việc mình "mất dạy" nên buồn lắm. Riết tới giờ quen luôn rồi", Nga cho biết.
Nga cũng kể thêm, công việc của Nga mỗi ngày chỉ ra vô phụ mẹ bán quán. Lúc đầu, thấy mấy tháng trôi qua mà Covid-19 không thuyên giảm, Nga nghĩ đến chuyện tìm việc khác ở quê làm luôn, không lên thành phố nữa.
"Những lúc buồn, các bé ở TP.HCM nhờ ba mẹ gọi đến gặp tôi, líu lo kể chuyện, nói nhớ cô, hỏi khi nào cô lên thành phố... tự nhiên chỉ muốn được đến lớp với các bé ngay lập tức. Nghề nào quen việc đó, đã gắn bó với trẻ thì yêu trẻ, không muốn làm việc khác", Nga nói.
Chị Vân (40 tuổi, đồng nghiệp của Như Nga) cũng khăn gói về quê ở Trà Vinh để nương nhờ cha mẹ già. Chị Vân cho biết, chị có hai người con, đứa lớn 14 tuổi gửi ông bà ngoại ở quê từ nhỏ, đứa bé năm nay lên 3 ở cùng hai vợ chồng trên TP.HCM. Chị làm giáo viên mầm non tư thục, chồng thì làm công nhân. Ngày chưa dịch, lương hai vợ chồng cũng được khoảng 15-17 triệu đồng. Ngoài chi phí ăn uống, thuê trọ, anh chị vẫn có tiền gửi ông bà ngoại lo cho đứa con trai.
"Dịch ập đến, cả hai vợ chồng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp, mỗi ngày trôi qua đều dài đằng đẵng. Ban đầu cứ gắng gượng ở lại, chờ dịch ổn rồi đi làm chứ về nhà lại thêm gánh nặng cho ông bà ngoại đã lớn tuổi. Thế mà dịch càng lúc càng căng, đến khi không cầm cự nổi nữa thì tìm đường về quê, lúc này thành phố lại cấm không cho về", chị Vân kể.
Chị Vân cho biết thêm, suốt nhiều tháng trời gia đình chị sống dựa vào chính quyền, dựa vào các nhà hảo tâm và hàng xóm xung quanh giúp đỡ. Ngoài ra, vợ chồng chị cũng phải vay mượn tứ tung để có tiền trang trải.
"Đầu tháng 10 tới nay, tôi cũng đi tìm việc để làm nhưng do vướng con nhỏ nên không xin được. Nhận trẻ về nhà giữ thì nhà trọ chật hẹp, phụ huynh không ai gửi. Thế nên mẹ con tôi đưa nhau về quê, còn chồng thì tiếp tục ở lại làm công nhân và làm thêm bốc xếp để kiếm tiền trang trải, trả nợ", chị Vân cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.