Theo quy định tại Điều 3 Nghị định này, để được hưởng trợ cấp giáo viên phải đáp ứng đủ 3 điều kiện:
- Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm trở lên;
- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.
- Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức:
Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp
Trong đó:
Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.
Tháng lẻ từ 3 tháng đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 1 năm.
Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định này, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1/1/2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.
Nghị định 14/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.