Giáo viên thừa nhận từng trù dập học sinh vì không đi học thêm

Tào Nga Thứ tư, ngày 14/09/2022 09:33 AM (GMT+7)
Cô Lan chia sẻ, bản thân cô từng cho một học sinh 6,4 điểm môn Văn tổng kết chỉ vì không đi học thêm lớp của mình.
Bình luận 0

Giáo viên trù dập học sinh vì không đi học thêm

Ngay sau khi bài viết: "Vừa đầu năm học cô giáo đã "dí" ngay tờ giấy học thêm, phụ huynh lo sợ con bị trù dập đăng tải, một số phụ huynh, giáo viên thừa nhận có hiện tượng này xảy ra và nếu không đi học thêm sẽ bị giáo viên tỏ thái độ không ưa.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Nguyễn Thu Hằng, phụ huynh có con học lớp 9 cho hay: "Thương con mà không biết phải sắp xếp lịch học của con thế nào cho hợp lý". Theo chị Hằng, con chị năm nay thi vượt cấp và vì con có học lực khá nên mong muốn con vào trường một chuyên ở gần nhà. Tuy nhiên, muốn vào trường chuyên thì phải học thêm ở ngoài trong khi con vẫn phải đăng ký học thêm ở trường chỉ vì sợ cô giáo chủ nhiệm cho điểm kém. 

"Tôi nghĩ tùy mục tiêu của từng gia đình để đầu tư cho con học thêm. Học thêm, dạy thêm không xấu nhưng phụ huynh có quyền lựa chọn theo mong muốn của gia đình. Tôi thấy con học chính khóa ở trường là đủ nhưng cô giáo nhắc khéo không đi học thêm với cô sẽ bị điểm kém, không đủ điểm thi vào các trường chuyên... Vậy là con tôi cả ngày học ở trường, tối đi học thêm bên ngoài kín tuần, không có thời gian để nghỉ", chị Hằng nói.

Giáo viên thừa nhận từng trù dập học sinh vì không đi học thêm  - Ảnh 1.

Một lớp học ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Tào Nga

Thẳng thắn chia sẻ về việc không đi học thêm bị cô giáo trù dập, cô Nguyễn Mai Lan, giáo viên chủ nhiệm một trường THCS ở Hà Nội cho biết: "Hiện tượng học sinh bị cô giáo trù dập vì không tham gia học thêm lớp của cô là có thật. Nhiều học sinh vì không đi học thêm nên không được cô giáo chữa đề cương, bài làm điểm không cao. Trong khi đó học sinh đi học thêm được chữa chi tiết, ôn tập sát đề thi nên điểm cao chót vót. Học sinh không đi học thêm, cô sẽ để điểm 4,9; 6,5; 7,9... để không đạt được học sinh tiên tiến, học sinh giỏi hay đủ điểm để thi vào các trường chuyên".

Cô Lan chia sẻ, bản thân cô cũng từng cho một học sinh 6,4 điểm môn Văn tổng kết. Trong khi đó, điểm thi vào lớp 10 của em này được 7,75 điểm và đỗ vào ngôi trường gần nhà. Tuy nhiên, em này không đủ điều kiện thi Trường THPT Nguyễn Tất Thành yêu thích vì trường lấy điểm trung bình môn Toán, Văn từ 6,5 điểm trở lên. Cô Lan cho hay, lý do chỉ vì em đó không đi học thêm ở lớp của cô. 

"Có rất nhiều cách để "dọa" học sinh. Môn Văn thì dễ dàng chấm điểm thấp và phụ huynh, học sinh không thể bắt bẻ được cô giáo. Còn môn Toán dù học sinh giải ra đúng đáp án nhưng cô vẫn bảo sai rằng "Ai cho anh chị trình bày theo cách này" rồi không tính điểm và phải trình bày đúng theo cách của cô", cô Lan nói.

Nữ giáo viên này cho biết, hiện nay nhiều giáo viên xin vào trường công, đặc biệt là những giáo viên dạy môn chính, chỉ để có điều kiện để dạy thêm. Mỗi em phải đóng học phí 50-100.000 đồng/buổi tùy theo trường. Lớp 40 học sinh đều đi học đầy đủ mỗi môn 2-3 buổi/tuần. Phụ huynh không dám cho con nghỉ vì một phần sợ con đuối hơn so với các bạn, một phần sợ bị cô trù dập điểm số.

"Lương hiện tại với giáo viên là quá thấp, nhất là với giáo viên trẻ. Học 4 năm đại học, nâng cao trình độ 2 năm cao học nhưng ra trường lương chưa được 4 triệu đồng. Nếu không đi dạy thêm thì giáo viên không đủ sống", cô Lan thẳng thắn. 

Tiêu cực trong giáo dục còn thảm hoạ hơn mọi thứ

Nêu quan điểm về việc giáo viên đi dạy thêm, thạc sĩ giáo dục Ngô Thùy Giang cho hay: "Theo tôi, giáo viên không nên dạy thêm lớp mình dạy vì sẽ dẫn đến tiêu cực. Được biết, một số trường tư ở Hà Nội hiện tại đã cấm giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình. Tất nhiên trường tư thì trả mức lương đủ để sống hơn. Thế nhưng giáo viên không thể lấy lý do lương thấp để bắt học sinh đi học thêm và rồi em nào không đi thì trù dập, đe dọa".

Theo Thạc sĩ Giang, tiêu cực trong vấn đề dạy thêm, học thêm diễn ra ở cả 3 cấp (Tiểu học, THCS, THPT). Với học sinh tiểu học, gần như 100% bố mẹ phải cho con đi học thêm vì các em cần sự quan tâm, sát sao, kèm cặp. Và nếu không cho con đi học, bố mẹ lo sợ con sẽ bị cô quát mắng hoặc "cô lập", không để ý đến. Tiêu cực nhất là ở cấp THCS vì các em không đi học thêm sẽ bị điểm kém, ảnh hưởng đến việc chuyển cấp sau này.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, nhà văn Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn đình đám một thời) cho hay: "Trong suốt nhiều năm tôi làm Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò đã nhận nhiều thư tâm sự tình trạng giáo viên trù dập học sinh. Nhiều em học sinh gặp những giáo viên cay nghiệt và phản giáo dục.

Trù dập học sinh sẽ huỷ hoại đi tình nghĩa thầy trò. Nó khiến nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự thù ghét giáo viên. Nó khiến môi trường học đường trở thành nơi thầy cô được quyền bạo hành một đứa trẻ mà mình không ưa. Thậm chí, nhiều thầy cô còn sử dụng quyền làm thầy, quyền làm cô để làm giàu cho bản thân bằng việc dạy thêm mà thực chất chỉ là mua điểm.

Bắt học trò phải đi học thêm nhà mình để được điểm cao hơn. Học trò nào không đi học sẽ bị điểm kém. Ngay thông tư mới nhất của Bộ GDĐT về việc bãi bỏ các bài kiểm tra 1 tiết mà thay vào đó sử dụng lời phê của thầy cô, đánh giá của thầy cô thì cũng khiến tôi giật mình sợ hãi. Vì nếu điều đó xảy ra với những thầy cô không có tâm thì đó chính là một "cơ hội" để thầy cô ấy lạm quyền. Chỉ nhận xét tốt cho học sinh biết nghe lời, có bố mẹ "hiểu ý" quà cáp đầy đủ. Đó thực sự là một điều đáng sợ.

Tiêu cực trong giáo dục còn thảm hoạ hơn mọi thứ tiêu cực khác ngoài xã hội. Vì nó trực tiếp biến mỗi đứa học trò hôm nay thành những kẻ cơ hội, gian dối, đối phó mai này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem